Ông bà 'nuôi con mọn' tuổi gần đất xa trời

19/09/2019 - 12:00

PNO - Cha mẹ dđi làm ăn xa, không chỉ ông bà chịu cái gánh quá nặng khi 'nuôi con mọn', lũ trẻ cũng thiệt thòi đủ đường. Đã có những sai lầm trong nuôi dạy không thể sửa...

Gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ tấm ảnh chụp một người phụ nữ đi xe đạp, phía sau có gắn thùng chở sáu đứa trẻ. Tác giả có chú thích: Do mấy đứa con đi xuất khẩu lao động hết nên người phụ nữ này phải nuôi dạy cùng lúc 6 đứa cháu, 5 cháu nội, 1 cháu ngoại. Để thuận tiện việc đưa đón, bà đã đóng cái thùng xe, kết nối với xe đạp để tiện đưa cháu đi học.

Ong ba 'nuoi con mon' tuoi gan dat xa troi
Bà tự chế xe để chở 6 đứa cháu. Ảnh từ Facebook

Bức ảnh nhận được nhiều lượt bình luận và chia sẻ từ cộng đồng mạng. Nhiều người bày tỏ ý kiến chẳng biết nên vui hay buồn trước cảnh này bởi cháu ngày một lớn, liệu bà có đủ sức chở không, gửi con cho ông bà như thế khác nào “bóc lột” sức của người già.

Một số người cho rằng, chắc bà chở cháu đi chơi cho vui, chứ đi học hàng ngày làm sao chịu nổi. Không biết nguồn gốc bức ảnh trên như thế nào, nhưng câu chuyện về những ngôi làng chỉ có người già và trẻ em không còn cá biệt. Bọn trẻ cũng quen với việc lớn lên chỉ có ông bà nuôi dưỡng, cha mẹ chúng có khi đi làm biền biệt vài năm mới thấy mặt.

Do điều kiện kinh tế, nhiều đôi vợ chồng trẻ lựa chọn phương án “gửi” con cho ông bà để đi làm ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, hay xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Ông bà ở cái tuổi cần được nghỉ ngơi lại một lần nữa kiêm vai trò làm cha mẹ những đứa nhỏ.

Chăm nuôi, dạy dỗ các cháu ở tuổi mà sức khoẻ như đèn trước gió không hề dễ dàng, nhưng vì thương con thương cháu, ông bà phải gắng sức. Dù có chu cấp tiền bạc đầy đủ hàng tháng thì việc chăm lo nuôi nấng trẻ con là hết sức vất vả đối với ông bà. Mặc dù không thể phủ nhận việc gửi con cho ông bà nuôi có nhiều thuận lợi, cha mẹ có nhiều thời gian tập trung cho công việc, tiết kiệm chi phí và cảm thấy yên tâm về con.

Nhưng điều gì cũng có hai mặt của nó, gửi con cho ông bà nuôi ngoài việc tạo áp lực cho ông bà ngày càng già yếu thì chính những đứa trẻ và ba mẹ chúng cũng phải chịu nhiều thiệt thòi nhất định.

Vai trò của ba mẹ trong việc chăm sóc giáo dục con cái rất quan trọng. Các chuyên gia tâm lý đều khẳng định trẻ từ lúc mới sinh đến 3 tuổi rất cần hơi ấm của ba mẹ, cần được mẹ ôm ấp vỗ về để đủ điều kiện phát triển thể chất.

Trường hợp gửi con cho ông bà quá sớm thì con sẽ “ dễ quên” ba mẹ. Trẻ con phản xạ theo bản năng tự nhiên, chúng sẽ dành tình cảm cho người ở gần và yêu thương chăm sóc mình.

Điều này làm ba mẹ tủi thân khi con từ chối những cử chỉ yêu thương của mình mà chỉ muốn đi theo ông bà. Khi muốn đón con về ở cùng cũng khó khăn vì trẻ không quen và phải mất nhiều thời gian.

Xã hội ngày càng phát triển, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình lớn của trẻ. Ông bà tuổi cao sức yếu, không thể cập nhật hết thông tin để can thiệp được kịp thời. Chưa kể, ông bà thương cháu thường hay chiều chuộng theo sở thích của trẻ, khiến chúng ương bướng, dễ sa ngã. Ông bà không hiểu tâm lý làm trẻ cũng khiến  một số bé rơi vào tình trạng trầm cảm, tự kỉ.

Ong ba 'nuoi con mon' tuoi gan dat xa troi
Xa ba mẹ, sống với ông bà ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình trưởng thành của một đứa trẻ. Ảnh minh hoạ

Nhiều nghiên cứu tâm lý nhận định: việc xa cách ba mẹ thường xuyên và lâu dài có thể tạo nên sức ép tâm lý cho trẻ, nhất là ở độ tuổi vị thành niên. Trẻ sống với ông bà do có khoảng cách thế hệ lớn, thiếu sự quan tâm, bảo ban của cha mẹ nên có nhiều nguy cơ tổn thương tâm lý.

Do ít được trò chuyện tâm sự với ba mẹ nên trẻ không cảm nhận được tình yêu thương, có xu hướng thích ở một mình và khó hoà nhập đám đông. Trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý, những đứa trẻ sống xa ba mẹ có thể chậm lớn, tinh thần hay rối loạn và có nhiều hành vi lệch chuẩn do khả năng nhận thức kém. Có trường hợp, những em bé gái ở với ông bà bị xâm hại tình dục nhiều lần nhưng trong gia đình không  ai hay biết.

Dẫu biết vì cuộc sống mưu sinh, nhiều ba mẹ bất đắc dĩ mới phải gửi con ở với ông bà để đi làm ăn xa. Nhưng với trẻ, thứ quan trọng nhất chính là tình yêu thương sự vỗ về ôm ấp của ba mẹ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển tâm sinh lý của chúng. Bởi vậy, ba mẹ nên cân nhắc việc gửi con cho ông bà nuôi dưỡng cần tránh những giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ và thời gian gửi cũng đừng quá dài.                                                                                      

Số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB và XH), năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.860 người, tăng 6% so với năm 2017. Trong đó, lao động nữ chiếm trên 1/3. Nhân lực lao động xuất khẩu ngày nay không chỉ là những thanh niên độc thân, mà mở rộng sang nhiều thành phần, nhiều độ tuổi. Do đó, rất nhiều đứa trẻ ở các miền quê đang thiếu vắng sự chăm lo của cha mẹ.  

Minh Khoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI