Xin đừng làm con sợ!

25/04/2016 - 11:57

PNO - Đối với con tôi, một hình ảnh nào đó thì chỉ là một hình ảnh. Như bóng tối thì chỉ là bóng tối chứ không nguy hiểm và đáng sợ.

Năm ngoái, nhân lễ hội hóa trang tôi có đưa con trai tôi, khi đó chưa đến ba tuổi, đến dự tại nhà một người bạn. Một cô hóa trang thành quỷ đến chọc bé, nhưng phản ứng của con tôi khiến cô hoàn toàn bất ngờ - bé chẳng những không sợ mà còn cười toe, đưa tay chạm vào những khối màu trên mặt cô.

Cô gái hỏi vì sao, tôi bảo vì từ khi bé sinh ra đến nay tôi chưa bao giờ khơi gợi sự sợ hãi trong bé và không áp ặt những khái niệm xấu xa, đáng sợ lên các sự vật, hiện tượng. Đối với con tôi, một hình ảnh nào đó thì chỉ là một hình ảnh. Như bóng tối thì chỉ là bóng tối chứ không nguy hiểm và đáng sợ.

Xin dung lam con so!
Ảnh mang tính minh họa

Hù dọa trẻ - công cụ "chế tài" của người lớn

Trước đây, mỗi khi thấy các bà mẹ hù dọa con khi chúng làm trái ý, tôi cứ thắc mắc mãi. Hỏi thì thường nhận được các câu trả lời tương tự: khi nào tôi có con thì sẽ biết làm mẹ căng thẳng ra sao và rằng việc hù dọa là cách hiệu quả để trẻ ngoan, bớt nghịch ngợm, vâng lời. Có lần, trong thang máy chung cư, tôi thấy một chị giúp việc đang cố gắng đút cơm cho một bé trai. Trong khi em bé lắc đầu từ chối thì người giúp việc cứ cố ép bé ăn, rồi dọa: “Con không ăn thì cô này sẽ đánh con đó”. Vừa nói, bà vừa quay sang chỉ tôi có ý nhờ tôi phụ họa thêm vào.

Làm cho trẻ sợ là cách dễ nhất mà người lớn thường làm để hạn chế những phiền phức do con trẻ gây ra. Cách này tuy hiệu quả nhưng không có lợi cho trẻ. Tôi nghĩ, tác hại của những lời hù dọa cũng tệ như đòn roi nhưng người lớn khó nhìn thấy bởi trẻ gánh chịu chúng về mặt tinh thần chứ không biểu hiện ra như những cơn đau thể xác.

Hãy dạy trẻ thay vì dọa

Con tôi cũng có những cơn bướng bỉnh, những đợt khủng hoảng tâm lý tuổi lên hai, lên ba... khiến tôi cảm thấy stress trong việc chăm sóc và dạy dỗ. Những lúc như thế tôi luôn cố giữ bình tĩnh với suy nghĩ đơn giản: con trẻ không hề đòi được sinh ra mà chính cha mẹ quyết định mang chúng đến cuộc đời này.

Trẻ con hoàn toàn bị động với sự có mặt của chúng thì tại sao mỗi lần trẻ làm mình không vừa ý mình lại làm chúng sợ hãi. Trong nhà tôi không bao giờ có từ “đánh”, “sợ”, không có từ “đau” mang ý nghĩa hù dọa mà chỉ có đau mang nghĩa cảnh báo về tai nạn trong lúc đi đứng, chạy nhảy; không có tình trạng nhát ma, hù trẻ về bóng tối…

Sợ hãi là rào cản lớn nhất của chúng ta trong cuộc sống này. Ta sợ thất bại, đau khổ, cực nhọc, sợ thử nghiệm, sợ những điều ta tưởng tượng ra… Chúng ta tự trói mình trong những nỗi sợ, không dám dấn thân, sáng tạo, không dám nhận lấy những thử thách… Đời ta trôi qua trong nhạt nhòa, trong những bức bối mà lẽ ra ta có thể bước qua một cách dễ dàng.

Không dạy trẻ sống can đảm, chúng ta tiếp tục trao truyền sự sợ hãi cho con cái, muốn chúng ngoan ngoãn, thụ động trong những nỗi sợ vô hình để cho người lớn được yên ổn. Làm sao một người lớn lên với nhiều nỗi sợ có thể sống hạnh phúc và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn? Làm sao một đứa bé có thể khám phá chính mình và khám phá thế giới xung quanh nếu chúng luôn sợ thất bại, sợ bị đánh?

Dạy con không bao giờ đồng nghĩa với việc dọa nạt. Chẳng phải hạnh phúc của đời người là sống tự do đó sao? Những nỗi sợ gieo sự bất an bên trong một đứa trẻ. Dọa con cũng chính là cản trở con trở thành những người tự do vui sống. Tự do của một người hạnh phúc phải đến từ bên trong - tự do suy nghĩ, ước mơ, thể hiện và diễn đạt bản thân mình như cách mình muốn mà không bị trói buộc bởi nỗi sợ nào cả. Liệu chúng ta có thể để con trẻ lớn lên với một cuộc đời đáng sống?

Nhất Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI