Những tò mò của trẻ đều bị người lớn cho là 'bậy bạ'

16/03/2017 - 06:30

PNO - Những đứa trẻ hồn nhiên chạy theo cái ngoắc tay của một người lớn quen biết, rồi cũng bằng cái quán tính vâng lời ấy, đứa trẻ cởi áo, làm theo những động tác kỳ quặc người lớn yêu cầu.

Cũng những đứa trẻ kéo nhau vào căn nhà vắng người lớn, vận dụng những 'kiến thức' ngây ngô rồi chia nhau làm... chuyện vợ chồng. Đứa 'hiểu biết' thì hăm hở. Đứa 'tồ tẹt' ngơ ngác học theo. Những điều cấm kỵ được 'hóa giải' từng chút một, hấp dẫn.

Hoặc, một đứa trẻ tuổi dậy thì, gọi một đứa bạn khác, rồi để cho bản năng tự 'hành xử'… Sau tất cả những chuyện đó, hoặc quá lý thú trước một bí mật đã khai mở, hoặc lo âu, sợ hãi vì nghĩ mình sai trái, tội lỗi, những đứa trẻ ấy giấu nhẹm.

Nhung to mo cua tre deu bi nguoi lon cho la 'bay ba'
Ảnh minh họa.Nguồn: Internet

'Nhân quyền của một đứa trẻ chưa được đảm bảo' - là vấn đề khiến cộng đồng phẫn nộ, bởi những vụ dâm ô trẻ em chưa được xử lý thích đáng. Mỗi đứa trẻ sinh ra trong cái xã hội đầy 'kỵ húy' này đã bị tước bỏ nhân quyền ngay từ trong nhà - khi rung cảm yêu đương trong sáng, hay khi xuất hiện những tò mò tự nhiên về giới tính, về quan hệ vợ chồng, về nụ hôn, cái nắm tay… Tất cả đều bị người lớn phẩy tay gạt đi: 'Bậy bạ!'.

Quen nghĩ tình yêu hay tình dục là chuyện đáng xấu hổ, người lớn đã lờ đi mọi thắc mắc của con trẻ, tự xoa dịu mình là 'bọn trẻ sẽ tự biết'. Hành trình đó nối dài thêm các thế hệ phụ huynh 'xấu hổ trước chuyện tình dục' mới, những thế hệ thiếu niên 'mù' giới tính mới. Không chỉ bị tước mất cơ hội được hiểu biết, trong môi trường đó, những đứa trẻ cũng tự nhiên cảm thấy tất cả những gì thuộc về 'phạm trù' ấy đều 'sai trái', 'đáng xấu hổ'.

Không chỉ những 'thắc mắc đặc biệt'  mà ngay cả những cảm giác thực sự của những đứa trẻ trong từng biến động của sự trưởng thành cũng bị phủi bỏ. Ngồi hóng gió tại một khu vui chơi của một chung cư cao cấp, tôi khá bất ngờ khi thấy những đứa trẻ phương Tây thỉnh thoảng chạy lại 'méc' mẹ, bạn A. nào đó làm con 'hấy buồn', 'thấy thất vọng'.

Câu chuyện của trẻ con Việt Nam nếu xuất hiện những từ 'cấm kỵ' đó chắc chắn sẽ lập tức bị gạt phăng. Từ cái cảm giác 'thấy chán ăn', 'thấy sợ lớp học', 'thấy ngại chú A., anh B.'; cho đến những cảm giác khủng khiếp gắn với từng biến cố dữ dội hơn - đều bị gạt bỏ. Cảm giác của một đứa trẻ chưa biết điều gì nên/không nên thì đâu đáng quan tâm!

Từ đó, những đứa trẻ cũng dần coi thường cảm giác của mình trước cán cân 'đúng/sai', 'tự hào/xấu hổ'. Chuyện cảm giác - những nỗi sợ hãi, tủi nhục, đớn đau - có là gì so với những đúng/sai sừng sững trong cái chuyện 'cấm kỵ' đáng xấu hổ đó? Cũng vì thế, cho dù phải gánh nỗi hoảng sợ vượt quá xa cái tuổi của mình, những đứa trẻ vẫn cố... giấu đến cùng chuyện bị xâm hại, hoặc chuyện chứng kiến bạn bè bị xâm hại tình dục.

Đáng sợ hơn, chính cái tiềm thức ghê sợ chuyện tình dục còn khiến nạn nhân tự cảm thấy mình đã mang một 'vết nhơ', mình là người có lỗi, đáng ghê tởm. Một đứa trẻ bị người lớn đánh có thể chỉ ấm ức một thời gian, nhưng một đứa trẻ bị xâm hại luôn tự đeo nỗi ám ảnh 'nhơ bẩn' suốt đời.

Ngày nay, chúng ta đã có cả một thế hệ phụ huynh nhận thức và 'tuyên bố' mình đang 'làm bạn với con'. Cha mẹ thế hệ mới đã gần gũi và quan tâm đến con nhiều hơn. Hầu như mọi vụ xâm hại trẻ em đều do phụ huynh phát hiện, rồi tra hỏi con. Nhưng, 'tình bạn' giữa cha mẹ - con cái dường như vẫn chưa đủ để bọn trẻ bước qua cái mặc cảm sai trái, tủi hổ mà chủ động tâm sự về cảm giác của mình.

Khi có một đứa trẻ hoảng loạn sau 'tai nạn', người ta thường hỏi: 'Phụ huynh của em ấy đâu?'. Có lẽ, cũng như phần lớn phụ huynh trong cái nền văn hóa này, chúng ta đang bận làm một 'người định hướng', một 'tấm gương', một “giáo sư” biết tuốt, một tượng đài của 'cái đúng' và tệ hại hơn là một 'thánh nhân' không màng chuyện 'tầm thường'...

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI