Về quê ăn Tết

28/01/2014 - 06:21

PNO - PNO - Tuy ở Sài Gòn nhưng chẳng năm nào tôi ăn Tết Sài Gòn. Mọi công việc đều phải giải quyết trước Tết hoặc để lại qua Tết làm tiếp. Khoảng 26, 27 Âm lịch là chúng tôi háo hức về quê ăn Tết với gia đình.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Chúng tôi về quê để có được những buổi chiều cuối năm bên ba má. Ngày trước, ba má tôi ở trong một căn nhà nhỏ dưới ruộng hố. Lúc đó, hai người còn khỏe nên thích sống gần ruộng vườn, không chịu ở nhà trên chợ với mấy anh tôi. Ba tôi mê làm ruộng nên suốt ngày cứ hì hụi ngoài đồng bãi: đắp bờ, cuốc đất, dọn cỏ, trồng cây... có khi quên cả ăn uống. Chiều, má làm cơm ở chái bếp sau nhà, lui cui nấu nướng, dọn dẹp, cho chó mèo gà vịt ăn. Trời se lạnh hanh khô, khói bếp cay nồng lan tỏa êm đềm trên mái nhà, trên lá cây ngọn cỏ khiến buổi chiều cuối năm trở nên ấm áp thân thương quá đỗi!

Ve que an Tet

Chúng tôi về quê để được cái thú đi chợ sớm. Khoảng bốn giờ sáng là đã bắt đầu buổi chợ. Những ngày này hàng hóa về chợ nhiều, người mua kẻ bán tấp nập đông vui. Chỗ bán hoa chiếm một khoảng đất rộng và thoáng. Hoa quê nhiều nhất là vạn thọ, rồi đến cúc, mai, mồng gà... đua nhau khoe sắc. Người ta trồng hoa bán Tết chỉ lấy công làm lời nên giá rất rẻ. Ai đi chợ cũng ghé lại nhìn hoa, mua hoa, để nhắc nhau "Mua hoa chưa?". Ai cũng có hoa Tết. Hoa trên tay, trên xe, trong giỏ... Người người hối hả mua hoa cứ như Tết sẽ không chịu về nếu không có hoa! Tôi thường sà vào hàng của mấy dì bán những thứ cây nhà lá vườn. Món nào cũng tươi trong và rẻ ơi là rẻ! Người bán người mua quen biết nhau nên hớn hở nói cười, thăm hỏi. Chợ quê nghèo bán toàn những sản vật quê hương, từ con cá mớ rau, cây trái trong vườn đến các loại bánh tráng, bánh in... vậy mà chan chứa bao tình làng nghĩa xóm!

Chúng tôi về quê để được dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết cùng ba má. Công việc này ba thường đôn đốc con cháu cùng làm nên diễn ra rất khí thế.Trong cái lạnh của gió bấc cuối năm, việc dọn dẹp nhà cửa làm không khí gia đình trở nên vui vầy, ấm áp hơn! Nhà trên, nhà dưới, sân vườn, tủ ghế... đều được lau chùi sạch sẽ, đượm cả mùi khói un ba đốt quanh nhà. Trong bộn bề công việc dọn dẹp, không thể không nhắc đến việc giặt mùng mền chiếu gối. Toàn giặt bằng tay. Cái nào dày quá thì dùng chân nhồi đạp. Thú vị nhất là lúc đứng trong thau giặt đồ, hai chân giậm đạp, mắt thì ngắm trời ngắm đất, ngắm mấy cây mai già nở hoa rực rỡ. Mai vàng ngoài ngõ, mai vàng đầy sân, mai nở rực rỡ trên cây, rơi rực rỡ dưới gốc... Mai của ba đẹp nguyên sơ, hoang dại, càng ngắm càng say.

Để đón giao thừa, cả nhà không ai chịu ngủ. Mấy chị em xúm nhau cùng làm mứt dừa, mứt chùm ruột, mứt gừng dẻo, mứt rau câu... chuyện trò râm ran. Trên bếp nồi bánh tét sôi sùng sục, than hồng đỏ rực... Đồng hồ điểm đúng 12 giờ là má tôi dâng cúng trên bàn thờ ông bà dĩa bánh vừa chín tới, mấy dĩa mứt mới làm xong, rồi cùng ba quần áo chỉnh tề, đốt nhang quỳ lạy trước bàn thờ chúc Tết tổ tiên. Chúng tôi đứng im lặng phía sau cảm nhận rất rõ thời khắc thiêng liêng ấy qua những lời khấn nguyện thành kính của ba. Từ chiều, má đã chuẩn bị sẵn một cái bàn nhỏ ngoài sân để giao thừa cúng trời đất. Má quỳ trên chiếc chiếu dưới đất, khấn lạy bốn hướng rất lâu, đám con cháu cũng kéo nhau quỳ đằng sau lạy tưng bừng. Lễ vật bao giờ cũng là hoa tươi, trái cây, bánh mứt, trà nước, hương, đèn..., đặc biệt là phải có cặp dừa tươi vừa cứng cạy được gọt tỉa thật đẹp. Má nói: "Cúng giao thừa xong lấy nước dừa này chia cho cả nhà cùng uống để lấy lộc trời, sẽ được mát mẻ, khỏe mạnh cả năm!" Không biết vì niềm tin tuyệt đối của má khi nói câu đó, hay vì nước dừa ngọt lịm mà món này luôn đắt hàng, chúng tôi cứ tranh nhau uống...

Ve que an Tet

Ngày mùng một, cả nhà đều mặc áo đẹp, quây quần mừng tuổi ba má. Mỗi gia đình nhỏ đều chuẩn bị những lời chúc, những món quà ý nghĩa để mừng thọ ông bà, cha mẹ đầu năm. Ba má tôi cũng chúc Tết, lì xì mừng tuổi hết thảy con cháu trong nhà với niềm hạnh phúc ngập tràn. Sau đó chúng tôi mừng tuổi, lì xì cho nhau, ca hát, đọc thơ, kể chuyện tiếu lâm, báo cáo những thành tích trong công việc, học tập... Cuối ngày, ai cũng có quà, có những phong bao lì xì đỏ tươi thiệt đẹp . Nhưng, cái được lớn nhất của mọi người chính là niềm vui được hòa vào tình cảm của đại gia đình. Đặc biệt năm nào cũng vậy, trong những phong bao lì xì chúng tôi nhận từ ba má, ngoài tiền mặt còn có trong đó hai loại hoa vạn thọ và sống đời. Hoa do chính tay ba trồng. Tặng thêm hai loại hoa này, má nói là do cái tên của chúng. Người muốn gởi vào đó ước mong con cháu luôn khỏe mạnh, vui vẻ (có khỏe thì mới sống thọ vạn năm, sống đời đời kiếp kiếp được chứ!). Chúng tôi rất quí những cánh hoa này. Mỗi khi nhìn chúng, tôi thường hình dung cảnh ba lui cui chọn lựa từng cái bông, đếm tới đếm lui sao cho đủ 32 bông mỗi loại, cho 32 đứa vừa con vừa cháu chắt; rồi cảnh hai người ngồi tỉ mỉ bỏ vào từng cái phong bao lì xì nào tiền, nào bông này, bông kia trong tình cảm âu yếm mà cảm động đến rơi nước mắt.

Với quan niệm ngày Tết cái gì cũng phải đầy đủ trong nhà thì cả năm mới hên, má luôn chuẩn bị thực phẩm ăn Tết dư dả cho cả đại gia đình. Từ lúc chúng tôi về cho đến mùng 5 chúng tôi đi, gia đình nhỏ của các anh, chị, em tôi và gia đình tôi quây quần ăn uống cùng ba má như ngày xưa, những mâm cỗ ngon lành ngày Tết. Không khí ấm cúng, vui vẻ, đoàn tụ tràn ngập trong nhà ngoài sân, nhìn đâu cũng cảm nhận được!

Tết đối với ba má tôi chỉ thế là đủ! Chúng tôi cũng vậy. Không cần đi du lịch đâu xa xôi, chỉ cần về quê bên ba má là đã Tết!

LÊ KIM MĂNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI