Người đàn bà suốt đời thích… nuôi đẻ

02/08/2018 - 14:00

PNO - Mười một lần mẹ tôi nuôi đẻ, bà có hàng tỷ ký ức vui buồn. Bà kể vanh vách rằng, thằng Bo đến ngày thứ 12 mới rụng rốn; thằng Bin thì khóc suốt tháng đầu; nhỏ Ty thì vàng da, bệnh viện giữ lại cả tuần…

Mẹ tôi thuộc thế hệ 4x, nhưng bà không nuôi con gái theo kiểu các cụ ngày xưa. Ví dụ  không bắt con ăn muối tiêu, hay hạn chế ăn canh rau, suốt ngày nằm than, hơ háp… Bà “hiện đại” thế, nên con rể, con gái luôn yên tâm.

Vả lại, ai chăm con tốt cho bằng mẹ, phần bà thì rất hồ hởi vì biết mình có thâm niên trong chuyện ấy; lại yêu cháu, thương con, nên hay tin con gái cấn thai, là bà chuẩn bị lên… dây cót tinh thần.  

Quê bà có lệ “con so nhà mạ, con rạ nhà chồng”, năm đứa con gái đẻ con so lần lượt qua tay bà, ngay tại nhà bà. Có lần, đứa út sinh con đầu lòng vừa hết “cữ”, thì con gái lớn sinh đứa thứ hai, bà lại tất tả sang nhà con gái lớn.

Bà bảo, dù con sinh đứa thứ mấy, là mẹ ruột, bà không đành lòng hờ hững. Nấu cho con chén cơm nóng, tắm táp cho cháu ngoại, muôn đời vẫn là hạnh phúc của người mẹ, nên dù mắt mờ chân mỏi, cũng chẳng thể nào thôi hết yêu thương.

Bà kể, các con bà, khi sinh con thứ hai, là tới phiên mẹ chồng dành chăm. Thế là bà đi gặp chị sui, thương thảo chuyện muốn được chăm chút cháu con, tự nguyện ôm vất vả, để được ngụp lặn trong yêu thương. Nên mười một đứa cháu ngoại, đều qua tay bà.

Nguoi dan ba suot doi thich… nuoi de
Mười một đứa cháu ngoại, đều qua tay bà. Hình minh họa

Bà hay căn dặn các con, phụ nữ sau khi sinh, như con cua lột, nên trong thời gian ở cữ không được nhúng tay vào nước lạnh, nhất là mùa đông, nếu không sau này sẽ buốt tay; không được ngồi lâu vì mỏi lưng, không được làm việc nặng, nói chung phải kiêng cữ rất nhiều thứ.

Bà đã nhận chăm, là phải chăm trọn ba tháng, khi con gái khỏe hẳn, cháu cứng cáp, bà mới an lòng. Còn về chuyện “quan hệ” vợ chồng, bà cũng bộc bạch để con hiểu rằng, chuyện ấy là chuyện lâu dài, không việc gì phải vội nếu cảm thấy cơ thể không khỏe mạnh, bởi nhỡ có sự cố gì, người phụ nữ bao giờ cũng chịu thiệt thòi…

Mấy cô con gái thấy mẹ đi nuôi đẻ lòng vòng, đều xót mẹ. Các cô cam kết với nhau “đứa nào sinh con thứ ba thì tự mà liệu lấy, không được “báo đời” mẹ”.

Cô út vỡ kế hoạch. Khi cái bụng đã lùm lùm, không thể che giấu, thì mẹ và các chị mới biết. Bà mắng con gái “làm như chửa hoang không bằng!”. Cô út từ chối sự giúp đỡ của mẹ, vì cô cho là đã có kinh nghiệm, không muốn mẹ vất vả vì cái sự ngoài ý muốn của mình.

Nhưng bà thì khác. Bà cảm thấy hồ hởi khi chăm đứa cháu “ngoài kế hoạch” này. Cái cảm giác không giúp được gì cho con cháu gần cả chục năm nay, bà thấy khó chịu trong người lắm.

Nên khi con gái tròm trèm 9 tháng, bà đã kêu gọi con về nhà bà, để chuẩn bị “lót ổ”, “khuân” cả hai đứa lớn theo. Chăm con sinh nở, sống trong cảnh bận rộn mà ấm áp, bà thấy đời mình thật hạnh phúc.

Bà thú nhận, chưa bao giờ chăm cháu chăm con mà nhiều cảm xúc như lần này, kiểu như đây là cơ hội cuối cùng để bà “cháy” với cái “nghề” mà chỉ có người mẹ mới bày biện yêu thương một cách nhiệt tình nhất.

Bà cảm nhận sự đau đớn trong cơn vượt cạn, lẫn hạnh phúc không nói nên lời, và cả những vụng về, lo lắng khi các con lần đầu làm mẹ. Và rồi, bản năng làm mẹ đã giúp các con vượt lên tất cả, cũng như bà ngày xưa cũng từng được mẹ bà bày bảo.

Nguoi dan ba suot doi thich… nuoi de
Mẹ luôn có mặt giữa thời khắc trọng đại của con gái. Hình mình họa

Yêu thương nối dài, bao đời nay vẫn thế. Phụ nữ chuẩn bị sinh nở, ai cũng nghĩ về mẹ, cần mẹ, chỉ có người mẹ mới cảm nhận được cuộc vượt cạn đầy thiêng liêng ấy, nên bà luôn có mặt giữa thời khắc trọng đại của con.

Mười một lần nuôi đẻ, bà có hàng tỷ ký ức vui buồn với cháu con. Bà kể vanh vách rằng, thằng Bo đến ngày thứ 12 mới rụng rốn; thằng Bin thì khóc suốt tháng đầu, báo bà và mẹ phải thay nhau ẵm sáng đêm; nhỏ Ty thì vàng da, bệnh viện giữ lại cả tuần lễ mới được về…

Bà cho rằng, chăm con sinh đẻ là trách nhiệm, còn là quyền lợi của những bà mẹ. Có chăm, mới có được nhiều kỷ niệm đẹp, mới được ôm ấp yêu thương. Để bây giờ, vào tuổi thất thập cổ lai hy, những kỷ niệm với đám con gái lúc sinh nở, với các cháu ngày còn đỏ hỏn, như tiếp thêm nguồn sống cho bà.

Mi Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI