Nhận lỗi sao mà khó khăn

29/04/2018 - 09:00

PNO - Con trai bất ngờ, im một hồi rồi thỏ thẻ: “Mẹ à, nhận lỗi là một việc rất khó. Người lớn còn chưa làm được, nhưng con chắc sẽ học”

Tôi đang stress vì con. Tối nào trước giờ ngủ “hai đứa” cũng cãi nhau đến khản cổ. Chuyện lớn có, nhỏ có, bất kỳ chuyện gì cũng trở thành ầm ĩ. Câu chuyện chưa kết thúc, tôi đã nổi cơn thịnh nộ, con tôi cũng hằm hằm giận mẹ. Thật mệt mỏi. 

Một buổi, được “quân sư quạt mo” xúi, tôi thử kết thúc cuộc cãi lộn bằng một cách khác: rằng mẹ không muốn sa vào cãi vã, mẹ muốn kết thúc. Những A, B, C, D mà mẹ con mình gân cổ lên mà nói, chỉ là muốn chứng minh phía bên kia sai rồi, thua rồi. Vậy thì, lần này mẹ nhận thua, lỗi là ở mẹ. Mẹ muốn con biết điều đó và chúng ta kết thúc cãi cọ tại đây, được không?

Nhan loi sao ma kho khan
Ảnh minh họa

Con trai bất ngờ, im một hồi rồi thỏ thẻ: “Mẹ à, nhận lỗi là một việc rất khó. Người lớn còn chưa làm được, nhưng con chắc sẽ học”. Ôi trời, tôi hiểu đó là lời nhận lỗi của đứa con trai bướng bỉnh. Với con, đó là một bước tiến dài. Với mẹ, còn là một bước tiến dài hơn. 

Tôi cũng thỏ thẻ với con. “Nhận lỗi là nhận trách nhiệm, là sẵn sàng đương đầu với việc giải quyết hậu quả, khó lắm. Nhưng khi sẵn sàng nhận lỗi tức là lúc ta đã quyết không lặp lại lỗi lầm cũ nữa. 

Tôi nhớ chuyện hồi đầu học kỳ. Khi nổi nóng, cô giáo con quát tháo, rồi phạt cả lớp quỳ (kể cả người không phạm lỗi). Phụ huynh phản ứng lên nhà trường, thay vì thừa nhận lỗi và dũng cảm thay đổi, thì cô giáo bắt “các đối tượng khả nghi” đứng suốt buổi để truy xem ai đã về “méc”.

Hay chuyện hồi con tôi học mẫu giáo, một phụ huynh thẳng thừng bày tỏ quan điểm “các cô mà đánh đòn con tôi, tôi kiện lên tới phòng giáo dục”. Cô giáo đã dùng cách bạo hành tinh thần khác với đứa trẻ ấy: không đánh đòn, nhưng nhốt bé vào toilet một mình. Cô bé nhiều lần sợ hãi, khóc lóc, năn nỉ xin được cô đánh đòn như các bạn khác, nhưng giáo viên kiên quyết nói không.

Vậy đó, học trò thẳng thắn hay phụ huynh thẳng thắn đều có hậu quả đáng buồn là… bị cô lập, theo cách này hay cách khác. Cô lập là một hình thức bắt nạt, một kiểu bạo lực tinh thần ghê gớm. Tại sao người lớn lại xử sự như thế? Đơn giản là đã phóng lao phải theo lao, để lấp liếm lỗi lầm, để củng cố vây cánh, bè phái, để bủa vây nhấn chìm sự thật…

Thay vì nói những lời “cô sai rồi, cô xin lỗi”, “mẹ sai rồi, mẹ xin lỗi”, “ba xin lỗi, lần này ba thua lý của con”… chúng ta, những người lớn đã chọn giải pháp phức tạp hơn: che giấu và sẵn sàng lặp lại lỗi lầm với phiên bản mới, tinh vi hơn. 

 Ban Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI