Trước ngày về nhà chồng

07/10/2014 - 17:18

PNO - PNO - Trước ngày lên xe hoa, chị Hòa gọi tôi đến ở cùng để hai chị em hàn huyên. Chị Hòa là con một của bác tôi, không có anh chị em nên chị yêu tôi như em gái. Có chuyện gì hai chị em cũng chia sẻ cho nhau.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đêm nay, nằm bên chị, tôi được nghe bao nỗi niềm thao thức của một cô dâu trước khi bước chân về nhà chồng. Tới ngày vui rồi mà tôi thấy chị lo nhiều hơn vui, lúc nào chị cũng trong tâm trạng băn khoăn, bồn chồn, lòng man mác. Chị nói, chẳng qua con gái đến tuổi phải lấy chồng, chứ chị không muốn xa gia đình, xa cha mẹ. Rồi thì phận gái làm dâu nhà người, chẳng biết sẽ ra sao, hay dở thế nào. Ngoài chồng ra, chị chưa quen với cảm giác sống chung nhà với những người không họ hàng, không ruột thịt.

Tự nhiên phải gọi tiếng mẹ, tiếng cha, nghe ngường ngượng. Rồi thì cha mẹ mình ốm đau, mình không chăm nom được thường xuyên, lại phải tròn bổn phận dâu con hiếu thảo với cha mẹ chồng, nghĩ mà thương mẹ cha đứt ruột. Sinh con gái chẳng được nhờ. Mình ở nhà có điều gì sai trái, cha mẹ cũng thương chiều mà chỉ bảo. Còn ở với nhà chồng, làm gì cũng sợ thất lễ, phải để ý đến từng cách ăn mặc, nói năng, đi đứng với người trên, kẻ dưới. Thật là mệt.

Truoc ngay ve nha chong
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi hiểu, không phải chị trẻ người non dạ mà sinh cả nghĩ như thế. Tuổi chị đã đủ chín chắn trong việc nhận thức về tình yêu, hôn nhân. Anh chị yêu nhau cũng đã năm năm, trước đó họ từng là bạn thân, nên không có chuyện băn khoăn trước sự lựa chọn người bạn đời của mình.

Khác với chị Hòa, câu chuyện của Ngà, cô cựu sinh viên trường Cao đẳng Lao động Xã hội có phần lắt léo hơn. Tốt nghiệp Cao đẳng, Ngà có ý định xin đi làm trước khi học liên thông lên Đại học. Tại Công ty Ngà làm việc, Ngà đã quen và yêu Sinh, người vừa được nhận vào làm Trưởng phòng kinh doanh, hơn cô mười bốn tuổi. Sau hai năm tình cảm mặn nồng, Sinh mới thú nhận với Ngà, rằng anh đã từng ly hôn vợ và hiện phải nuôi đứa con gái lớn học lớp Một. Nghe tin đó, Ngà đã quyết định chia tay. Nhưng cô vô cùng đau khổ vì không thể quên được Sinh. Và họ lại về với nhau.

Bằng lòng lên xe hoa cùng người đàn ông từng “đứt gánh” một lần, đèo bồng thêm đứa con riêng, dù hạnh phúc được sống bên người mình thương yêu, song, Ngà không khỏi lo lắng, liệu rồi cô có chèo chống nổi gia đình nhà chồng? Việc nuôi dạy bé Linh, con gái Sinh sẽ ra sao? Con mình, có hư mình đánh, mình mắng được, chứ dạy con người khác, làm sao tránh khỏi tiếng mẹ kế con chồng.

Trường hợp của Yến Mai, cô bạn thân của tôi thì khác. Xinh đẹp, tự tin, năng động, lại vừa tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học, Mai có vẻ vô tư hơn so với bạn bè cùng trang lứa khi “theo chàng về dinh”. Bạn trai của Mai là con nhà khá giả, mê mải làm ăn nên lấy vợ muộn. Mai được nhà chồng tương lai đón nhận nồng nhiệt. Song, cô còn quá trẻ, nên không tránh khỏi băn khoăn về quan hệ mẹ chồng, nàng dâu. Dẫu sao, giữa họ là cả một khoảng cách của hai thế hệ.

Không riêng chị Hòa, Ngà và Yến Mai, mà cảm giác hồi hộp, băn khoăn, lo lắng là tâm lý chung của các bạn nữ khi lên xe hoa về nhà chồng. Trong cảm xúc hân hoan chờ mong phút giây được khoác lên mình chiếc váy cưới rực rỡ, còn xen lẫn cả nỗi niềm bâng khuâng, lưu luyến cái khoảnh khắc chính thức giã từ thời con gái, bắt đầu cuộc sống hôn nhân với bao vất vả, lo toan. Trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, bổn phận của người con dâu đặt hết lên vai người phụ nữ.

Truoc ngay ve nha chong

Không ít cô gái trẻ bước vào cuộc sống hôn nhân bị hụt hẫng vì những xáo trộn tâm lý, tình cảm, nhất là khi phải sống chung với gia đình nhà chồng. Đôi lúc, những mâu thuẫn nhỏ nhặt bắt nguồn từ chỗ thiếu sự hòa đồng ở cả hai phía. Và người chồng chính là nhịp cầu nối yêu thương giữa vợ mình với các thành viên trong gia đình. Từ đây, người phụ nữ không chỉ được đồng hành bên cạnh người bạn đời tin cậy, thương yêu, mà họ còn có một tổ ấm nhỏ riêng tư, có thêm một gia đình lớn với những người thân mới. Đặt phép cộng ấy trong tình yêu thương, bạn sẽ thấy, ngưỡng cửa hôn nhân không còn là nơi chất chứa nỗi băn khoăn, lo lắng bộn bề.
 

PHAN NHÂN

Gần đây, câu chuyện thương tâm của một thai phụ ôm con trai hơn 2 tuổi nhảy xuống sông Lô đã tạo ra nỗi xót xa trong cộng đồng. Giữa những bàn tán của giới nữ, một lần nữa, đề tài “làm dâu” lại được các bà, các chị quan tâm: Giá như, chị ấy được nhà chồng cảm thông, giá như chị ấy biết cách bảo vệ mình…

“Chat với Hạnh Dung” cũng nhận được không ít tâm sự của những nàng dâu mới. Có người bỡ ngỡ trước “văn hóa” lạ lùng của nhà chồng: bắt các con dâu ăn riêng dưới bếp. Có người “choáng” trước phát biểu của mẹ chồng: “Chồng đánh vợ là chuyện bình thường”; “Đàn ông có vợ bồ bịch đâu có sao”…

Tuy nhiên, trong thực tế cũng có những phụ nữ thành công trong việc “hòa hợp” với nhà chồng, vừa “nhập gia, tùy tục”, vừa giữ được bản sắc riêng của mình.

PNO mở chuyên đề “Làm dâu” mong tạo được sự kết nối giữa các bà vợ, để cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm ứng xử đối với nhà chồng, nhằm có một cuộc sống an toàn và hạnh phúc.


Kính mời các bạn gởi bài, ý kiến, qua các địa chỉ:

-Trang chủ của PNO, vào mục Gửi bài ở cuối trang
-Hoặc theo địa chỉ: truongsonpntp@yahoo.com
-Hoặc viết vào phần Bình luận phía dưới mỗi bài của chuyên đề

Trân trọng cảm ơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI