Phát mệt với cô em chồng hay xin, hay lơ, hay quên...

22/05/2017 - 06:30

PNO - Nhận thấy cô em chồng “kỳ cục”, tôi cũng e dè khi chia sẻ trên mạng xã hội. Tôi tâm sự to nhỏ với chồng, thì chồng lại trách tôi tính toán thiệt hơn với em gái mình. Rồi vợ chồng lại giận nhau.

Mỗi lần đến nhà tôi chơi, cô em chồng hay lục lọi đồ đạc, túi xách, tủ quần áo… Có cái gì ưng ý, vừa bụng thì cổ không ngại xin về. Mỗi lần gia đình tôi đi du lịch, em ấy cũng xin cho gia đình em đi theo.

Khổ nỗi, em lại thường xuyên “lơ” thanh toán phí sinh hoạt, ăn uống, khách sạn. Nhiều lần như vậy, tôi ngày càng “sợ” cô em chồng và có khi phải chạy trốn em ấy.

Phat met voi co em chong hay xin, hay lo, hay quen...
Ảnh minh họa

Tôi kết hôn được 15 năm, chồng tôi là người Việt gốc Hoa. Gia đình tôi có một hoàng tử và một công chúa xinh xắn. Cuộc sống của vợ chồng tôi chẳng đến nỗi nào nếu như không có sự “quan tâm” quá đặc biệt từ cô em chồng.

Em chồng tôi có gia đình, hai con. Thấy vợ chồng tôi cũng có chút “của ăn của để” nên em cũng hay vay mượn, tuy gia đình em cũng khấm khá với nhà lầu xe hơi…

Vợ chồng tôi quản lý một khách sạn nhỏ của ông chủ Hàn Quốc. Gia đình tôi cư ngụ luôn trong khách sạn này nên em chồng tôi thường ghé chơi. Thỉnh thoảng, vợ chồng tôi vẫn thết đãi em ấy tiệc tùng các dịp cuối tuần.

Nhưng lâu rồi thành thói quen, cứ như em ấy muốn tôi phải có nghĩa vụ “cho” em ấy bất cứ cái gì em thích. Chắc em nghĩ của cải là do anh trai mình tạo ra hết nên em ấy cứ xin bất cứ món gì, kể cả khi tôi không mấy vui vẻ.

Có lần, em đến mà không có tôi ở nhà, em lục trong tủ đồ lấy túi xách, son, phấn… những đồ dùng cá nhân của tôi. Em ấy không ngại bỏ vào giỏ mình vài món yêu thích, có khi không để lại lời nhắn nào, có khi thì kèm tin nhắn: “Em xin mấy món nha chị, chị có nhiều quá, xài bao giờ hết, hi hi”. Tôi chỉ còn biết thở dài. 

Thật ra, tôi không phải là người ki bo. Mỗi lần sinh nhật em tôi cũng chu đáo tặng cho em cái áo, thỏi son hay cái ví em thích. Nếu có khách du lịch nước ngoài qua chơi, họ tặng mỹ phẩm, sửa rửa mặt, hay mặt nạ dưỡng da… tôi vẫn dành phần cho em.

Tôi cũng chẳng tiếc tiền cho những buổi họp mặt, gặp gỡ gia đình, lần nào tôi cũng chủ động gọi điện thoại mời em. Nhiều khi em mượn tiền mà "quên" trả tôi cũng bỏ qua.

Có lẽ vì quá tử tế với em nên em có phần xem nhẹ tôi. Nhiều lần tôi thấy em cứ vòi vĩnh quà trong khi em không hề thiếu thốn. Có những người chị em khác trong gia đình hoàn cảnh khó khăn hơn, tôi muốn dành và san sẻ cho họ. Vậy là em không vui.

Có lần em ganh tị khi tôi cho một người bạn củ sâm Hàn Quốc mà không cho em. Em lên facebook nói bóng nói gió khiến tôi buồn vô cùng. Em đâu biết, người bạn của tôi vừa sinh non, sức khỏe kém nên tôi muốn dành củ sâm đó bồi bổ cho bạn mình có sữa để nuôi con. Chưa dừng lại ở đó, em gọi điện thoại khóc lóc với chồng tôi, rằng tôi thiên vị người ngoài, không thương người nhà.

Từ khi nhận thấy cô em chồng “kỳ cục”, tôi cũng e dè khi chia sẻ trên mạng xã hội. Tôi tâm sự to nhỏ với chồng, thì chồng lại trách tôi tính toán thiệt hơn với em gái mình. Rồi vợ chồng lại giận nhau.

Thật ra thì đâu phải tôi tính toán, nếu tính toán thì tôi đã không cho em ấy nhiều như suốt nhiều năm qua. Tôi mệt mỏi vì đáng lý ra em chồng phải hiểu rằng ai cũng có gia đình và cuộc sống riêng. Lẽ ra, em chồng không nên can thiệp quá sâu vào đời sống của gia đình tôi. Người ta vẫn hay nói: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” chắc cũng có lý do của nó. 

Tôi buồn, ôm con về quê cho khuây khỏa. Sự vắng mặt của tôi có lẽ cũng làm chồng tôi nhận ra điều gì đó không phải với tôi. Anh xuống quê tôi đón mẹ con tôi lên Sài Gòn.

Anh từ tốn: “Anh biết rồi, anh sẽ nói chuyện với cô Út, em về đi, không có em nhà vắng lạnh quá”. Tôi thầm nghĩ, giá như cô em chồng tôi cũng nhận ra được những tính kỳ quặc của mình thì có lẽ gia đình tôi không phải sóng gió.

Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI