Nhịn nhau trong nhà

26/07/2019 - 11:30

PNO - Xưa nay, việc yêu, ghét trong mối quan hệ thông gia rất đa dạng. Có gia đình, mẹ chồng không ưa nàng dâu, nhưng em chồng lại rất yêu quý vợ của anh mình. Và có gia đình, em thương quý chị dâu, nhưng không thích anh ruột.

Những điều nghe có vẻ trái khoáy này thật ra rất bình thường, bởi cách ăn ở, cư xử của người trong cuộc. Có những mâu thuẫn phát sinh không thể hòa giải được, dù là anh em ruột, nhất là khi đụng chạm đến quyền lợi, vật chất. Bàn tay năm ngón có ngón ngắn, ngón dài…

Chị tôi và chồng ly hôn đã hai mươi năm, thế nhưng chị vẫn đối xử với nhà chồng cũ như bát nước đầy. Chị nói: “Cha mẹ, chị em chồng, chị đều thương yêu quý trọng. Chỉ trừ mỗi ông chồng”. Ai nghe cũng phải phì cười. Có người còn không tin. Tuy nhiên, nhìn cách chị đi chơi cùng gia đình chồng, thân thiết như máu mủ ruột thịt, mới hiểu vì sao chị nói như vậy. 

Nhin nhau trong nha
Trong đại gia đình, rất cần những người biết nói lời xin lỗi, cần sự lùi lại nhìn nhau, nhường nhau. Ảnh minh họa

Ngày xưa chị và chồng không hợp nhau và chia tay. Liền sau đó anh lập gia đình khác. Cô vợ mới không được lòng gia đình chồng, trong khi mọi người lại đổ dồn tình thương về phía chị. Là bởi, lỗi ly hôn do anh. Được nhà chồng hiểu và thông cảm là cả một quá trình dài biết sống, biết chuyện, biết quan sát, biết cư xử, đối đãi… Đâu phải khi không mà chị chiếm được cảm tình của họ. 

Có người bảo, bản chất mình thế nào thì sống thế ấy, ai hiểu được thì quý. Thế nhưng, đời đa dạng người. Người thật thà, chân chất; người màu mè, biết tranh thủ lấy lòng người khác, nhiều lúc không biết họ thật hay giả. Không thể trách ai được vì đó là tính cách mỗi người. Nhiều kiểu người làm nên bộ mặt muôn màu của xã hội. Từ bộ mặt xã hội soi chiếu vào gia đình. Anh em mỗi người một tính cách. Hồi còn ở với cha mẹ chỉ biết ăn, học, vô tư đùa giỡn. Bước ra đời, mỗi người một số phận. Công việc, thời cơ, vận hạn… khiến con người thay đổi theo môi trường, hoàn cảnh sống. 

Cha mẹ không thể can thiệp khi con cái trưởng thành. Chỉ biết nói lời động viên, góp ý hay chia sẻ tùy hoàn cảnh của con. Từ đó, tuy có cha mẹ “cầm trịch” nhưng mâu thuẫn anh em vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều gia đình, cha mẹ vừa nằm xuống, anh em đã lời ong, tiếng ve. Lại thêm sự “trợ giúp” của người phối ngẫu, đẩy tình ruột thịt xa dần. Vậy nên, may mắn cho nhà ai không hề tồn tại bất cứ mối bất hòa nào. 

Nhin nhau trong nha

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, chị cho biết, để đạt được kết quả này, không chỉ uy thế của người cầm trịch, mà anh em trong nhà phải tuân theo mệnh lệnh và tập trung cho lợi ích chung. Vì cái chung thì ai cũng sẽ có phần riêng. Quan trọng là mỗi người phải biết nhường nhịn, bỏ qua cái tôi của mình. 

Quả là một gia đình có phúc!

Gia đình một người chị tôi quen có mười ba người con, thêm đời cháu làm nên một tập đoàn khá mạnh. Người nào cũng là chủ một doanh nghiệp dạng vệ tinh cho một tổng công ty mà giám đốc là người chị cả. Chị nói, nhiều lúc vào họp cũng tranh cãi, đập bàn, xô ghế… Thế nhưng, sau cuộc họp phải tuân theo kết luận thống nhất, việc ai nấy làm. Nhờ thế mà công việc mới trôi chảy, anh em đoàn kết. Chị kể, mỗi lần tổ chức đi chơi, riêng gia đình chị phải thuê một chiếc xe bốn mươi lăm chỗ ngồi mới đủ. 

Tình thương và sự hận thù, ganh ghét luôn là hai trạng thái đối trọng 50-50 trong bất kỳ xã hội nào. Có thể nơi này bạn gặp được yêu thương, nhưng nơi khác chỉ toàn uẩn ức, hiềm khích. Một người mẹ gả con gái về nhà chồng chỉ mong con mình được bên chồng yêu thương. Do vậy, bà nghĩ để có được điều này bà phải thương con dâu, quý con rể. Nếu nhân rộng ra, xã hội nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn yêu thương. Nhưng đời đâu có dễ vậy, vì tâm lý con người không ai giống ai. Tất cả đều phải tập. 

Nhiều bà mẹ dặn con, ra đường phải, trái gì cũng nên nói câu xin lỗi trước. Người nghe câu xin lỗi, họ luôn cảm thấy dịu lòng. Chỉ hai tiếng đơn giản thế thôi nhưng không phải ai cũng biết nói lời xin lỗi. Vậy đó, mấu chốt vấn đề là biết người, biết ta, chịu thua thiệt một chút nhưng sẽ được lợi rất nhiều. Chẳng phải ông bà xưa đã dạy: “Một câu nhịn chín câu lành” đó sao? Nghe thì dễ, nhưng có phải ai cũng thông hiểu điều này. Phải chăng câu xin lỗi luôn là câu nói khó mở lời nhất? 

Kim Duy 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI