Thương mẹ ngày xuân

01/02/2014 - 20:56

PNO - PNO - Trong ba ngày xuân, anh em tôi trông đợi nhất là ngày 30 Tết. Đó là khoảnh khắc gia đình sum vầy bên nhau trong tiếng cười đùa vui vẻ. Nhưng chúng tôi đâu biết để có giây phút hạnh phúc ấy, mẹ tôi đã phải âm thầm làm lụng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi nhớ những ngày 30 Tết khi còn ở nhà với ba mẹ. Tờ mờ sáng, mẹ tôi quẩy giỏ đi chợ. Mẹ tôi lội bộ gần chục cây số lên chợ, mua nếp, lá, đậu, thịt heo về gói bánh chưng. Trước đó, mẹ đã cắt sẵn lá chuối, rửa sạch, phơi heo héo để khi gói lá dai, không bị rách. Mẹ đảm nhận việc chuẩn bị nếp, đậu, thịt , còn ba có nhiệm vụ gói bánh chưng. Anh em tôi thường háo hức ngồi vòng quanh, ngắm bàn tay ba thoăn thoắt gói, cột từng chiếc bánh chưng vuông vức. Những khi còn sót lại một ít nếp, đậu, ba sẽ gói cho mỗi đứa một cái bánh chưng tí hon. Khi bánh chín, chúng tôi nhao nhao đòi phần bánh tí hon của mình. Ba thì càu nhàu trách mắng còn mẹ luôn mỉm cười vui vẻ đáp ứng theo yêu cầu của các con.

Thuong me ngay xuan

Thủa ấy trong xóm tôi cũng rất ít gia đình có ti vi màu. Thường đêm giao thừa, chúng tôi hay sang nhà hàng xóm xem ké chương trình Táo quân về trời. Dù trước đó mẹ đã dặn phải về trước 12 giờ đêm để tránh “xông đất” cho hàng xóm nhưng lũ con ham chơi vẫn luôn làm trái lời mẹ. Lần nào xem đồng hồ thấy còn 10 phút nữa đến giao thừa, mẹ tôi lại hối hả sang nhà hàng xóm dẫn anh em tôi về. Tôi bước vào nhà, khói hương trầm thơm nghi ngút. Trên bàn thờ, những bát chè nếp gừng nho nhỏ thơm dìu dịu. Biết ý các con háu ăn nên lần nào cúng xong, mẹ cũng múc cho mỗi anh em một chén chè gừng.

Đêm giao thừa trời thường rất lạnh. Ngồi bên bếp củi bánh chưng, chúng tôi hì hụp húp chén chè gừng nóng, có vị ngọt nhẹ thêm vị gừng the the đầu lưỡi thật là tuyệt. Sau khi ăn xong chè, mẹ không quên lấy tiền bỏ vào bao lì xì, mừng tuổi, chúc những lời tốt đẹp cho các con. Chúng tôi nhận bao lì xì nhưng ít đứa nào quan tâm đến lời chúc của mẹ. Chúng tôi chỉ chăm chăm mở bao lì xì để kiểm tra và so sánh xem tiền đứa nào nhiều hơn. Như hiểu ý các con nên lần nào mẹ cũng chia số tiền đồng đều như nhau. Có khi chỉ có một ngàn đồng nhưng anh em tôi đều rất vui.

Những ngày này, trời se lạnh, tôi lại thấy nhớ Tết của ngày nhỏ biết bao. Anh em lớn lên, mỗi người tha phương một ngả, ngày Tết cũng ít khi có cơ hội quây quần bên nhau. Anh Hai gọi điện nói Tết này ra Bắc, ăn Tết ở quê vợ. Còn anh Ba tôi lên Daklak. Chỉ có tôi và chị Tư năm nào cũng cùng chồng con về quê đón Tết với ba mẹ. Nhưng hai năm nay, ba mẹ tôi đã yếu đi nhiều. Mắt ba mờ, chân tay run rẩy, chậm chạp, việc đi lại khó khăn, ba không còn gói bánh chưng được nữa. Bệnh tuổi già nhớ trước, quên sau, mẹ tôi cũng không còn rành chuyện bếp núc như xưa.

Thuong me ngay xuan
 

Nhưng vẫn giữ thói quen cúng đơm của mẹ, ngày Tết, hai chị em tôi thay mẹ vào bếp nấu chè nếp gừng để cúng đêm giao thừa. Chồng chị Tư khá khéo tay nên anh đảm nhận việc gói bánh chưng. Giờ chị em tôi không phải đi bộ hàng chục cây số như mẹ ngày xưa, còn có thêm chồng con phụ giúp nhưng từ sáng đến khuya vẫn đầu tắt mặt tối với những công việc không tên. Những ngày Tết có bắt tay vào nấu nướng mới hiểu được nỗi nhọc nhằn của mẹ ngày xưa. Chỉ tiếc là ngày nhỏ vô tư nên không để tâm đến nỗi cực nhọc của mẹ.

Mỗi lần nhìn hai cậu con trai của tôi ngồi chờ chực mẹ cho thưởng thức món chè nếp gừng, lòng tôi chộn rộn những niềm vui nho nhỏ xen lẫn cùng những ký ức ngọt ngào ngày thơ bé. Dù không được ăn những món ăn ngày Tết do chính bàn tay mẹ làm nhưng những món ăn ấy vẫn mãi theo tôi đến suốt cuộc đời.



MINH NGUYỆT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI