Ông anh bị... bỏ quên

03/12/2018 - 10:30

PNO - Khi mẹ điện thoại báo tin anh trai bị té xe, mặt mày bầm giập, tôi điếng hồn. Thảo nào trước khi nghe tin, tâm trạng tôi khó chịu vô cùng, cảm giác bất an.

Hồi còn sống, ba hay nói có những cảm giác như vậy là vì anh em chung một đoạn ruột. Không biết cơ sở nào để ba nói thế nhưng tôi cứ tin điều ấy, cùng chung máu mủ nên khi người này xảy ra chuyện là trái tim người kia lập tức được báo động. 

Đi thăm anh trai, nhìn người đầy vết thương mà xót ruột và thương kinh khủng, quả là máu chảy ruột mềm. 

Là anh lớn, ảnh tự gánh lấy vô số trách nhiệm trong gia đình, còn mấy đứa em thì cứ vô tư vì nghĩ đã có ông anh “siêu nhân” lo lắng mọi thứ. Không biết anh trai tôi sinh nhằm ngôi sao gì mà số phận luôn đặt để ở vị trí thủ lĩnh: ở nhà là anh hai gương mẫu, đi học là lớp trưởng, đi làm là trưởng nhóm… Tôi nghĩ với chừng ấy trách nhiệm, hẳn anh hai phải gồng người lên mà sống mấy chục năm nay.

Ong anh bi... bo quen

Từ sau lần anh hai bị tai nạn bầm giập mặt mày, tôi bừng tỉnh: mình đã có một ông anh rất xịn. (Ảnh minh họa)

 

Anh học giỏi và càng "nổi tiếng" khi những năm 80 có "thằng học trò nhà quê đậu Đại học Y dược TP.HCM". Chuyện đó, anh tôi quan niệm, làm anh lớn phải ráng học để mấy đứa nhỏ noi theo. Đúng là có ông anh như vậy nên mấy đứa em cảm thấy học đại học là việc phải làm và không có gì to tát. Nhờ có anh hai mà suốt những năm học phổ thông, mấy đứa em thường được các giáo viên ưu ái: “Em thằng H. ha, chắc học giỏi”. 

Tốt nghiệp đại học, anh hai ôm lấy việc nuôi mấy đứa em khi chúng vào đại học để ba mẹ đỡ cực. Anh nuôi em chẳng để thiếu thốn gì. Mấy đứa em học xong đại học, anh hai còn trang bị cho chúng xe máy và một số đồ nghề cơ bản khác để đi làm mà không lúc nào than vãn.

Các em học xong, anh vẫn một mình gánh vác trách nhiệm lo cho ba mẹ: tiền sinh hoạt hằng tháng, sắm sửa đồ đạc trong nhà, tiền khám chữa bệnh… Anh hai ôm hết, mặc dù còn bộn bề vợ con. Khi ba tôi mắc bệnh, anh mặc nhiên lo tiền viện phí, thuốc thang. Khi ba mất, cũng ảnh lẳng lặng lo đám tang, không hỏi ai một đồng.

Anh cứ gồng lên mà sống nên chúng tôi tự thấy ảnh ổn, không cần quan tâm. Quà cáp cho anh ư? anh đâu thiếu tiền, mua gì chẳng được. Ảnh ăn gì, uống gì cho khỏe - đâu cần phải lo, dược sĩ mà. Ngược lại, mấy đứa em hễ có chuyện gì cũng “anh hai ơi, anh hai à…”. Cho đến khi quen biết với nhiều đồng nghiệp của anh, nghe họ kể anh phải nỗ lực đến mức nào để lo cho mấy đứa em và có được ngày hôm nay, tôi mới để mắt tới anh nhiều hơn. Họ còn kể, có thời điểm công việc khó khăn, anh phải đứng bán cho nhà thuốc đến nửa đêm mới về, mới thấy mình vô tâm quá cỡ.

Đương nhiên, anh không cần tiền bạc, quà cáp gì của mấy đứa em, nhưng nếu được các em quan tâm thì anh sẽ vui hơn. Tôi thấy anh mình đã vui như thế nào khi được tôi tặng mấy chiếc áo sơ-mi, chiếc cà-vạt… Mặc dù lần nào anh hai cũng càu nhàu: “mua chi tốn tiền vậy không biết”. 

Vậy đấy, đời tôi tốt hơn nhiều khi có một ông anh ngon lành như vậy. Nhưng cuộc đời kỳ lạ, nhiều khi chúng tôi quên mất “công đức” ấy, còn anh tôi thì chẳng mảy may đòi “ghi nhận”. 

Từ sau lần anh hai bị tai nạn bầm giập mặt mày, tôi bừng tỉnh: mình đã có một ông anh rất xịn. Còn có rất nhiều ông anh xịn trên cuộc đời này bị những đứa em bỏ quên. Nhưng mấy anh vẫn vui vì được làm anh trai của ai đó, vì có lẽ anh biết chúng cất anh đâu đó trong tim. 

An Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI