Mưa phù dung

16/07/2018 - 10:38

PNO - Nếu cha mẹ đừng bắt anh du học ba năm, đừng bắt anh phải sánh duyên cùng người khác thì Dung đâu phải nằm trong đất lạnh, đâu tàn như một kiếp phù dung...

Hễ nghe tiếng ba toong khua trên ngõ nhỏ, bộ vest đũi ngả màu, mũ phớt dạ nhấp nhô, tiếng e hèm khe khẽ đuổi con mực vào sân là hàng xóm biết ông đi xa. Qua giậu phù dung trước cửa, ông tần ngần đứng ngắm sắc hoa màu hồng rực thắm trong nắng trưa.

Mua phu dung

Người ta xem thời gian bằng đồng hồ, còn ông nhìn thời gian qua sắc hoa phù dung. Loài hoa sớm nở tối tàn, ít người trồng, nhưng với ông sự thay sắc của phù dung vẫn làm ông ngây ngất, say mê như điên dại bền bỉ những kiếp hoa.

Cứ sáng sớm mặt trời còn lười biếng dưới chân mây, sương vẫn ướt bên thềm, ông đã ngồi dậy quạt than pha một ấm chè. Thứ chè ướp sen thoảng nhẹ trong gió sớm. Cái thú tao nhã còn giữ được hồi sung túc, rồi bần thần ra vườn phù dung, ngắm những búp hoa trong sáng sớm trắng nõn như mây. Hình như hoa rùng mình trước ánh nhìn của họa sĩ. Ông ngắm hoa như ngắm người tình đang say ngủ. Nàng hồn nhiên mộng mị trong giấc hoa. Ông say sưa đắm chìm trong hồi tưởng. 

Trưa nắng vàng như lụa, mây biếc xanh, phù dung e ấp sáng sớm đã thay áo hồng rực rỡ kiêu sa thì ông lại vội vàng rót rượu ra chén. Màu men trắng sánh hương thơm rượu cúc lâng lâng trước sắc hồng phù dung. Ông mời hoa và khẽ nhấp môi, mắt chợt ánh lên niềm xuân trẻ. “Phù dung như diện liễu như mi”. Mắt ông như lạc thần phiêu linh về tận chốn xa xăm. 

Trên giá vẽ bao bức tranh phù dung dang dở. Sắc hoa nhuộm vào con tim thổn thức nhớ thương của ông. Hàng xóm gọi ông là lão thợ vẽ gàn, còn con gái ông thì đau xót nhìn cha, trong những đêm dài hiu hắt bên tấm toan vẽ hoa phù dung và hình ảnh một người đàn bà đẹp. Cô nhìn hình ảnh trong tranh quen lắm nhưng khi cất tiếng hỏi cha thì ông nghiêm lặng, ánh mắt xa vắng đớn đau trôi về vùng ký ức sầu tủi khiến cô không dám cất lời.

Âm thầm lớn lên bên người cha già, chẳng bao giờ cô dám đòi hỏi điều gì. Nhiều đêm khát khao hơi ấm và vòng tay mẹ, nhìn bóng cha đau đáu bên giá vẽ lúc đêm khuya, cô lại càng thương. Cô biết mình đẹp nhờ những lần ra giếng soi bóng mình lung linh đáy nước. Cô biết mình xinh bởi bao ánh nhìn đắm đuối của trai làng và cũng biết mình là thứ gia bảo trân quý trên tay cha.

Thế rồi một chiều kia nhà có khách. Tiếng cha hôm nay ấm và vui hơn:
- Con gái cha hôm nay đi chợ có món gì ngon không? Làm nhanh nhanh để cha đãi khách. Nhớ hâm cho cha bình rượu cúc nhé!

Cô ngỡ ngàng trước giọng nói vang hơn mọi khi của cha. Khách không còn trẻ, nét hào hoa vẫn hiện lên trên vầng trán thanh tú cùng ánh nhìn biết nói, ấm áp chân tình khiến tim cô xốn xang. Lâu lắm rồi mới có một họa sĩ đến thăm cha cô. Khách tần ngần lật những bức tranh hoa phù dung phủ bụi mờ trên giá vẽ và thở dài:
- Thầy vẫn vẽ hoa phù dung ư? Cô con đi đã lâu. Em con lớn lắm rồi mà thầy vẫn giấu em mãi hay sao?

Đôi mắt già ứa lệ. Nét thảng thốt vẫn như mới tinh... Chuyện năm xưa đầy ẩn ức lại ùa về rõ mồn một trong trí nhớ ông họa sĩ già như mới hôm qua. Chàng họa sĩ trẻ chuẩn bị tốt nghiệp mỹ thuật hăm hở chọn nơi thôn dã tìm đề tài.

Ngẩn ngơ trước con đò đang cập bến và cô lái đò có nụ cười thắm như hoa phù dung trước nắng trưa. Lưng ong mềm mại, cô gái quê dịu dàng khỏa mái chèo xuống sông quê. Sông mùa đông thấp thoáng bãi bờ ngan ngát triền dâu biếc xanh. Lênh đênh màu vàng hoa cải, hút hồn giọng nói gái quê, chấp chới mái chèo khỏa nhẹ, chàng họa sĩ nài nỉ:
- Cô lái đò ơi! Dừng lại đi cho tôi vẽ hoa cải bến sông quê. Làm ơn đi cô ơi!

Tiếng dạ như gió thoảng, tim chàng xao xuyến. Nụ cười hoa thắm, ngập ngừng cho thuyền ghé vào bến, bẽn lẽn nhìn nét bút chàng đưa trên giấy. Một triền hoa vàng rực và ai kia khỏa mái chèo trên đám hoa cải lững lờ mặt nước. Người con gái trong tranh đang nhuộm nắng cho sông. Cỏ ven sông xanh hơn, bãi bờ ngút ngàn hơn trong ánh nhìn của chàng họa sĩ. Đò cập bến, khách và cô lái đò còn dùng dằng chẳng muốn quay thuyền.

Mua phu dung

Cô lái đò tên Dung khiến tim chàng họa sĩ run rẩy. Kỳ thực tập sắp qua mà chàng vẫn không muốn trở lại trường, lòng chàng lấp đầy hình ảnh hoa phù dung trong vườn nhà nàng, bao đêm chàng thao thức mong trời mau sáng để còn ra bến sông gặp người ta.

Ngày trở lại trường cứ kéo dài ra mãi, đêm chia tay đã là đêm định mệnh của hai người:
- Đừng khóc nữa em. Anh sẽ trở lại bên em và hoa phù dung. Anh sẽ đem hoa phù dung của anh về phố.

Nước mắt Dung ướt đầm vai người yêu, tiếng vạc ăn sương làm con thuyền dập dềnh chao đảo vô định. Trăng hạ huyền lất phất những cơn mưa. Thuyền phiêu linh trong cháy bỏng khao khát.

Hoa xoan tím sáng cuối trời đã nát dưới dấu giày, hạ buồn thổn thức tiếng ve ran. Điệu buồn mùa hạ làm tim nàng ứa máu. Giữa cái oi nồng của hạ, nàng thấy sinh linh bé nhỏ cục cựa trong lòng mình. Nàng thường ra bến sông, nhìn những cánh buồm nâu theo gió về phương xa mà buồn hiu hắt.

Bà thím họ trên phố huyện thường khoe với người ta là cháu gái của bà ngoan hiền, xinh xắn, phải tìm nơi danh giá mới trao thân gửi phận. Chiều muộn qua sông, nhìn cháu đang khó nhọc đẩy thuyền với cái bụng lùm lùm, bà thở dài:
- Oan nghiệt rồi con ơi! Sao con dại thế. Thím biết ăn nói thế nào với người ta đây? Xinh đẹp mà không biết giữ mình để ô nhục thế này.

Không cần bước lên bến, người thím họ giục quay đò trở lại phố huyện. Hoàng hôn tối sầm trong mắt Dung. Nàng chỉ còn biết gục mặt vào hai bàn tay khóc như mưa gió.

Lời hứa trở lại đón người yêu cứ lùi xa mãi, chỉ biết rằng, con gái ông họa sĩ ra đời trong một đêm giông gió giữa vườn phù dung. Cô lái đò cắn răng chịu miệng tiếng người đời, nuôi con mong người xưa trở lại.

Nàng bỏ nghiệp đưa đò, cập thuyền vào bãi và trồng thật nhiều hoa phù dung, thứ hoa mà chàng say đắm, mong một ngày chàng quay lại bến sông quê.

Gái một con đằm thắm trong cô đơn. Gái một con rực rỡ trong chờ đợi. Gái một con tê tái đớn đau trong miệng tiếng người đời. Nàng lả đi trong bao đêm nước mắt và ngàn vạn cái trở mình. Bức tranh hoa phù dung chàng vẽ dở, luôn thấm đẫm nước mắt khi chiều buông.

Đã bao chiều người ta gặp nàng ôm con thơ ngồi bên vạt hoa cải cuối mùa nhìn về phía chân trời xa. Một vài người thở dài quay đi xót xa, hồng nhan bạc phận. Kẻ ác miệng thì buông hai tiếng: nghiệp chướng. Hoa phù dung vẫn nở rồi tàn trong vườn nhưng người xưa vẫn không trở lại. 

Mùa đông sang hiu hắt gió bấc. Làn gió lạnh lùng buốt giá như roi sắc quất lên gò má thiếu phụ. Đứa bé gái xinh đẹp bi bô gọi mẹ, tiếng ầu ơ trên bến sông càng não nuột hơn.

Cô Dung giòn tươi hôm nào giờ tiều tụy tả tơi. Nàng muộn phiền ôm chặt con vào lòng, gò má đẫm nước mắt nóng bỏng. Hoa phù dung trong gió đông cũng tơi tả xơ xác. Trời cũng không phụ lòng người. Một chiều mưa giông gió, Dung đang ôm đứa con thơ say ngủ thì chợt nghe tiếng gọi đò hối hả cất lên:
- Đò ơi... ơi... đò...

Thân quen quá! Tiếng của chàng! Tiếng của chàng... Chàng đã trở lại bến sông quê để gặp Dung... Vội vã đến nghẹn ngào, Dung ôm con đặt vào chiếc nôi rồi vội vàng khép cửa. Chân nàng muốn quỵ xuống, vấp ngã tới mấy lần mới tới được chiếc thuyền cũ kỹ neo trong bụi duối ven sông. Lâu lắm rồi, kể từ ngày sinh con, Dung chưa cầm lại mái chèo.

Thuyền ọp ẹp, mưa xối xả, gió đẩy dạt bên này sang bên khác. Nàng sợ hãi khấn nguyện, rồi khỏa mạnh mái chèo trong gió giông. Nàng mong bơi nhanh sang bên kia để gặp người thương. Nước mắt tủi hờn òa vỡ, nàng ngất đi trong tay chàng họa sĩ. Mưa giông gột rửa trên những cánh phù dung đã ngả sắc, giờ chợt cháy rực lên đỏ thắm trong chiều.

Mua phu dung

Cũng từ trận mưa giông hôm ấy Dung cảm nặng và không bao giờ trở dậy nữa. Anh họa sĩ xót xa đau đớn, tim anh ứa máu ôm con gái vào lòng. Tiếng gọi mẹ xé tim anh rách nát. Chiều phố cổ lênh đênh hương hoa sữa, chàng họa sĩ vừa đi vừa thẫn thờ nhớ người yêu. Chẳng biết Dung của anh đã thôi rơi nước mắt trên bến đò chưa. Vừa bước vào cổng anh đã nghe tiếng mẹ:
- Mẹ tưởng con quên lối về nhà rồi chứ? Con có biết là cả nhà mong con về lắm không? Cau trầu mẹ cũng đặt rồi. Nhà người ta gia giáo, con gái lại xinh đẹp, môn đăng hộ đối với nhà mình.

- Con xin lỗi mẹ! Xin mẹ bỏ qua cho con. Con đã thương người khác mất rồi.
- Cậu trả hiếu tôi thế à? Nó là đứa nào mà quyến rũ được cậu. Chỗ người lớn đã thưa gửi không phải là trẻ con đâu nhé!

Khuôn mặt nghiêm lạnh của cha nhìn anh trách móc. Suốt đêm anh năn nỉ kêu van cho anh được làm đám cưới với Dung nhưng cha mẹ chẳng thuận lòng. Định mệnh thật trớ trêu, nếu cha mẹ đừng bắt anh du học ba năm, đừng bắt anh phải sánh duyên cùng người con gái khác thì Dung của anh đâu phải nằm trong đất lạnh, đâu phải tàn như một kiếp phù dung. Và con gái anh đâu phải mồ côi mẹ như hôm nay. 

Mua phu dung

Anh không muốn xa Dung lần nữa nên đã ở lại nơi đây. Không lấy vợ mà trồng thật nhiều hoa phù dung để sống trong bóng dáng người xưa.

Khách rót một chén trà nóng đặt vào tay ông họa sĩ. Chén trà nghi ngút khói trong ánh nhìn xa xăm. Con gái ông bối rối nhìn người khách lạ. Khách nhìn cô ấm áp và xót xa.
Chẳng nói gì với con gái ông họa sĩ, khách lặng lẽ tháo bức tranh hoa phù dung phủ bụi, cuốn lại rồi từ biệt hai cha con.

Chỉ biết rằng, tim cô gái chợt bồi hồi thổn thức, cô nhìn hoa phù dung trong sắc nắng chợt buồn hơn. Và nước mắt cô chợt ấm má tự lúc nào. Ông họa sĩ già nhìn con đau xót.

Trưa mùa thu trong vắt, hoa phù dung nhuận sắc tươi hồng, cô đang ngồi bên khung cửa đọc sách thì con mực sủa nhặng ngoài ngõ, cô vội vàng chạy ra, bắt gặp đôi mắt ấm áp nhìn cô mỉm cười.

Khách trở lại với một tin vui: Hoa Phù Dung của cha cô đã đạt giải trong cuộc thi triển lãm tranh thế giới về hoa. Ông họa sĩ già ứa nước mắt nhìn lên bàn thờ và nhìn rặng phù dung ngoài ngõ. Chỉ biết rằng, con gái ông họa sĩ năm ấy đỗ vào đại học mỹ thuật với số điểm rất cao. Và một ngày, người khách đã trở thành con rể ông. Tự nhiên như hơi thở. 

Hoa phù dung vẫn tươi tốt và thay sắc trong vườn nhà ai. Ông họa sĩ già vẫn rót rượu mời hoa và đọc thơ Đỗ Mục khi chiều buông. Chẳng biết có ai trồng phù dung nữa hay không mà bến sông quê giờ rực rỡ sắc hồng kiêu sa trong những trưa nắng. 

Tôi quên chưa kể, rằng người ta gọi bến đò xưa là bến Phù Dung.

Lê Hà Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI