Nhà bếp không rác thải - đâu quá khó

16/04/2019 - 20:30

PNO - Đã hơn bốn tháng nay, chị Bettina Maidment gần như không phải dọn rác nhà bếp, bởi lượng rác thải phần lớn đều được tái sử dụng và gia đình chị nói không với rác thải nhựa.

Bettina Maidment chính là người sáng lập chiến dịch Plastic Free Hackney, kêu gọi người dân London (Anh) hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Chị tiết lộ, chính các con cũng là nguồn động lực cho chị “ra đời” chiến dịch trên. Bettina Maidment không đơn độc trong hành trình của mình. Hai con và chồng luôn ủng hộ chị. Con của Bettina Maidment hiểu tác hại của rác thải nhựa, cùng mẹ tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc nói không với vật dụng nhựa không cần thiết.

Nha bep khong rac thai - dau qua kho
Gia đình của Bettina Maidment đã quen với việc không sử dụng sản phẩm từ nhựa.

Hai năm qua, thay vì sử dụng những hộp sữa dùng một lần, Bettina chọn cách dùng sữa chứa trong chai thủy tinh từ người giao sữa mỗi ngày. Bốn thành viên trong gia đình Bettina đánh răng bằng bàn chải tre, tự làm xà phòng, dung dịch khử mùi, dưỡng ẩm từ những loại dầu phổ biến. Như vậy, trong nhà của chị Bettina chẳng bao giờ có rác thải từ vỏ bọc những sản phẩm trên. 

Thức ăn được Bettina trữ trong những chiếc hộp thủy tinh, inox hoặc những chiếc túi vải bố, gọn gàng và sạch sẽ. Theo Bettina, việc “đầu tư” những vật chứa thân thiện giúp tiết kiệm nhiều thời gian thu dọn và giúp chị thoát khỏi cảm giác “quá tải” với túi ni-lông mỗi khi mang đồ về nhà. 

Nha bep khong rac thai - dau qua kho
 

Không chỉ lựa chọn vật dụng thân thiện môi trường, Bettina còn hướng dẫn các con cách sống tối giản, tuyệt đối không mua món đồ nào đó khi không thật sự cần thiết. Mùa Giáng sinh, khi mọi người hào hứng mua quà cho con trẻ thì vợ chồng Bettina chẳng mua gì mới cho hai con. Thay vào đó, họ dành thời gian vui chơi cùng con, hướng dẫn con những hoạt động bảo vệ môi trường. Với hai đứa trẻ nhà Bettina, đấy chính là món quà ý nghĩa vì chúng được vui đùa, khám phá. 

Từ năm 1950 đến nay, loài người đã thải 8,3 tỷ tấn rác thải nhựa. Trong đó, chỉ có 5% được tái chế, gây tình trạng bội thực rác thải nhựa nghiêm trọng trên hành tinh xanh. Phần lớn rác thải nhựa không được tái chế bị đổ ra biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển. Mỗi năm, lượng rác thải nhựa vứt xuống biển là 8 triệu tấn và ước tính đến năm 2050, lượng rác thải nhựa sẽ vượt qua khỏi khối lượng cá sống trong đại dương. 

Giữa tháng Ba, Bảo tàng Sưu tập D'Bone của Philippines đã đăng lên trang Facebook của mình thông tin vớt xác con cá voi và phát hiện có đến 40kg túi nhựa trong bụng. Những nhân viên bảo tàng trên cho biết, họ không tin vào mắt mình, các loại túi nhựa đủ kích cỡ dồn chặt trong bao tử cá voi, có thể là nguyên nhân khiến con cá này không sống nổi. 

Nha bep khong rac thai - dau qua kho
Xác cá voi chứa túi nhựa.

Mới đây, tại Hội nghị thường niên của Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) diễn ra giữa tháng Ba vừa qua, đại diện 170 quốc gia tham dự đã ra tuyên bố chung cam kết giảm mạnh việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong thập niên tới. Từ năm 2017, UNEP đã phát động kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và người dân đến năm 2022 chấm dứt sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã ban hành lệnh cấm nghiêm ngặt về túi nhựa hoặc hạn chế đồ nhựa dùng một lần. Trong đó, Kenya là quốc gia ban hành luật cứng rắn nhất. Mức án mà chính phủ Kenya đưa ra lên đến bốn năm tù, bị phạt 40.000 USD với những đối tượng có hành vi sản xuất, bán hoặc sử dụng túi nhựa. 

THIÊN ANH (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI