Xử trí ra sao khi trẻ sơ sinh dị ứng với đạm sữa bò?

18/08/2016 - 23:51

PNO - Gần đây, phòng khám tiêu hóa của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP. HCM) tiếp nhận khá nhiều bệnh nhi bị dị ứng đường tiêu hóa, đặc biệt là trẻ sơ sinh bị dị ứng với đạm sữa bò.

Bác sĩ (BS) Nguyễn Việt Trường, phó khoa tiêu hóa, BV Nhi Đồng 1 đã trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM về loại dị ứng này.

* Phóng viên: Xin BS cho biết, có cách nào nhận diện dị ứng đạm sữa bò ở trẻ sơ sinh? Việc chẩn đoán có gì khác biệt so với dị ứng các loại thức ăn khác không?

BS Nguyễn Việt Trường: Thường thì với các trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, dấu hiệu nhận diện cũng không khác mấy so với dị ứng với các chất khác ở đường tiêu hóa, cũng có các dấu hiệu bất thường như: nôn trớ liên tục, ói ra máu, đi tiêu ra máu, nổi mề đay toàn thân. Để chẩn đoán, chúng tôi chỉ có thể dùng phương pháp loại trừ. Sau khi yêu cầu phụ huynh ngưng cho trẻ ăn thức ăn nghi ngờ gây dị ứng, thấy tình trạng bệnh thuyên giảm thì xác định trẻ bị dị ứng với món đó.

Xu tri ra sao khi tre so sinh di ung voi dam sua bo?
BS Trường đang khám cho một bé sơ sinh nghi bị dị ứng đường tiêu hóa - Ảnh: Thanh Huyền

* Được biết, chỉ riêng khu khám chất lượng cao, mỗi tuần khám gần 200 bé thì có khoảng 10% dị ứng đường tiêu hóa, trong đó có dị ứng đạm sữa bò và nhóm thường gặp nhất là trẻ từ hai đến sáu tháng tuổi, vì sao lại như vậy, thưa BS?

- Thức ăn nuôi dưỡng trẻ dưới sáu tháng tuổi chỉ là sữa (sữa mẹ hoặc sữa công thức). Một bộ phận trẻ có cơ địa bị dị ứng với đạm sữa bò hay còn gọi là protein trong sữa bò. Các bệnh nhi này được cha mẹ cho ăn bổ sung thêm sữa công thức, hoặc bé bú mẹ nhưng mẹ lại bồi dưỡng sữa bò nên bé cũng bị ảnh hưởng.

* Làm cách nào để phân biệt bé bị dị ứng đường tiêu hóa với các bệnh lý có cùng triệu chứng? Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, trẻ sẽ bị hậu quả thế nào?

- Dấu hiệu nôn trớ ở trẻ sơ sinh khi dị ứng đạm sữa bò dễ bị nhầm với triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày, còn đi tiêu ra máu lại dễ nhầm với viêm nhiễm đường tiêu hóa. Tuy nhiên, một điểm khác biệt là trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa thường kèm theo sốt. Nếu điều trị chậm trễ, hậu quả của dị ứng đường tiêu hóa có thể ở nhiều mức độ: trẻ ói nhiều sẽ bị suy dinh dưỡng, trẻ ói ra máu và tiêu ra máu sẽ bị thiếu máu; cũng có trường hợp cơ thể phản ứng dữ dội khi ăn một thức ăn không phù hợp tới mức sốc phản vệ và tử vong…

* Phụ huynh nên xử trí thế nào khi nghi ngờ con bị dị ứng đạm sữa bò, thưa BS?

- Không chỉ riêng đạm sữa bò, mà với bất kỳ chất nào gây dị ứng tiêu hóa, trước tiên, phải sơ cứu tại chỗ bằng cách ngưng cho bé tiếp xúc với chất đó ngay. Nếu bé đang bú mẹ thì mẹ phải ngưng dùng thức ăn/uống nghi gây dị ứng, chẳng hạn như phải ngưng thức uống có nguồn gốc sữa bò nếu trẻ bị dị ứng đạm sữa bò. Sau đó, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa tiêu hóa để điều trị kịp thời. Trẻ có thể sẽ được BS cho thuốc kháng histamin; trường hợp bé bị lạnh tay chân, mạch yếu thì phải nhập viện cấp cứu chống sốc.

Không chỉ riêng chất đạm trong sữa bò có thể gây dị ứng với một số trẻ, mà thức ăn khác cũng có thể gây dị ứng tùy vào cơ địa của từng bé. Tôi thường gặp các trường hợp dị ứng với hải sản, thậm chí từng có ca dị ứng với quả chôm chôm. Sau khi ăn trái chôm chôm, cơ thể em bé phản ứng dữ dội, khi đưa tới viện thì bé đã sốc nặng và tử vong. Việc phụ huynh được trang bị kiến thức, xử trí kịp thời khi phát hiện trẻ có các biểu hiện bất thường góp phần quan trọng trong điều trị, cứu sống bé.

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI