Những người đàn bà không thích nói 'hy sinh vì con'

27/10/2017 - 15:30

PNO - Chia tay là điều không tính trước, nhưng một khi nó đến, người phụ nữ phải đối đầu, lựa chọn điều tốt nhất cho các con, cho chính mình, đấy mới là sự khôn ngoan.

Họ không phải là những người đàn bà thép. Trái lại, họ có trái tim nồng nàn, yêu mãnh liệt. Chấp nhận cuộc sống đơn thân, hơn ai hết, họ hiểu mình muốn gì. Cuộc sống đơn độc cùng các con được kết nối bởi tình yêu thương và năng lực nội tâm mạnh mẽ.

Không ai muốn đổ vỡ để được tự do, nuôi con một mình khi đã có gia đình. Chia tay là điều không tính trước, nhưng một khi nó đến, người phụ nữ phải đối đầu, lựa chọn điều tốt nhất cho các con, cho chính mình, đấy mới là sự khôn ngoan.

Một tình yêu đẹp là tình yêu hòa hợp. Khi đã không còn sự hòa hợp để cùng chung tay xây đắp gia đình thì dù níu kéo cách gì, cuối cùng cũng đổ vỡ. Con cái sinh ra không phải để chịu những gian truân của cha mẹ. Vì thế, khi gia đình gặp sóng gió, đa phần người chèo lái tiếp con thuyền cùng các con là người mẹ.

Hiểu con, phải tin con

Họa sĩ Hoàng Minh Hằng khá nổi danh trong làng tranh lụa Việt Nam. Nói đến tranh lụa vẽ hoa có lẽ khó ai qua được nữ danh họa này. Những bức tranh tinh tế, đầy chất thơ giống tâm tính chị. Hoàng Minh Hằng là người dịu dàng, nhẹ nhàng, chuẩn mực đúng phong cách phụ nữ Hà Nội xưa.

Nhung nguoi dan ba khong thich noi 'hy sinh vi con'
Chị Hoàng Minh Hằng và gia đình con trai K'Linh

Một mình chị nuôi hai con vượt qua những năm tháng nghèo khó. Lương giáo viên mỹ thuật thấp, tranh bán phụ thuộc khách nước ngoài nên chỉ đủ để chị cùng các con sống đời chật vật. Hoàng Minh Hằng quan niệm, con cái có ý thích và tự do của chúng. Chị không ép con học thêm, chạy trường, chạy thầy như bao người mẹ khác.

Tất nhiên cũng có lúc chị đau đầu vì các con ham chơi, chểnh mảng bài vở. Chị quan tâm đến cá tính từng đứa con, chọn cách ứng xử phù hợp nhất với con trai, con gái. Hiếm có người mẹ nào khi con học lớp 12 lại an tâm, chấp nhận mua cho con chiếc máy chụp hình, để nó đi chụp trong công viên với mấy tay chụp ảnh dạo. 

Nhung nguoi dan ba khong thich noi 'hy sinh vi con'
Giám đốc hình ảnh K'Linh

Chính những bức hình vứt lăn lóc khắp nhà của con là một gợi ý hướng nghiệp. Trường điện ảnh là nơi chị dẫn con trai tìm thầy, tìm cơ hội. K’Linh trở thành tay máy quay phim siêu nhất trong làng điện ảnh hiện nay. Gần đây, K’Linh là người giật gần hết giải vàng quay phim tại các LHP quốc gia (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Thiên mệnh anh hùng...).

Họa sĩ Hoàng Minh Hằng kể: “Một bà thầy bói nói rằng “con trai chị, hoặc sẽ rất nổi tiếng hoặc vào tù”. Mình nghĩ đã cho con một nền văn hóa tốt thì nhất định con sẽ sống hay, không thể dở được. Hiểu con, phải tin con mình”.

Ai cũng có khát vọng vươn lên để thành công, ước muốn có cuộc sống tử tế, con cái cũng vậy. Tin con và chiều con là làm bạn với con. Không bao giờ các con chị trách móc bố mẹ, cũng không thấy sự thiếu thốn vật chất là điều ám ảnh. Trong cuộc sống, cái gì tới sẽ tới.

Mẹ phải giữ lửa đam mê để truyền cho con

Nhung nguoi dan ba khong thich noi 'hy sinh vi con'
Chị Suối Hoa và con trai Tạ Minh Trãi

Họa sĩ Bùi Suối Hoa là một nét độc đáo khác. Chị giống như tranh của mình, những nhát cọ mạnh mẽ, lôi cuốn. Suối Hoa chưa bao giờ đi làm ở cơ quan nhà nước hay một công ty tư nhân nào. Chị tồn tại bằng chính tài năng của mình, độc lập về mọi phương diện. Một mẹ, một con ở trong ngôi nhà rộng giữa vườn đầy hoa lá.

Chị dạy con trai Tạ Minh Trãi  tự lập từ nhỏ. Mười tuổi cậu bé đã biết khi trong nhà hết gạo, tự đạp xe đi mua, không đợi mẹ nhắc. Là họa sĩ nổi danh, nhưng chưa bao giờ Suối Hoa ép con mình cầm cọ. Chị có những chuyến đi xa sáng tác, Trãi ở nhà một mình khá chững chạc. Mẹ đi Pháp sáu tháng liền, con trai ở nhà tự lực mọi việc và thi đậu một lúc hai trường đại học. 

Nhung nguoi dan ba khong thich noi 'hy sinh vi con'
Tạ Minh Trãi với các học viên của học viện ADC

Suối Hoa bình tĩnh chờ xem con mình sẽ phát triển theo hướng nào. Đa phần các nghệ sĩ đều thích con phải trở thành nghệ sĩ hoặc không thì chọn con đường kinh tế cho thoát cuộc đời nghèo mà bay bổng như cha mẹ. Suối Hoa thì không: “Trước tiên mẹ phải là người sống đến tận cùng đam mê cho con cái thấy. Tiền bạc, hạnh phúc gia đình cũng từ đó mà có. Người đàn bà không tự giữ lửa thì làm sao truyền lửa cho con. Mẹ không mạnh mẽ thì làm sao con cái khỏe khoắn và vững vàng trên đường đời”.

Ý chí và say mê sáng tạo không ngừng của mẹ là tiền đề cho một Tạ Minh Trãi phát triển con đường sáng tạo riêng và rất mới ở Việt Nam. Khi Trãi tốt nghiệp thủ khoa tại Pháp, anh từ chối tất cả những hợp đồng với mức lương có thể ở lại trên đất Pháp.

Về Việt Nam, Trãi cùng bạn  sáng lập ra ARTS, Design và Creativity Academy (ADC Academy - Học viện Nghệ thuật, Thiết kế và sáng tạo), đang là địa chỉ nổi danh có hàng nghìn học viên theo học.

Khi con đã thành đạt, Suối Hoa bắt đầu lại từ đầu, một mình, như một thử thách mới trên đất Mỹ. Cuộc sống thật sự ấm nóng khi cả mẹ và con cùng đạt được những khát vọng của mình. 

Chia nỗi đau, để con là chính mình

Nữ nhạc sĩ, nhà lý luận âm nhạc Minh Châu. Chị đẹp, tươi trẻ, luôn rực rỡ như một đóa hoa hướng dương vào buổi mai sớm. Phía sau những ca từ, những bản luận ca về âm nhạc, về tài năng là một người phụ nữ đã vượt qua tất cả những nỗi đau tưởng như không thể chịu đựng được hơn. Mỗi người đều có những lý do ra đi, Châu quyết định ở lại Hà Nội vì các con và một sự dứt khoát với quá khứ.

Công việc của một nhà lý luận đòi hỏi bản lĩnh và sự thấu hiểu. Những bút chiến sắc sảo khi đâm thẳng vào thực trạng đi xuống của âm nhạc hiện nay không phải bản lĩnh lý luận nào cũng dám lên tiếng. Bởi ở đó sẽ đụng những mối quan hệ đồng nghiệp, cả bậc thầy, một thể chế và đụng với cả cách  nghĩ mòn của đám đông. Con đường đó hẳn không có nhiều tiền để giàu, Minh Châu là vậy.

Nhung nguoi dan ba khong thich noi 'hy sinh vi con'
Vũ Tùng Phương và nhóm Popping MilkyWay

Con nhà nghệ sĩ, một khi con không theo nghiệp cha mẹ thì thôi nhưng đã theo thì con lao vào còn “nghệ và máu lửa” hơn cả cha mẹ. Khi con nẩy  nòi  nghệ thuật thì mẹ Châu chỉ  có nước lấy đó làm sự phấn khích cho chính cuộc sống của mình. Nhóm Popping MilkyWay (Dải ngân hà) của Vũ Tùng Phương đang là nhóm nhảy điệu nghệ nhất, nhì ở Hà Nội. Minh Châu  sống trong nhịp thở của từng vũ điệu của cả con trai, con dâu và cháu.

Trải lòng, có lẽ chị cũng là một người hiếm hoi khi đi đến tận cùng sâu thảm nỗi đau của người mẹ: “Bao năm, một mình mẹ đã chịu đựng những nỗi đau không thể chia sẻ cùng ai. Nhưng nỗi đau của mẹ không thể sánh được với những gì con đã, đang và sẽ phải chịu đựng. Chỉ cần con tin rằng dù con là gái hay trai, con vẫn là con của mẹ, dù con cô độc đến đâu, con vẫn còn mẹ làm bạn với con-người bạn trung thành,vô điều kiện."

Nhung nguoi dan ba khong thich noi 'hy sinh vi con'
Phút bên con của chị Minh Châu

Chính Minh Châu là người mẹ dẫn đứa con thứ hai đi thực hiện cuộc giải phẫu khó khăn nhất, để con được sống thật với giới tính của mình. Mèo Nhép (tên ở nhà) hiện đang học đạo diễn ở trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, cháu tiếp tục theo nghề mà ông ngoại, đạo diễn điện ảnh Huy Vân, người đã dịch Thép đã tôi thế đấy- một cuốn sách gối đầu của thanh niên Việt ở thế kỷ trước và bà ngoại  là nghệ sĩ nhân dân Tuệ Minh.

Như tất cả những người yêu và theo nghệ thuật tâm niệm: Làm nghệ thuật muốn hay và giỏi, điều đầu tiên phải sống  với đúng con người của mình. Khi đã đến tận cùng sự chân thật, cộng với đam mê thì nhất định  thành nghệ sĩ thành công”. Hy vọng đó không chỉ của mẹ Minh Châu mà của tất cả các cô chú trong gia đình nghệ thuật yêu mến dành cho Mèo Nhép.

Nhung nguoi dan ba khong thich noi 'hy sinh vi con'
Niềm vui của chị Minh Châu bên con cháu

Những người đàn bà không cần tự hào phải hy sinh cho con. Trên con đường đơn độc, khi con đã thành bạn thì gánh nặng sẽ vơi đi. Mỗi người có lối đi riêng để tồn tại, nhưng chung quy họ đều giống nhau khi bảo tồn khát vọng của mình và của con. Sống đúng như mong ước thì đơn thân không còn là đường mòn khổ đau, chính nó  là nghị lực, sức mạnh cho những ngày mới.

Việt Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI