Trung tâm dưỡng lão: Lành ít rủi nhiều

03/07/2015 - 13:03

PNO - PN - Việc lựa chọn vào trung tâm dưỡng lão (TT DL) đôi khi trở thành nhu cầu sinh tồn của những người cao tuổi (NCT) không còn khả năng tự chăm sóc. Thế nhưng, quan hệ giữa bên kiếm tìm và bên cung cấp đến bao giờ mới thông suốt, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, khi người làm dịch vụ vẫn phải một mình loay hoay với câu chuyện tồn tại của
chính họ?

edf40wrjww2tblPage:Content

 Đầy rẫy khó khăn

Lý do đóng cửa của hầu hết các TT DL dịch vụ là do không đủ nguồn thu để tồn tại. Bên cạnh chất lượng phục vụ, yêu cầu về tình trạng sức khỏe của NCT khi được nhận nuôi là một yếu tố mấu chốt, quyết định lượng khách của từng TT. Dễ thấy, các TT có lượng khách ổn định là do tiêu chí nhận nuôi đơn giản và tập trung đầu tư vào hướng dịch vụ chăm sóc.

Trên thực tế, so với mức sống trung bình của người thành thị, khoản chi phí trên dưới 10 triệu đồng/tháng cho một dịch vụ chỉ chú trọng nhiều về nghỉ dưỡng không phải là một lựa chọn dễ chịu. Bởi, trong động cơ kiếm tìm một TT DL của hầu hết mọi người, bức bối hơn cả vẫn là nhu cầu được chăm sóc. Vì thế, khi mức phí khá cao đang là một rào cản giữa NCT với dịch vụ dưỡng lão, thì dịch vụ chú trọng nhiều đến chăm sóc sẽ chiếm ưu thế.

Trung tam duong lao: Lanh it rui nhieu
Hồ bơi vắng vẻ của làng an dưỡng Thôn Kinh Đông

Ông Võ Văn Tùng - Giám đốc điều hành Làng nghỉ dưỡng Thôn Kinh Đông (H.Củ Chi, TP.HCM) cho biết: “Với đặc trưng cảnh quan rộng rãi, cách nuôi dưỡng tôn trọng sự riêng tư, lại không có chức năng điều trị như các trung tâm y tế, việc không nhận người có bệnh nặng, người sa sút trí tuệ là giải pháp để Làng an dưỡng Thôn Kinh Đông phòng tránh những rủi ro trong quá trình nuôi dưỡng”. Vì lẽ đó, làng thường xuyên phải từ chối nhận khách khi họ không đủ điều kiện sức khỏe, đành giới thiệu cho họ một TT khác.

Thế nhưng, ngay cả khi đã chấp nhận rủi ro ấy, đằng sau sự ổn định về lượng khách để duy trì hoạt động, các cơ sở nuôi dưỡng lại đối mặt với một thực tế đầy kịch tính.

Từ khi làm hợp đồng, các TT phải kiểm tra sức khỏe tổng quát, nắm cụ thể tình hình của từng cụ, rồi xây dựng những cam kết với thân nhân NCT nhằm đảm bảo tính pháp lý khi xảy ra rủi ro. Tuy nhiên, tuổi già thường ủ bệnh, có những người vào TT khi đang khỏe mạnh, kết quả kiểm tra cho thấy sức khỏe tốt, nhưng ở được một thời gian ngắn thì phát bệnh, thậm chí tử vong. Nếu cam kết không chặt chẽ ngay từ đầu, các TT rất dễ lao đao với vấn đề pháp lý. Hoặc, đơn giản hơn, với những cụ sức khỏe yếu, việc TT phải cắt cử người phải vào ra bệnh viện, chăm nom cũng tạo một thách thức đối với vấn đề nhân sự.

Chọn lọc, tiếp nhận đối tượng vào an dưỡng là một câu chuyện dài, liên quan đến những gian nan, thịnh suy của từng TT DL. Theo ông Bùi Anh Trung - Giám đốc TT DL Bình Mỹ (H.Củ Chi), cay đắng nhất của nghề là có những người được đưa vào TT DL không vì mục đích dưỡng lão. Ông từng gặp những trường hợp vì tranh chấp tài sản, cụ bà bị con mang... giấu ở TT DL, vài ngày sau lại có những người con khác đi cùng công an đến... đòi mẹ.

Thậm chí, có người bệnh nặng, được bệnh viện trả về, thay vì được đưa về gia đình để chuẩn bị hậu sự, họ lại được người thân đưa vào... TT DL, lợi dụng tiêu chí tiếp nhận khá đơn giản ở TT để chờ được... bồi thường khi người nhà tử vong. “Nhờ làm việc khá kỹ với khách hàng trong lần tiếp xúc đầu tiên, thấy có điều bất thường, tôi đều từ chối”, ông Trung chia sẻ.

Dẫu rằng nhu cầu được chăm sóc ở các TT DL của NCT là có thật, và hầu hết NCT đều được đưa vào TT DL bằng tình thương của con cháu; nhưng, việc ứng phó với một số trường hợp vì động cơ “dị dạng” có thể làm nhụt chí những người làm dịch vụ.

Trung tam duong lao: Lanh it rui nhieu
Mọi sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; các trung tâm đều tự túc và đóng đầy đủ các loại thuế

Nhân sự cũng là vấn đề làm đau đầu. Không chỉ chăm sóc sức khỏe, kiểm tra tình trạng bệnh, tiêm, phát thuốc..., điều dưỡng viên làm việc ở các TT DL còn phải chăm lo cả việc ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh của NCT. Thậm chí, những tai nạn bất ngờ như bị đánh, chửi, cùng vô vàn những hành động khiếm nhã khác từ những NCT sa sút trí tuệ là việc mà các điều dưỡng viên phải thường xuyên đối mặt. Đã thế, do đặc thù của ngành dưỡng lão, các điều dưỡng viên hầu như không có ngày cuối tuần, số ngày nghỉ lễ, Tết đều bị hạn chế.

Tuy vậy, do tình hình chung của ngành dưỡng lão, hiện nay, điều dưỡng viên chăm sóc NCT vẫn chưa có được mức thu nhập xứng đáng như các đồng nghiệp ở các nước. Với đặc thù công việc như thế, các nhà tuyển dụng phải rất kỹ càng ở khâu tuyển chọn nhân viên. Ở TT DL Bình Mỹ, trung bình 20 hồ sơ, TT mới tuyển được một điều dưỡng viên phù hợp. Thế nhưng, ngay sau những ngày đầu tiên va chạm với thực tế công việc, hơn một nửa trong số đó... bỏ nghề. Nhân sự vì thế trở thành một vấn đề luôn được đặt ra để đảm bảo vận hành của một TT DL dịch vụ, nhất là khi hiệu quả công việc, thậm chí uy tín, vận mệnh của từng TT DL lại phụ thuộc phần lớn vào tâm tính, năng lực của từng nhân viên điều dưỡng.

Một mình dọ dẫm

Nhưng, khó khăn lớn nhất của các TT DL dịch vụ là họ phải tự mình loay hoay với tất cả mọi khó khăn ấy. Theo ông Lê Chu Giang - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, chủ trương xã hội hóa lĩnh vực chăm sóc NCT cho phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội không thu phí hoặc thu phí được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008.

Theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, hoạt động chăm sóc người già cũng nằm trong các lĩnh vực được hưởng một số hỗ trợ về quỹ đất, nguồn vốn, thuế... Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, các TT DL dịch vụ vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, thủ tục như như một doanh nghiệp bình thường.

Ông Bùi Anh Trung cho biết, đến nay, TT DL Bình Mỹ vẫn chưa nhận được hỗ trợ nào, mà phải tự huy động cả quỹ đất, nguồn vốn và đóng thuế với tư cách là một doanh nghiệp. Trong khi đó, nếu được hỗ trợ phần nào thuế VAT, thì mức phí vào TT sẽ giảm, việc vào dưỡng lão bớt xa vời đa số NCT.

Một nhà đầu tư tâm sự với chúng tôi: “Nếu vì lợi nhuận, thì sẽ chẳng ai đem tiền đầu tư vào ngành dưỡng lão”. Rõ ràng, giá trị lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh này, là ý nghĩa bảo trợ xã hội. Thế nhưng, dọ dẫm giữa muôn ngàn khó khăn để tròn vẹn với một nghĩa vụ của toàn xã hội, lại phải đáp ứng những điều kiện tồn tại như mọi doanh nghiệp bình thường, lĩnh vực này èo uột, kiệt sức cũng là điều dễ hiểu.

THANH TÂN
(Còn tiếp)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI