Nghỉ học một hôm cũng không sao, con nhỉ!

04/11/2018 - 18:17

PNO - Tôi có một “nguyên tắc”, đó là có thể phá vỡ nguyên tắc của sự đều đặn bất cứ lúc nào.

Melissa Willets là cây viết quen thuộc trên trang PopSugar. Bài chia sẻ mới nhất của chị về câu chuyện cùng con gái nhỏ khiến bất cứ bà mẹ nào cũng nhìn thấy hình ảnh của mình.

Nghi hoc mot hom cung khong sao, con nhi!
Chị Melissa Willets (tác giả bài viết) và con gái.

“Hôm qua, con gái đang học mẫu giáo của tôi bỗng xịu mặt khi tạm biệt mẹ đến trường. Con không thoải mái và chưa sẵn sàng khi phải rời xa mẹ. Tôi thoáng có suy nghĩ thuyết phục con vì tôi còn nhiều việc phải làm. Nhưng rồi, tôi quyết định cho con nghỉ học. Bé rạng rỡ và cười thật tươi. Cả ngày hôm ấy, mẹ con tôi dành thật nhiều thời gian bên nhau. Chúng tôi ra ngoài tản bộ, vào siêu thị mua sắm ít vật dụng, ăn trưa cùng nhau, trò chuyện. 

Tôi chợt nhận ra rằng đã lâu lắm rồi tôi và con gái mới dành nhiều thời gian cho nhau như thế. Tôi ôm con, lặng yên ngắm con thật lâu như những ngày đầu con đến với thế giới này. Với nhiều phụ huynh và thầy cô giáo, việc thỉnh thoảng cho trẻ nghỉ học là điều chẳng nên, nhưng với tôi, đấy lại là sự kiện vô cùng quan trọng. Thỉnh thoảng, đứa trẻ cần “trật nhịp” một chút, cũng chẳng sao cả. Bù lại, điều mà con nhận được là rất nhiều.

Tôi có một “nguyên tắc”, đó là có thể phá vỡ nguyên tắc của sự đều đặn bất cứ lúc nào. Trong năm học, sẽ có một số ngày tôi cho con nghỉ học nếu tôi quan sát và cảm nhận con thật sự đang cần mẹ tiếp thêm năng lượng. Đó có thể là một ngày con quá căng thẳng vì bài tập, không vui trong mối quan hệ bạn bè… Tôi biết lúc ấy con cần giải tỏa, cần có một ngày thật vui để rồi con quay trở lại trường học và xử lý vấn đề của mình. Với con đầu, tôi đã làm thế và với con gái nhỏ, tôi cũng giữ cách này. 

Tôi tin rằng, dù là đứa trẻ ba tuổi hay là một người lớn 30 tuổi, thậm chí lớn tuổi hơn thế thì cũng cần những khoảng nghỉ, tách mình ra hẳn guồng quay mỗi ngày. Con gái tôi chỉ mới năm tuổi, nhưng trong thế giới của con, việc xa mẹ đôi khi cũng khiến con chẳng dễ chịu chút nào. Một ngày nghỉ sẽ thú vị hơn khi tôi cho con tự quyết định ngày hôm đó con muốn làm gì. Thông thường, chúng tôi sẽ có những hoạt động cùng nhau như ăn sáng ở quán “ruột” hoặc nấu nướng món ưa thích ở nhà, cùng nhau thăm viện bảo tàng, đi công viên…

Cho con nghỉ học không có nghĩa tôi không quan trọng chuyện trường lớp của con. Con tôi mất một ngày học nhưng đổi lại, con quen với việc nhận ra con cần làm gì mỗi lúc bản thân đối diện với vấn đề của mình. Tôi muốn con hiểu rằng, cuộc sống này không chỉ cần sự chuẩn mực hay những điểm số, lời khen. Việc học không chỉ nhắm đến những điều đó mà học là cách giúp con tiếp thu kiến thức và có những trải nghiệm thú vị, khám phá nhiều hơn năng lực của mình. Trong cuộc sống, sự cân bằng, gia đình hay niềm vui cũng quan trọng không kém. Việc đứa trẻ biết mẹ chúng luôn sẵn sàng ở bên chúng cũng quan trọng vô cùng. Tôi từng nói với con: “Khi con không vui, cần được xoa dịu thì có mẹ đây”, và con bé luôn tin như thế.

Ai đó có thể cho rằng, việc cho con nghỉ học để có thời gian vui vẻ hay thư giãn chẳng khác nào dạy con vô trách nhiệm. Không phải! Trách nhiệm của con là lắng nghe cảm xúc và hiểu mình đang thật sự cần gì, trách nhiệm không có nghĩa là chỉ nhắm vào việc hoàn thành nhiệm vụ mà quên mất chăm sóc, nâng đỡ chính bản thân mình. Trách nhiệm là việc chúng ta phải nhìn thấy “bức tranh” hoàn thiện hơn thay vì quá căng thẳng vào những chi tiết nhỏ. 

Tâm trí của con trẻ nếu được “nhúng”  bởi càng nhiều ký ức đẹp, kỷ niệm vui vẻ, thì quãng đời sau này, đứa trẻ sẽ càng dễ được xoa dịu mỗi khi phải đối diện với những căng thẳng, chuyện không như ý. 

Thiên Như 
(Theo Popsugar)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI