Người thân nằm bệnh, một trời thương yêu: 32 năm sống sót thần kỳ

01/10/2017 - 06:00

PNO - Bác sĩ nói anh chỉ sống được 5 năm, nhưng anh đã chiến đấu trên giường bệnh ngót nghét 32 năm trời. Sức mạnh thần kỳ đó xuất phát từ tình yêu vô bờ của người vợ.

Mắt chị bây giờ mờ dần vì khô tuyến lệ. Chị nói do nước mắt đã rơi hơn 30 năm qua, không phải bởi những cực nhọc chị trải qua mà vì phải chứng kiến nỗi đau anh chịu đựng mỗi ngày. 

Nguoi than nam benh, mot troi thuong yeu: 32 nam song sot than ky
32 năm qua, chị luôn bên cạnh, chăm sóc anh từng ly từng tí

Chưa gặp em, anh không thể chết

Ngày ấy, vì gia cảnh khó khăn, chàng trai trẻ Nguyễn Hải Quý (SN 1962) phải rời quê nhà Long An lên TP.HCM làm thuê. Có những lúc, anh kiêm việc đưa đón con chủ nhà đến trường mầm non Bé Ngoan 19, Q.1. Tại đây, anh quên ngay lời mẹ dặn trước lúc ra đi: “Đừng thương gái thành phố nha con, nhà mình nghèo...” khi gặp cô giáo có vẻ ngoài hiền hậu Lê Hồng Ngọc. 

Hai người chính thức bước vào tình yêu sau vài lần gặp nhau. Chị Ngọc bồi hồi: “Đó là tình đầu của cả hai chúng tôi. Hôm đó, kết thúc buổi học, tôi ra hành lang lầu hai đứng ngắm những tán cây bên đường thì vô tình thấy anh đứng đợi cháu bên chiếc xe đạp sườn ngang cũ kỹ. Không hiểu tại sao, bao nhiêu người đứng đó, mà ánh mắt của tôi chỉ dừng lại ở anh”.

Ngày 16/8/1983, giữa những mảng màu xám tối của cuộc chiến tranh xảy ra nơi vùng biên, anh Quý bịn rịn chia tay cô giáo Hồng Ngọc lên đường nhập ngũ. Anh hứa đi ba năm sẽ về.

Anh được cử sang Campuchia để phối hợp cùng đơn vị bạn phục vụ chiến trường. Trong một lần hành quân, đơn vị anh đã lọt vào trận địa phục kích, cả đơn vị hy sinh hết. Còn anh, sức công phá của quả mìn quăng anh lên cao rồi rơi xuống một hố sình, bùn lầy chôn anh ngập đến cổ. Đồng đội đi tìm anh, thật ngạc nhiên thấy anh vẫn còn sống.

Nguoi than nam benh, mot troi thuong yeu: 32 nam song sot than ky
Ngày anh chị về với nhau

Khi anh được đưa về trạm xá thứ nhất tại Campuchia để sơ cứu thì pháo của quân Pôn-Pốt dập ngay bên cạnh trạm xá. Các bác sĩ, y tá có mặt hôm ấy, người chết, người bị thương nhưng anh vẫn sống. Đồng đội lại tiếp tục đưa anh về trạm quân y tuyến sau, chuẩn bị sơ cứu thì pháo của quân Pôn-Pốt lại dập nã ngay trước cửa trạm xá, mọi thứ nổ tung đổ nát, nhưng anh vẫn sống.

Ngay thắt lưng, một phần xương sống bị vỡ vụn, giòi lúc nhúc nơi vết thương khi đơn vị đưa anh về Việt Nam bằng máy bay quân sự. Trong cơn hôn mê bên bờ vực của sự sống và cái chết, hình ảnh người yêu cứ thấp thoáng khi mờ khi tỏ. “Tôi cứ mong được gặp Ngọc lần cuối trước khi chết”, anh nhớ lại cảm giác của mình.

Cô giáo Ngọc vẫn ở nhà mòn mỏi đợi anh. Anh vẫn bặt vô âm tín. Chị tìm hỏi khắp nơi chỉ nhận được câu trả lời: một là chết, hai là mất tích. Chị lên Sở Thương binh Xã hội TP.HCM để tìm kiếm. Được tin có người tên Nguyễn Hải Quý đang nằm điều trị tại Bệnh viện Quân y 175, chị lao đến, đi từ giường đầu tiên đến giường thứ 26, nhưng không thấy anh Quý.

Đến giường thứ 27, nhìn thấy một thương binh đang đắp trên mình một tấm drap trắng, tay trái đang truyền máu, dây nhợ chằng chịt từ bụng đến chân, chị ngưng thở khi tiến đến gần. “Anh có phải anh Quý không?”, chị hỏi, trái tim chị vỡ vụn khi người thương binh ngước đôi mắt nặng nhọc nhìn chị rồi lắc đầu: “Không phải, chị ạ!”.

Chị quay lưng bước đi, nhưng linh cảm khiến chị quay lại và chứng kiến hai hàng nước mắt người thương binh đang lăn dài trên khuôn mặt khó nhận dạng. “Là anh Quý!”, chị nghẹn ngào.

Đọc bệnh án của anh, chị đau đớn đến ngã quỵ. Điều kỳ diệu nào khiến anh vẫn gắng gượng hơi thở sau ba lần mìn nổ, pháo dập? Chị tin, đó chính là sức mạnh được dưỡng nuôi từ lời hứa của chị trước khi anh lên đường: “Em sẽ đợi anh về, dù lành lặn hay thương tật”.

Mãi mãi thuộc về anh

Năm 1985, tại bệnh viện Quân y, bác sĩ chẩn đoán anh Quý chỉ sống được 5 năm.
Đầu năm 1989, anh được đưa về điều trị tại Trại an dưỡng thương binh Long Đất, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cô giáo Ngọc gác việc dạy học, theo người yêu xuống Long Đất để chăm sóc anh. Năm 1992, hai anh chị sống tại ngôi nhà nhỏ do nhà nước cấp ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Nội tạng của anh gần như hư hỏng hết.

Có những lúc vừa đút anh ăn xong, đang lui cui lau dọn thì mọi thứ chất thải phun ra ngang tầm mặt chị. Không để anh thấy một cái nhíu mày, chị bình tĩnh đưa tay vuốt má, rồi tiếp tục thu dọn. Chị luôn đặt mình trong thương tật của anh Quý để thông cảm cho những nỗi đau mà anh phải gánh chịu.

Nếu không, anh sẽ mặc cảm vì thấy mình là gánh nặng, cứ thế, bao nhiêu năm trôi qua, chị Ngọc âm thầm thức khuya dậy sớm, chăm sóc cho chồng từng miếng ăn giấc ngủ. Những đêm trở trời, chị luôn giật mình giữa đêm để cùng chồng chiến đấu với cơn đau. Thậm chí, biết rằng lấy anh thì không được làm vợ, làm mẹ đúng nghĩa, chị vẫn không xao động. 

Vừa tự dặn mình mạnh mẽ trong vai trò trụ cột, gánh vác gia đình, chị vừa phải thể hiện làm sao để anh Quý thấy rằng anh là trụ cột đối với chị. Chị chia sẻ về bí quyết riêng để giữ lửa hạnh phúc: luôn suy nghĩ tích cực về nhau, và bất cứ lúc nào chị cũng muốn được ở cùng anh. “Tôi không bao giờ ăn diện, không son phấn, lúc nào cũng bình thường để anh tin tôi mãi mãi thuộc về anh”, chị tâm sự khi ánh mắt hướng về phía anh ấm áp. 

Vết thương chưa bao giờ thôi hành hạ khi thanh inox vẫn kẹp chặt ba đốt sống lưng, nhưng anh Quý tâm sự: “Đau đớn thể xác đối với tôi không bằng nỗi đau khi chứng kiến cảnh Ngọc vật lộn với bệnh tật của chồng. Chỉ thấy vẻ tất bật, hối hả của Ngọc mỗi lần tôi lên cơn ho, hay khi cần lấy giúp thứ gì đấy, cũng đủ để tôi hiểu rằng, sâu thẳm trong những ân cần ấy, không đơn thuần chỉ là sự hy sinh, là trách nhiệm mà là tình yêu thương vô bờ”. 

“Niềm vui của tôi hiện tại là có anh bên mình. Là mỗi buổi sáng đẩy xe lăn, đưa anh ra ngoài đón nắng. Những lúc ấy, tôi chăm sóc cây xanh, khi anh vẫn trong tầm mắt của mình. Anh hay mệt nên ít nói, vì vậy thiếu vắng tiếng cười, nhưng trong ngôi nhà nhỏ của chúng tôi, tình yêu luôn hiện diện. Chỉ cần nhìn vào mắt tôi, anh hiểu tôi nghĩ gì. Tôi cũng vậy” - chị Ngọc nói.

“Chiến tranh đã cướp đi của tôi một phần cơ thể, cướp đi sức xuân và tuổi trẻ nhưng lại cho tôi nhận ra một giá trị lớn lao và đáng trân trọng hơn - đó là tình yêu, là người vợ hiền đã vì tôi mà hy sinh cả tuổi thanh xuân” - anh Quý  xúc động.

 Ngọc Hiền - Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI