Về đâu, những đứa trẻ bị bỏ rơi?

06/01/2015 - 15:32

PNO - PN - Sự kiện bé trai bị bỏ trên taxi tại TP.HCM vừa tạm lắng thì dư luận lại xôn xao vì một em bé mắc chứng ly thượng bì bóng nước bị bỏ rơi ở Hà Nội. Trong trường hợp thứ nhất, nhờ báo chí mà người mẹ đã tìm đến để...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ve dau, nhung dua tre bi bo roi?

Trước đây, vấn đề này có thể coi là chuyện không ai ngờ, vì lương tâm của người cha, người mẹ, vì chuẩn mực xã hội, vì đạo đức gia đình. Thời gian gần đây, phải chăng sự lan truyền những câu chuyện tương tự, nên người ta hy vọng đứa con của mình hẳn sẽ được bảo trợ bởi một trung tâm phúc lợi, một nhà hảo tâm, và người ta tin đó là giải pháp tốt nhất cho đứa bé. Người ta truyền nhau những hình ảnh, thông tin mang đến sự đồng cảm, nhưng điều đó thì có ích gì với những đứa trẻ ấy. Điều trẻ thực sự cần là mái ấm, nơi có những ông bố, bà mẹ hết lòng để con mình không bị gọi là “trẻ mồ côi”.

Trong bộ phim Ngày xửa ngày xưa (Once upon a time), để giải được bản đồ trên hòn đảo của Peter Pan, nhân vật nữ chính phải chấp nhận điều mà cô luôn cố gắng không thừa nhận. Dù được đoàn tụ với gia đình nhưng trong thâm tâm, cô vẫn nghĩ mình là trẻ mồ côi. Điều đó khiến mẹ cô đau đớn dù bà nguyện hy sinh tất cả để bù đắp cho cô. Mẹ cô cũng đã từng sợ vì không thể chăm lo cho cô nên buộc lòng rời xa để bảo vệ con. Có lẽ người mẹ của những câu chuyện thương tâm trên mặt báo cũng chìm trong nỗi sợ. Sợ đôi tay không đủ rộng để thay đổi nghịch cảnh, sợ sự đánh giá, phán xét của cộng đồng, sợ sự xót xa, thương hại của người thân. Ai đó đã nói, chúng ta sợ là vì chúng ta không hiểu. Và, điều mà những người mẹ bế tắc ấy không hiểu, rằng quyền làm mẹ là quyền mà không ai có thể tước đoạt khỏi họ, trừ chính họ.

Người ta nói quá nhiều về nạn phá thai, về thực trạng bỏ rơi con, dạy phụ nữ cách tự bảo vệ bản thân mình. Nhưng bao nhiêu ông bố, bà mẹ dạy con trai mình cách sống có trách nhiệm với những gì mình làm. Chẳng lẽ vì phụ nữ là người sinh em bé nên chỉ phụ nữ mới cần quan tâm? Còn đàn ông sẽ cư xử như thế nào? Bỏ mặc? Làm ngơ? Gồng gánh? Bảo vệ? Nếu sau này những đứa trẻ ấy tìm đọc những bài báo viết về mình thì các em mong mỏi gì? Một người mẹ sẵn sàng chống chọi với sự dị nghị? Một người cha đủ mạnh mẽ để bảo vệ đứa con của mình? Hay chỉ đơn giản là em chưa từng thuộc về một ai? Bất cứ đứa trẻ nào ra đời cũng xứng đáng được đón chào bằng ánh mắt trìu mến, hân hoan của mọi người, chứ không phải bị vây quanh bởi sự xót xa, đau thương.

 VÕ HOÀNG KIM 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI