Xương của trẻ ảnh hưởng thế nào khi bị bố mẹ nắn, kéo dài?

16/05/2016 - 08:20

PNO - Bố mẹ nắn, kéo sai cách sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến xương, khớp, cơ của trẻ. 

Thấy chân con gái “ngắn choằn”, chị Lê Thị An (Hà Đông, Hà Nội) mỗi ngày dành cả mấy tiếng đồng hồ để nắn, kéo chân con với mong muốn “thêm được phân nào tốt phân ấy”. Nhưng nắn mãi từ lúc con mới hơn 2 tháng tuổi, đến nay đã một tháng trôi qua mà chị không thấy có chút cải thiện nào. 

Xuong cua tre anh huong the nao khi bi bo me nan, keo dai?
Mong chân con dài thêm tý chút, chị An miệt mài kéo nắn (Ảnh minh họa)

Chị Nguyễn Phương Ly (Xã Đàn, Hà Nội) thì mang nỗi khổ tâm khác. Chân con gái chị dài dóng nhưng lại cong. Nghĩ con còn nhỏ, xương chưa cứng nên mỗi khi con ngủ, chị lại dùng nẹp, nẹp thẳng chân con ra, hi vọng sau này khi lớn lên, con gái sẽ có đôi chân thẳng dài.

Bác sĩ Nguyễn Thu Thủy- Khoa Vật lí trị liệu, phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: “Nhiều bậc làm cha mẹ tìm đến tôi nói rằng, họ muốn cô con gái có đôi chân dài nên hàng ngày ra sức nắn, bóp, kéo từ trên xuống dưới, Nắn, bóp, kéo mãi mà không thấy cải thiện nên họ nhờ bác sĩ tư vấn.

Tôi trả lời ngay rằng việc nắn, bóp, dùng một chút lực kéo từ trên xuống dưới không có tác dụng làm dài chân của con. Muốn chân con dài thì không còn cách nào khác là tiến hành phẫu thuật mà phải trên 18 tuổi mới có thể làm được. Việc xoa bóp, mát-xa chỉ có tác dụng làm cho các cơ khỏe, giúp khí huyết lưu thông dễ dàng mà thôi”.

Theo bác sĩ CKII Trịnh Quang Dũng, Trưởng khoa Vật lí trị liệu, Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều phụ huynh còn ra sức nắn chân con để cải thiện vòng kiềng, dáng đi không đẹp,… nhưng các động tác này chỉ nên được thực hiện bởi các kỹ thuật viên bởi nếu bố mẹ tác động sai cách sẽ gây tác động không tốt đến xương, khớp, cơ của trẻ. 

Xuong cua tre anh huong the nao khi bi bo me nan, keo dai?
BS. Trịnh Quang Dũng

Bác sĩ Dũng cho biết thêm, các tật ở chân thường gặp là: chân vòng kiềng, chân vẹo, chân quặt vào trong hay quẹo ra ngoài, chân bẹt và hai đầu gối đụng nhau... Nhưng những hiện tượng này có thể hết sau ba tuổi, chân trẻ sẽ trở về hình dáng bình thường.

“Tôi từng gặp người mẹ thấy con gái vừa chào đời có cẳng chân hơi hướng vào trong, chị nhờ một người chuyên sửa sai khớp chân tay ở gần nhà đến bóp thuốc rượu. Sau 6 tháng, chân con chị chẳng những không hết cong mà còn bị bỏng do phải thường xuyên tiếp xúc với thuốc rượu”, bác sĩ Dũng kể.

Vị bác sĩ giải thích thêm: “Trong trường hợp chân đã bị vòng kiềng, phương pháp bóp nắn bằng tay tại nhà chỉ làm giảm cong tức thì hoặc tạo cảm giác thoải mái, chứ không thể trị dứt được”.

Nguyên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI