Xuân đem mong nhớ trở về

22/01/2014 - 07:55

PNO - PN - Tìm đến mảnh đất Sài Gòn bươn chải mưu sinh, ai cũng mong được về quê khi năm hết Tết đến. Ước mong là vậy, nhưng không ít người phải ngậm ngùi đón Tết tha hương vì bị cái nghèo, cái thiếu trói chân ở lại. Những người...

edf40wrjww2tblPage:Content

Xuan dem mong nho tro ve

Chị Minh Hiếu rưng rưng: "Lâu lắm rồi, đừng nhắc!" khi được hỏi mấy năm rồi chưa về Tết

“Lâu lắm rồi, đừng nhắc!”

“Mấy năm rồi chị không về?” - tôi hỏi. Tay đang thoăn thoắt giúp khách lựa đồ, chị Minh Hiếu (49 tuổi) chợt khựng lại và bất ngờ chị bưng mặt, nghẹn giọng: “Lâu lắm rồi, đừng nhắc!”. Qua cơn xúc động, nỗi buồn 18 năm tha hương lập nghiệp, cũng là chừng ấy mùa Xuân không thể về Quảng Ngãi đón Tết bên mẹ già ùa về trong chị: “Tui bán áo quần, chồng chạy xe ôm, thu nhập chỉ đủ thuê trọ, chật vật nuôi hai đứa con, ăn uống tằn tiện; tiền đâu mà về?”. Tôi nhìn mớ hàng với lèo tèo vài bộ quần áo treo lủng lẳng trên thanh gỗ mới thấm thía lời chị: “Tui cũng thỉnh thoảng chắt chiu dăm ba chục để dồn lại Tết mua vé xe; nhưng khoản để dành đó cứ bay theo những trận đau ốm, học phí cho con và cả mấy đận mua bán ế ẩm”. Tết này, vợ chồng chị còn buồn hơn vì đứa con trai 19 tuổi vừa nghỉ học, theo người quen ra Bắc làm ăn, chưa hẹn ngày đoàn tụ.

“Lâu lắm rồi, đừng nhắc!”, câu nói bật ra như trút nỗi tủi thân của chị Hiếu, cũng là câu trả lời đắng lòng của nhiều công nhân khi tôi len lỏi các phòng trọ quanh những nhà máy, khu công nghiệp thuộc Q.Tân Bình, huyện Hóc Môn, Q.Thủ Đức..., những ngày giáp Tết. Một tay bồng đứa con gái thứ hai, tay còn lại chỉ tấm ảnh chụp một đứa trẻ chưa đầy hai tuổi, chị Lê Thị Cát (27 tuổi, quê Thanh Hóa) nói với con: “Chị gái con đấy. Hồi ba mẹ vào Sài Gòn làm ăn, chị con mới 18 tháng tuổi, bằng tuổi con bây giờ. Giờ chị bốn tuổi rồi mà ba mẹ đâu biết mặt mũi ra sao”. Vợ chồng chị Cát đều là công nhân của Công ty xây dựng Hoàng Hùng (Q.Bình Tân). Thu nhập từ chân phụ hồ của cả hai khoảng sáu triệu, mỗi tháng trích gửi về quê để ông bà nuôi đứa con gái đầu hết hơn một triệu, còn lại đủ đắp đổi qua ngày. “Buồn lắm. Ở quê điện thoại vào, nói về rau ăn rau, mắm ăn mắm, để còn xem con gái thế nào chứ sao đi biền biệt thế. Nhưng tiền đâu? Ước có tiền mua vé bận về thôi, còn bận vào… ra sao thì ra mà cũng không có!” - chị Cát trải lòng.

Trong tình hình chung, năm nay nhiều doanh nghiệp chưa vượt qua được cơn khủng hoảng kinh tế, việc làm ăn còn khó khăn, bức tranh thưởng Tết cho công nhân nhuốm màu ảm đạm. Thế nên, đối nghịch với bầu không khí rộn ràng, phố phường đang khoác chiếc áo mùa xuân, đâu đó nơi những xóm trọ, góc đường vẫn có những người đang bị đốt cháy bởi nỗi tủi thân, buồn nhớ quê xa.

Xuan dem mong nho tro ve

Chị Lê Thị Cát chỉ tấm hình con gái đầu “đến nay chưa biết mặt mũi ra sao”

Khuôn bánh, nồi thịt vui xuân

“Không về quê được thì cũng phải đón năm mới với người ta chứ!” - chị Trần Thị Hoàng (34 tuổi, quê Tiền Giang, công nhân Công ty xây dựng Tiến Thành) nói. Theo chị Hoàng, biết gạt bỏ nỗi nhớ quê để hòa chung niềm vui cùng mọi người là “kinh nghiệm” chị rút ra từ những cái Tết xa quê năm trước: “Buồn cũng chẳng được gì!”. Sau cơn tai biến cách đây ba năm, anh Đinh Bá Thành - chồng chị Hoàng, không còn khả năng lao động, gánh nặng dồn hết lên vai chị, với mức lương mỗi tháng chỉ hơn ba triệu đồng, lại thêm hai đứa con đang tuổi ăn học. “Mình tui xoay không nổi nên không riêng gì Tết, ba năm rồi chúng tôi chưa về quê. Mấy Tết ở lại, đêm giao thừa, vợ chồng con cái nằm chèo queo, nhìn nhau rớm nước mắt vì nhớ nhà, nhớ quê, nhớ cái Tết sum vầy của những lần được về trước đây. Năm nay cũng nhớ, nhưng tui nhận ra, đã buồn thì chỉ càng… buồn thêm, nên nhất định Tết này tui sẽ tạo niềm vui cho cả nhà” - chị Hoàng khẳng định. Không thể giúp vợ mưu sinh, anh Thành lo quán xuyến gia đình. Những ngày này, anh tìm đóng mấy chỗ đinh sút, sắp lại góc bàn học, ngăn áo quần của con; chị thì lên danh sách những món ăn chồng con thích để lo bữa cơm cuối năm cho thật ấm cúng.

Năm nay, xóm trọ nằm trong hẻm 150 Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình) của chị Hoàng có đến bốn gia đình cùng cảnh Tết xa quê. Chị Mỹ Linh (công nhân may Việt Tiến, quê Bình Định) - hàng xóm của chị Hoàng, chia sẻ: “Vợ chồng tui đủ tiền về nhưng con trai đang gửi bà ngoại nuôi, thôi để tiền đó gửi nhờ bà mua áo mới cho con. Về đến nhà mà sạch tiền, tay chân như bó lại không thể đi đâu, không mua sắm, quà cáp cho ai thì về làm gì”. Xót xa hơn, hai tháng trước, chồng chị Dương Thị Mai (36 tuổi, quê An Giang), trong lúc làm việc đã bị một thanh sắt đập vào đầu chấn thương sọ não, tử vong; bỏ lại chị với ba đứa con thơ 11, tám, hai tuổi và một đứa chị đang mang trong bụng, ba tháng nữa chào đời. Không người chăm sóc con, mới đây, chị Mai xin nghỉ việc ở xưởng may để nhận cắt chỉ, gia công quần áo tại nhà. Thu nhập chưa đến ba triệu đồng/tháng, sống cảnh thuê trọ, các con chị Mai đang có nguy cơ nghỉ học. “Ba năm rồi chúng tôi không có điều kiện về quê. Anh ấy hứa năm này ráng làm để Tết cả nhà cùng dắt díu về ăn Tết với gia đình, ai ngờ!” - chị Mai rưng rưng. Đưa tay lau tấm di ảnh của chồng, chị nói khẽ: “Hàng xóm thương tình nên mua cho sắp nhỏ mỗi đứa một bộ đồ mới. Các con thích lắm. Phần em, khổ mấy cũng ráng kiếm khuôn bánh chưng, nồi thịt kho để anh về đón năm mới với cả nhà”…

Xuan dem mong nho tro ve

Vợ chồng chị Trần Thị Hoàng cùng dọn dẹp góc bếp để đón xuân

Tết buồn. Tết nghèo. Tết lặng lẽ đong đầy nỗi nhớ. Tết không thể về quây quần sum họp cùng gia đình nên những người con xa xứ chỉ mong cái Tết qua mau…

 YÊN NHẠN

Bài cuối: Đón năm mới ở chốn tiền tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI