Những câu trẻ hỏi thách thức người lớn

26/11/2017 - 11:02

PNO - Nếu trẻ hỏi: "Nếu không muốn mua đồ chơi cho con, tại sao mẹ sinh ra con?", thì đó là một tín hiệu cho biết trẻ cần được chú ý nhiều hơn, hoặc đang học cách kiểm soát cảm xúc của bạn.

Đôi khi trẻ có thể hỏi một điều gì đó mà bạn không biết. Lờ đi hay thú nhận mình không biết? Đừng để sự lúng túng biến bạn thành bậc cha mẹ không lắng nghe con. Dưới đây là một số câu hỏi “hóc búa” của trẻ và bạn nên trả lời sao cho đúng.

Nhung cau tre hoi thach thuc nguoi lon
Ảnh minh họa

“Người lớn thì tốt hơn trẻ em?”

Trẻ thường phản đối người lớn bằng một câu hỏi như vậy. Chúng ta phải giải thích với con rằng người lớn không tốt hơn hoặc tệ hơn, họ khác nhau. Người lớn đều từng là trẻ em. Bạn cần giúp trẻ hiểu người lớn cũng khác nhau: có tốt và xấu, hiền và dữ, hay cười và cáu kỉnh. Một đứa trẻ không cần phải luôn tin tưởng vào người lớn chỉ vì anh ta là người lớn.

"Tại sao các mũi tên đi theo chiều kim đồng hồ, mà không ngược lại?”

Người lớn thường xem một vài việc như chuyện tất nhiên, nhưng trẻ em có thể nghiêm túc thắc mắc “tại sao như thế này mà không phải thế khác”. Hãy cho bé xem mô hình đồng hồ mặt trời, kể cho trẻ nghe đã có lúc thời gian được xác định theo mặt trời và chiều kim đồng hồ chính là con đường di chuyển của bóng tối.

Sẽ tốt hơn nếu bạn cho trẻ xem đồng hồ mặt trời hoạt động ra sao vào những ngày nắng đẹp. Rất đơn giản, bạn chỉ cần một cái que, vẽ vòng tròn trên mặt đất hoặc một chiếc đĩa nhựa bình thường và cây bút chì là đủ.

“Tại sao mọi người không nói cùng ngôn ngữ?”

Để giải thích đơn giản sự tồn tại của các ngôn ngữ khác nhau cho trẻ, bạn không nhất thiết phải nói về tháp Babel, nhưng lý thuyết về một ngôn ngữ duy nhất đang được nhiều nhà khoa học ủng hộ, sẽ giúp bạn.

Nhung cau tre hoi thach thuc nguoi lon
 

Hãy nói rằng trước đây có rất ít người trên trái đất, họ sống cùng nhau, nói chuyện bằng một ngôn ngữ, cùng nghĩ ra cách đặt tên những điều họ chưa bao giờ thấy. Sau đó con người ngày càng nhiều hơn, họ sống thành từng nhóm phân tán ở những nơi mới. Khi các nhóm khác nhau gặp một cái gì mới, họ sẽ đưa ra những từ khác nhau cho điều đó.

“Động vật cũng nói bằng các thứ tiếng khác nhau hay sao?”

Bạn giải thích cho con rằng, động vật không có ngôn ngữ nào theo cách hiểu biết của chúng ta về điều này. Một con mèo từ châu Phi sẽ dễ dàng hiểu được một con mèo của Nga. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, nhiều loài chim cùng chủng loại có thể nói chuyện với nhau.

Nhung cau tre hoi thach thuc nguoi lon
 

“Thời gian là gì?”

Không nên đi sâu vào lý thuyết về thời gian, chỉ cần một lời giải thích khá đơn giản: thời gian là những gì mọi người nghĩ ra để đo lường cuộc sống của họ. Bạn đưa ra những ví dụ như nếu không có khái niệm về thời gian thì không ai biết con bao nhiêu tuổi, cần bao lâu để nấu cơm hoặc hẹn hò một ai đó… Việc giải thích có thể biến thành một trò chơi thú vị: "Nếu không có thời gian thì sẽ ra sao?".

"Tại sao con là chính con?"

Khi trẻ bắt đầu nhận thức về cá nhân mình như là một người, bé có thể hỏi "tại sao con là thế này?". Câu hỏi này có thể là thắc mắc về cả hình thức lẫn tính cách, thói quen và những say mê.

Bạn giải thích với trẻ rằng mỗi người là duy nhất, vẻ ngoài và một số tính cách được thừa hưởng từ gia đình, giáo dục ở nhà, trong lớp mẫu giáo và ở trường. Trẻ có thể nhận ra những thói quen của bạn bè. Mọi thứ bé đọc và nhìn thấy cũng để lại dấu ấn của nó. Từ đó tạo ra một tính cách độc đáo - có những người tương tự nhau, nhưng không thể hoàn toàn giống nhau.

“Vì sao ba mẹ sinh con ra?”

Trẻ hỏi có thể vì tò mò, cũng có thể vì cảm giác oán giận. Trong trường hợp đầu tiên, hãy nói với bé rằng bố mẹ yêu nhau, quyết định có một gia đình và sinh ra một đứa trẻ để yêu thương, chăm sóc nó. Nếu trẻ lớn hơn bốn tuổi, bạn có thể nói về lịch sử và sự tiếp tục của dòng họ.

Nhung cau tre hoi thach thuc nguoi lon
 

Nhưng nếu trẻ hỏi: "Nếu không muốn mua đồ chơi cho con, tại sao mẹ sinh ra con?", thì đó là một tín hiệu cho biết trẻ cần được chú ý nhiều hơn, hoặc đang học cách kiểm soát cảm xúc của bạn. Trong trường hợp này, đừng để mình bị khiêu khích. Quan trọng là bạn đừng bao giờ, ngay cả khi vui đùa, nói với trẻ rằng con "ra đời" một cách tình cờ. Trẻ cần luôn cảm thấy mình đến thế giới và luôn được mong đợi, được yêu thương, mọi người cần có trẻ.

“Tại sao người lớn nói dối nếu điều đó là không tốt?”

Bạn rất khó giải thích cho một đứa trẻ biết có những lời nói dối nhưng lại tốt, vì vậy hãy thành thật với trẻ, rằng người lớn cũng có thể mắc sai lầm, làm những điều sai trái. Khi nói sai sự thật, họ hành động không tốt. Nếu trẻ nhận ra bạn đã nói dối bé, hãy xin lỗi con ngay lập tức. Đừng để trẻ có ấn tượng bạn sai lầm, vì như thế bé sẽ luôn luôn đổ lỗi.

“Tại sao Hoàng/Lan lại không thích con?”

Lần đầu tiên phải đối mặt với thực tế bị bạn bè trêu chọc, gọi mình là đứa ngu ngốc, xấu xí, trẻ sẽ tự hỏi tại sao bạn không thích mình, vì trẻ lớn lên trong môi trường được mọi người trong gia đình yêu thương, khen ngợi.

Hãy nói với trẻ rằng ai cũng có thể được yêu mến hay bị ghét bởi người nào đó, việc ấy tự nhiên như con thích ăn kem sô-cô-la, còn em bé thích ăn kem vani. Dù bị ghét, con cũng không trở thành người xấu. Chẳng hạn như nếu tất cả mọi người chỉ thích mái tóc đỏ, thì những người có mái tóc khác sẽ tìm kiếm tình yêu của họ như thế nào?

“Làm thế nào để lựa chọn đúng?”

Khi trẻ bắt đầu nhận ra khái niệm "đúng/sai", chúng sẽ quan tâm đến việc làm sao để chọn đúng, nếu không biết trước điều gì sẽ xảy ra. Bạn cần giải thích cho trẻ hiểu, khi lựa chọn điều gì, con phải lắng nghe trái tim và trực giác của mình. Sẽ dễ ghi nhớ hơn khi bạn diễn tả về việc lựa chọn đúng sẽ khiến bé hạnh phúc. Cũng cần cảnh báo trẻ không được làm bất cứ ai tổn thương.

 “Tại sao đôi khi mặt trăng lại xuất hiện vào ban ngày?”

Hầu hết trẻ em biết rằng mặt trăng "tỏa sáng" vào ban đêm, nên chúng sẽ ngạc nhiên khi lần đầu thấy nó vào ban ngày. Đây là thời điểm tuyệt vời để bạn giải thích cho bé về chuyển động của các hành tinh. Không cần đi vào chi tiết, bạn có thể đơn giản hóa các lý thuyết, nhưng nói sự thật.

Có thể thực hiện việc này thông qua một trò chơi: bố ở giữa - là mặt trời. Mẹ là trái đất - phải đi quanh mặt trời, con sẽ là mặt trăng - đi xung quanh mẹ. Khi bố và con cùng lúc đối diện với mẹ, hãy dừng trò chơi và cho bé thấy hiện giờ mặt trời và mặt trăng cùng có thể chiếu sáng, vì thế, con nhìn thấy mặt trăng vào ban ngày.

Nhung cau tre hoi thach thuc nguoi lon
Ảnh minh họa

“Cầu vồng được làm từ đâu?”

Bạn không thể giải thích cho trẻ về khúc xạ ánh sáng, mà trả lời con rằng cầu vồng được làm bằng nước và ánh sáng. Tốt hơn nữa, hãy chỉ cho bé xem cầu vồng từ ống tưới nước vào một ngày nắng. Bạn cũng có thể làm theo cách khác: chọn một cửa sổ nhiều ánh nắng, đặt trên bàn trước mặt bé một ly nước, đặt một tờ giấy trên sàn nhà. Làm ướt cửa sổ bằng súng phun nước nóng, sau đó chuyển động cái ly và miếng giấy cho đến khi cầu vồng xuất hiện trên giấy.

“Chất thải của nhà vệ sinh trên máy bay xả thẳng xuống mặt đất phải không?”

Nhiều em bé, lần đầu tiên vào nhà vệ sinh trên máy bay, ngay lập tức quan tâm có phải các chất thải ở đây được ném thẳng xuống mặt đất. Nhiều người lớn cũng cho rằng nhà vệ sinh trong máy bay được thiết kế theo nguyên tắc như tàu hỏa. Hãy giải thích cho trẻ biết rằng, máy bay có bể chứa chất thải đặc biệt, chúng được làm sạch khi máy bay hạ cánh.

 Thúy Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI