Người bắc 'Nhịp cầu bà ngoại' cho cô dâu Việt xứ Đài

12/05/2019 - 06:30

PNO - Không chỉ là một chuyến về ngoại, không đơn thuần chỉ kết nối tình cảm, “Nhịp cầu bà ngoại” là cơ hội cho cả người Việt, người Đài và cả thế hệ thứ hai hiểu biết về nhau...

Liêu Vân Chương, một nhà văn Đài Loan khởi đầu công việc của một nhà báo tại báo Bốn Phương (phiên bản tiếng Việt năm 2006). Mỗi ngày chị nhận rất nhiều thư từ bạn đọc (từ năm 2006-2013 báo Bốn Phương nhận được 18.000 thư từ bạn đọc là người Việt đang sống tại Đài Loan).

Chị kể: “Một ngày nọ, tôi nhận được lá thư gửi đích danh mình. Một bạn đọc đã kết thúc hợp đồng làm việc và chuẩn bị trở về Việt Nam. Cô ấy cảm ơn chúng tôi đã cho cô cảm giác không đơn độc nơi xứ lạ quê người. Lá thư là một trong rất nhiều trường hợp khiến tôi cảm động. Tôi tự hỏi làm thế nào xã hội đã nuôi nấng, hun đúc nên những cá tính cứng cỏi, nghị lực mạnh mẽ như vậy. Tôi quyết định đến Sài Gòn học tiếng Việt để đọc thêm về những câu chuyện, những phận đời. Và cũng là tìm câu trả lời cho chính mình”.

Nguoi bac 'Nhip cau ba ngoai' cho co dau Viet xu Dai
Những bài viết của Liêu Vân Chương trên báo Bốn Phương

Đến Việt Nam, điều đầu tiên Liêu Vân Chương nhận ra, hầu hết người nhập cư Đài Loan chủ yếu đến từ nông thôn Bắc bộ và đồng bằng sông Mê Kông. Yếu tố “nhận ra” này đã dẫn dắt chị làm một chương trình ý nghĩa với người Việt Nam mang tên “Grandma Bridge” (Nhịp cầu bà ngoại). Đây là chương trình hỗ trợ những cô dâu Việt xứ Đài, tạo điều kiện đưa họ và con của họ về Việt Nam thăm bà ngoại. Chuyến đi kéo dài ba tuần, gồm cô dâu Đài, người thầy dạy tiếng Đài của cô dâu và đứa con nhỏ của cô ấy. Đến nay đã có 5 gia đình Việt được “bắc cầu” để con về thăm mẹ, cháu về thăm bà.

Không chỉ là một chuyến về ngoại, không đơn thuần chỉ kết nối tình cảm, “Nhịp cầu bà ngoại” là cơ hội cho cả người Việt, người Đài và cả thế hệ thứ hai hiểu biết về nhau. Những đứa con lai Việt - Đài có cơ hội để nhìn thấy toàn bộ “diện mạo” của mẹ và gia cảnh mẹ ở quê hương trước khi bị ngắt lìa.

Nguoi bac 'Nhip cau ba ngoai' cho co dau Viet xu Dai
Liêu Vân Chương (bìa trái) tham gia các hoạt động ở báo Bốn Phương cùng bạn đọc

Liêu Vân Chương tâm sự: “Thành thật mà nói, xã hội Đài Loan vẫn còn những suy nghĩ phân biệt người Việt di cư. Tôi nghĩ chỉ vì họ chưa hiểu và chưa có sự thấu cảm. Khi qua Việt Nam, trong một môi trường hoàn toàn xa lạ, người giáo viên Đài lập tức trở thành người di cư, không khác người Việt trên đất Đài Loan. Họ cũng cần trợ giúp, cần thấu hiểu, cần hòa nhập…

Trở lại Đài Loan, các giáo viên đã chia sẻ rằng, họ thực sự ngưỡng mộ những người mẹ Việt. Họ cũng quan tâm hơn đến học trò Việt nói riêng và học trò gốc Đông Nam Á trong lớp học. Tôi nghĩ khi họ biết câu chuyện, họ sẽ hành động. Điều này, tôi cũng học được từ Sài Gòn của bạn đấy”.

Chị hồ hởi: hồi đó khi mới làm chương trình, chúng tôi phải đi đến nhà năn nỉ các gia đình người Đài, trả tiền cho họ để họ đồng ý cho người vợ Việt dẫn con về Việt Nam. Nhưng giờ thì vui rồi, chương trình đã tạo ra một số tiếng vang đáng kể, đã trở thành một chính sách của chính phủ, tôi không phải đi năn nỉ nữa (cười). Từ năm 2016, chính phủ đã chi 9 triệu NTD mỗi năm để trợ giúp những người phụ nữ và con họ được trở về quê mẹ”.

Nguoi bac 'Nhip cau ba ngoai' cho co dau Viet xu Dai
Chị Liêu Vân Chương (giữa) và những gương mặt rạng rỡ của một gia đình Việt trong chương trình “Nhịp cầu bà ngoại”

Con số gia đình về thăm Việt Nam chưa nhiều, nhưng những vòng tay ôm, những nụ cười, những giọt nước mắt, những trải nghiệm… thì không thể đếm được. Tôi nhớ cô giáo người Đài, Trịnh Tú Lệ cười tít mắt khi học nói cảm ơn, học gọi tên các bé Việt Nam bằng tiếng Việt, hay lội nước bì bõm đi gỡ chà dưới đồng…

Ngày tạm biệt Việt Nam, cô ôm một bà ngoại nói trong nước mắt: “Tôi biết bà thương nhớ con gái lắm, cũng như tôi nhớ các con tôi vậy mà”. Cô kể với tôi rằng, cô khó mà quên đoạn hội thoại của hai chị em Tạ Bội Linh, Tạ Vượng Nho. Lúc nằm khóc trong tay mẹ trên chuyến bay ngày trở về, bé Bội Linh nói với chị: “Hôm qua em đã viết ra sự việc của ngày hôm nay rồi”. Thì ra Bội Linh viết nhật ký bằng tiếng Đài: “Lúc lên máy bay trở về Đài Loan, con rất nhớ mọi người, không biết khi nào mới được trở về thăm ông bà ngoại. Nghĩ đến chuyện này, con cảm thấy buồn…”.

Nguoi bac 'Nhip cau ba ngoai' cho co dau Viet xu Dai
Liêu Vân Chương ngày đầu đến Sài Gòn

Rồi sẽ đến lúc Bội Linh viết thư cho bà bằng tiếng Việt, tôi tin thế. Nhất là khi một cây cầu sẽ được xây lên. Cây cầu này rồi sẽ dẫn dắt những cây cầu khác. Sự kết nối sẽ không bao giờ dừng lại khi vẫn còn người tiếp tục xây cầu… Còn người xây cầu Liêu Vân Chương nói: “Bất cứ lúc nào thấy mình yếu đuối, tôi nghĩ về những người phụ nữ Việt đang mưu sinh vất vả xứ người, cô độc, một thân một mình, thiếu thốn cả yêu thương và thấu hiểu. Nhưng họ vẫn chống chọi hoàn cảnh, vẫn luôn tìm ra con đường. Chỉ nghĩ đến họ thôi, là tôi thấy mình không được quyền yếu đuối nữa”. 

Ban Mai

Nhà văn Liêu Vân Chương: “Tôi mong mỏi mình là một người hành động…”

Sài Gòn là một thành phố quốc tế, văn hóa đa dạng và thú vị. Thời gian một trăm ngày đó tôi thuê một căn phòng ở Sài Gòn, bà chủ nhà, sau này là mẹ nuôi của tôi, đã chăm sóc tôi từng chút, từ chuyện học hành đến ăn uống. Nhờ giao tiếp với bà bằng tiếng Việt, tôi hiểu thêm quan điểm và suy nghĩ của người Sài Gòn. Vì vậy, tôi đã viết những điều mà tôi biết về Sài Gòn, về bà chủ nhà, về những người phục vụ ở nhà hàng, giáo viên dạy tiếng Việt của tôi, những người bán hàng rong, người phục vụ, người lạ đã dắt tôi qua đường… Họ đều là những người thầy Việt Nam của tôi. Tôi thường được bạn bè mời về nhà chơi, nhờ vậy tôi có những trải nghiệm về đời sống hằng ngày của người Việt. Tôi nghĩ Việt Nam đang có một sự thay đổi lớn lao, tôi đã có một khoảng không ngọt ngào ở Sài Gòn.

Nguoi bac 'Nhip cau ba ngoai' cho co dau Viet xu Dai
 

* Điều gì khiến chị ấn tượng?

- Có lần tôi được mời ăn đầy tháng em bé ở một gia đình có con gái lấy chồng Đài Loan. Đã rất lâu cô dâu ấy không về thăm gia đình. Người mời tôi nói rằng, họ hy vọng ở Đài, con gái của họ cũng hạnh phúc và có thể về Việt Nam bất cứ lúc nào. Cô ấy sinh ra và lớn lên trong thành phố lớn, nhưng lại làm dâu trong một gia đình nông thôn khá xa xôi ở xứ Đài, dù vậy tôi tin cô ấy hạnh phúc và yêu gia đình của mình.

Là một nhà báo, tôi tiếp xúc nhiều với người nhập cư nên hiểu những nỗi lòng của họ. Tôi hy vọng mình không chỉ là một nhà báo, một người tường thuật mà còn là một người hành động. Tôi mong có thể làm được gì đó vượt trên cả chuyện viết lách. Hoạt động của tôi bất kể ở báo Bốn Phương, Nhịp cầu bà ngoại, Giải thưởng văn học di dân Đài Loan, hay nhà sách Brilliant Time… đều nhằm vào việc để Đài Loan trở nên thân thiện hơn với thế giới.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI