Nhận hết việc về mình, tôi biến chồng thành kẻ lười biếng, ỷ lại

28/03/2019 - 11:00

PNO - Vợ tự vơ hết vào mình, ráng làm người phụ nữ hoàn hảo, để rồi chồng có xu thế tụt lùi làm đứa trẻ không chịu lớn cũng là điều dễ hiểu.

Tan sở trở về, nhìn thấy nhà cửa bề bộn, bếp núc nguội ngắt, còn chồng đang điềm nhiên nằm trên ghế sofa lướt điện thoại, tôi bỗng thấy đời mình sao tăm tối. Nén cơn giận, tôi ra phòng khách hỏi anh, sao không tranh thủ cắm cho em nồi cơm rồi làm gì hẵng làm. Nhưng câu trả lời gọn lỏn từ phía người bạn đời "anh không biết túi gạo  để ở đâu" khiến tôi chưng hửng.

Nhan het viec ve minh, toi bien chong thanh ke luoi bieng, y lai
 

Thế rồi tôi vội vã đi thay đồ, đổ gạo từ túi ra tranh thủ cắm cơm. Con cá trắm người bán hàng làm vội vàng ở chợ khiến tôi phải dốc sức làm lại, bản thân mệt không thở ra hơi. Rồi trong cơn quýnh quáng ấy, tôi nuối tiếc nhớ lại thời mới cưới, trong bếp bao giờ cũng rộn ràng tiếng anh nói em cười. Bữa cơm gia đình luôn có bàn tay đóng góp của cả vợ lẫn chồng, nhờ thế không khí gia đình rộn ràng hơn bao giờ hết. Từ bao giờ, chồng trở thành kẻ thờ ơ như khách trọ trong nhà, tôi phải tự đối thoại với mình đầu tiên đã.

Hồi chưa cưới nhau, dù tôi biết anh là kẻ sĩ thư sinh, hiền lành an phận với công việc của một nhân viên viện nghiên cứu lương ba cọc ba đồng. Nhưng vì cảm mến anh nho nhã học thức, tôi vẫn yêu và quyết tâm cưới anh bằng được. Là vì tôi tự tin ba mẹ  mình luôn bên cạnh và có tiềm lực kinh tế chống lưng. Nếu chồng tôi không lo nổi nghiệp lớn, ba mẹ tôi chẳng lẽ làm ngơ trước sự khốn khó của cô con gái duy nhất?

Không nằm ngoài dự đoán của tôi, sau khi kết hôn và "nếm" cảnh ở trọ được một năm, ba mẹ tôi mạnh tay cắt mảnh đất ngay bên cạnh, sang tên cho cô con gái rượu. Cho con tiền mua trâu rồi, chẳng lẽ lại so đo với chúng tiền mua cọng thừng? Vậy là các cụ lại "trọn gói" việc lo kinh phí xây nhà cửa để con gái con rể yên tâm an cư lạc nghiệp. Tiền lương công chức nhà nước của hai vợ chồng mới ra trường, ráng cân đối lắm cũng chỉ dôi dư ra chút ít để mua thêm chiếc tủ lạnh và bộ bàn ghế trong nhà.

Vậy là trong khi bạn bè cùng trang lứa còn đang mải miết lo tích cóp mua đất làm nhà thì vợ chồng tôi đã có cơ ngơi khang trang. Bạn bè có người ganh tỵ, nói anh có số hưởng, chỉ đủng đỉnh vậy mà xuất phát điểm đã bằng người khác lo cả đời còn chưa tới. Anh chỉ cười xòa cho qua. Tính anh vốn đã vậy, không bao giờ so đo câu hơn câu kém với thiên hạ.

Ba năm sau khi kết hôn, tôi đã bắt nhịp với thời cuộc, chuyển sang học văn bằng hai kinh tế và đi làm cho một công ty có vốn hỗ trợ nước ngoài. Thu nhập cá nhân chính vì thế có sự khởi sắc đáng kể. Còn anh do đam mê làm việc ở viện nọ. 

Nhà cửa ông bà nhạc lo, gánh vác kinh tế giờ lại có vợ bao bọc nên anh cứ ung dung theo đuổi niềm đam mê của mình. Tiền lương công chức hệ số chỉ khiến anh lo đủ chi phí cá nhân và trà thuốc đàm đạo với cánh thơ văn. Rốt cuộc năm năm kết hôn, con trai nhỏ đã ba tuổi nhưng chưa bao giờ tôi thúc giục chồng việc hỗ trợ kinh tế lo cho gia đình con cái. Cá nhân tôi nghĩ rằng, mình nên tế nhị biết cái khó của chồng mà tránh, giúp anh vẫn có thể ngẩng cao đầu sống được với niềm đam mê văn chương của kẻ sĩ.

Thói đời đàn ông được chiều quá hóa hư. Anh không dôi dư tiền bạc để phụ vợ đóng cho con học phí, nhưng lại hào phóng cho cô thực tập viên ở nơi làm việc "vay nóng" hơn chục triệu, chỉ vì "thương cô ấy cảnh sinh viên ở trọ thiếu tiền suýt bị chủ nhà đuổi ra ngoài". Chưa biết mối quan hệ của hai người đã đi đến đâu, nhưng khi  bị tôi vô tình bắt gặp trong một quán cà phê, anh đã ngoan ngoãn theo vợ về nhà, cùng lời thề thốt chưa một lần nắm tay đối phương hay đi quá giới hạn.

Nhan het viec ve minh, toi bien chong thanh ke luoi bieng, y lai
 


Tôi như người bị dội gáo nước lạnh, tỉnh cả người. Hóa ra chính sự bao bọc lo lắng gia đình vô điều kiện, mà trước đó còn vô tư đánh đồng với sự đảm đang, yêu chồng thương con - đã khiến anh có điều kiện rảnh rang bên ngoài. Bản thân tôi cay đắng nhận ra rằng, dù chồng thu nhập ít nhiều bao nhiêu, nhưng đã là thành viên chủ chốt trong gia đình, đều phải có trách nhiệm lo kinh tế phần nào cho vợ cho con. Có khi "cái khó bó cái khôn", sự eo hẹp sẽ khiến anh tích cực đổi mới trong tư duy, và tìm cách phát huy thế mạnh của bản thân. Còn đằng này, vợ tự vơ hết vào mình, ráng làm người phụ nữ hoàn hảo, để rồi chồng có xu thế tụt lùi làm đứa trẻ không chịu lớn cũng là điều dễ hiểu.
Cả chuyện việc nhà bếp núc cũng vậy. Nếu như tư duy của tôi bớt cầu toàn đi, nói đúng hơn bớt yêu chiều chồng, để anh phải xắn tay lên phụ việc nọ việc kia, thì đã không sản sinh ra một ông chồng lười biếng thụ động như bây giờ. Bất giác tôi gọi với ra phòng khách: "Anh đi đón con giúp em hôm nay nhé? Con sẽ vui lắm khi có ba đến đón về."
                                                                                                    Ngọc Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI