Những chiếc lá vàng khô

19/03/2018 - 16:53

PNO - Đời con người ta có cái gì tựa hồ như đời lá vậy?

Mỗi sáng, dẫn xe ra khỏi nhà là tôi bắt gặp dáng còng còng, xách bịch ni-lông nhỏ đựng thức ăn quen thuộc của bà cụ hàng xóm ngấp nghé tuổi 80.

Nhung chiec la vang kho
Ảnh minh họa

Bà mới dọn về cạnh nhà tôi không lâu. Thi thoảng đi làm về, bà rủ tôi qua ngồi chơi, chỉ cần dăm ba câu thăm hỏi khơi gợi là bà tuôn ra biết bao nhiêu chuyện. Nhiều đến nỗi tôi sốt ruột nhấp nhổm ra về để kịp làm bữa tối cho con mà không nỡ cắt ngang. Ở một mình, ngoài sáng sớm đi chợ, bà chỉ ngồi bên trong cánh cửa rào nhìn ra đường như là trông ngóng.

Ba con trai, hai con gái không ai ở với bà. Hình như có một anh - chưa có gia đình - không còn trẻ đi tứ xứ giang hồ, thi thoảng về với bà một vài hôm rồi lại biền biệt. Trong miên man chuyện kể về ông, về các con, về vùng quê miền Trung đầy cát và gió, tôi ngậm ngùi nhớ nhất lý do bà về ở đây, trong căn nhà cấp bốn tồi tàn cũ kỹ này. Các con bà không ai đồng ý để căn nhà lớn, nơi có bàn thờ ông, lại cho anh Út.

Họ muốn bán chia đều, bà cũng có một phần. Ai ở với bà thì hưởng phần của bà. Người cần tiền làm ăn, người cần tiền mua nhà, người cần tiền chữa bệnh… năm núm ruột bà banh thịt xẻ xương đâu có ai hơn kém nhau chỗ đứng trong trái tim bà. “Bà giữ căn nhà lớn làm chi khi các con ai cũng cần tiền hả cháu?”. Câu nói nhẹ như hơi gió còn phảng phất chất giọng miền Trung cũng như dáng ngồi lầm lũi, trơ trọi của bà đằng sau khung cửa sắt, cứ không thôi ám ảnh tôi.

Khu đô thị cao cấp xa trung tâm thành phố, tầm trưa và xế chiều thật yên ắng. Cạnh hồ bơi nhỏ, trên băng ghế đá có những mái tóc bạc trò chuyện rôm rả. Người già cũng như trẻ con, làm thân với nhau nhanh lắm, vài câu hỏi thăm gia cảnh, con cái là chuyện tuôn như suối, như thân tự thuở nào.

Đó là hội bạn của mẹ tôi - những bà nội, bà ngoại bỏ quê lên thành phố ở với con trai, con gái, chiều mát đưa cháu xuống sân chơi, nói với nhau về những nỗi niềm đầy ắp. Mắt mẹ sáng long lanh, tủm tỉm cười khi kể về dì Ng. ở Trà Vinh, làm bà ngoại mà mới ngoài 40, hát cải lương ngọt như nghệ sĩ chuyên nghiệp, bỏ ông chồng hãy còn thanh xuân lắm, ở đây, ôm cháu ngoại vì con bé cứ sụt sịt miết.

Dì L. ở Long Khánh, nhà có rẫy trái cây trùng trùng, từng oanh oanh liệt liệt mà bó chân, bó gối ở với con dâu nín thinh không dám nói gì, vì cưng thằng cháu nội giống con trai mình như đúc. “Mà con biết không, mẹ cũng như các dì ấy, ráng ở đây vì thương cháu. Chứ nhất định nhà mình mình ở thôi con, mẹ nói con đừng buồn, không bán nhà, bán đất mà theo đứa nào được, gái cũng như trai.

Như vợ chồng bác Đ., ở xéo xéo căn của Út mình đó. Xót lắm con!”. Tôi có biết vợ chồng bác Đ., vì có lần mẹ kể. Hai bác cũng tầm trong ngoài 70. Quê ở Sa Đéc, gia đình vốn giàu có nhiều đời. Có một anh con trai độc nhất, khi anh ấy có gia đình, có con, hai ông bà bán hết nhà cửa lên ở cùng anh. Vì nghĩ đằng nào cũng có mỗi mình anh ấy, “Trẻ cậy cha, già cậy con”.

Êm ấm được vài năm, bỗng dưng ông mắc bệnh Alzheimer, mỗi ngày một nặng. Ban đầu chỉ là quên quên nhớ nhớ, ăn cơm rồi mà vẫn bảo chưa ăn. Nhưng rồi đến lúc bác ấy bỏ điện thoại, điều khiển từ xa ti vi vào máy giặt, là đi không biết đường về... Ban đầu chỉ là những tiếng càm ràm cố nén của cô con dâu vì còn e dè nhà sát vách nhau. Nhưng rồi những ca thán, hét hò cãi vã vang cả dãy hành lang... 

Nhung chiec la vang kho
Ảnh minh họa

“Hai bác ấy về quê lại rồi con. Tội nghiệp! Về phải cất lại căn nhà nhỏ trên khoảnh đất thổ mộ còn lại. Bà ấy cũng yếu, rồi một mình chăm ông. Mẹ nghe nói là bệnh ấy còn sẽ nằm một chỗ hử con? Bữa về, bà ấy qua chào mẹ, quẹt quẹt nước mắt, nói nhớ thằng Bo lắm - chắc lâu lắm ba nó mới đưa về quê. Bà chắc không lên nữa!”. Gió thổi phần phật, tán lá bàng xao xác. 

Không dưng hai mẹ con tôi không hẹn mà nói đúng một câu: “Mình lên nhà thôi, sao nghe lạnh quá!”. Những chiếc lá vàng chịu không nổi cơn gió xoáy, rơi xuống, nằm còng queo trên nền đá hoa cương lạnh ngắt. Tôi vẫn không hiểu sao mình thích nhìn đến mê mải những chiếc lá vàng khô nằm im lìm như thế. Mải miết xanh, rồi khi rời khỏi cành, nâu vàng tàn héo vẫn lặng lẽ nằm im ở gốc như mang những nỗi niềm về đám lá xanh non, tươi hớn hở trên cành kia.

Đời con người ta có cái gì tựa hồ như đời lá vậy? 

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI