Thuận mua vừa bán

07/12/2015 - 14:12

PNO - "Lúc mua, bạn đã kiểm tra hàng cẩn thận rồi. Con có ép bạn mua đâu. Mà bạn có hỏi gì đâu mà con nói…”.

Từ năm con lên bảy tuổi, tôi đã khuyến khích cháu thu gom ve chai trong nhà để bán, bỏ ống heo. Số tiền đó cháu tự bảo quản và toàn quyền định đoạt. Tuần rồi, khi phụ tôi dọn dẹp, bỏ bớt đồ đạc trong nhà, cháu tìm thấy một chiếc xe cũ từ hồi lớp 2.

Cháu xin tôi cho cháu bán ve chai. Tôi hơi tiếc vì chiếc xe gắn với nhiều kỷ niệm dễ thương của hai mẹ con. “Bán cho rồi, để chật nhà, mà có ai chạy nữa đâu. Để dành cháu nội chạy hả mẹ? Hi hi. Còn lâu lắm” - cháu dí dỏm, rành rẽ thuyết phục, tôi xiêu lòng và giao cho cháu tự xử.

Có lẽ thừa hưởng máu kinh doanh của ba mẹ, cháu không đem xe bán ve chai mà sơn sửa lại, gắn hai bánh phụ và bán cho đứa bạn chung lớp để cậu ấy đem về cho em tập chạy. Cầm số tiền 100.000đ, cháu sung sướng, tự hào, gặp ai cũng khoe.

Khoe đến chú bảo vệ công ty gia đình của tôi, chú liền hỏi: “Thế cháu có nói cho bạn biết là chiếc xe từng bị gãy cổ, hàn lại không?”. Nghe thế, tôi giật mình nhớ lại, đúng là vậy, chú bảo vệ là người trực tiếp đem đi hàn nên chú mới nhớ.

Thuan mua vua ban
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tưởng con đã nói với bạn về “bệnh sử” của chiếc xe, dè đâu mấy ngày sau tôi hỏi thăm, cháu trả lời cộc lốc “chưa”. Ngạc nhiên, tôi hỏi lý do, cháu tỏ ra bực bội. Tôi phân tích cho con thấy nên nói sớm để bạn và ba mẹ bạn lưu ý khi cho em bé chạy, tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Cháu lại cho rằng tôi quan trọng hóa vấn đề. “Cổ xe đã được hàn rất kỹ đến nỗi người mua không phát hiện được tì vết thì có khác gì xe lành đâu. Vả lại, lúc mua, bạn đã kiểm tra hàng cẩn thận rồi. Con có ép bạn mua đâu. Mà bạn có hỏi gì đâu mà con nói…”.

Dù cháu được ba hậu thuẫn, khẳng định rằng “mẹ mày chỉ lo bò trắng răng”, tôi vẫn cương quyết phải thông báo cho bên mua biết. Tôi đặt ra cho cháu những tình huống có thể nguy hiểm nếu chủ nhân không biết nương nhẹ, đi đoạn đường dằn xóc, hay biết để gia cố thêm cho an toàn, chắc chắn. Chưa kể đó là một em bé...

Cháu vẫn khăng khăng trước đây chiếc xe đang chạy bình thường, không cần làm những gì liên quan đến chiếc xe cũ ấy nữa. Cháu thậm chí còn nhắc khéo rằng tôi đã giao chiếc xe cho nó, nên nó muốn làm gì thì làm.

Tôi lo và càng thấy rõ đây là cơ hội để dạy dỗ cháu sự trung thực, nhân hậu, lòng trắc ẩn hay tối thiểu nhất là trách nhiệm đối với người khác. Tôi hỏi tên bạn nào đã mua xe, cháu gạt ngang “Lỡ bạn con biết, sẽ trả xe lại thì sao? Lỡ bạn vô lớp nói rùm beng, mấy đứa kia biết sẽ còn coi con ra gì. Thôi, có gì đâu, ém luôn cho rồi đi mẹ”.

Kim Khanh (Q.7, TP.HCM)

Cứ im lặng, mặc cho… “đời dạy”

 Anh Nguyễn Văn Quang (buôn bán, P.14, Q.4, TP.HCM):

Người bạn đã kiểm tra xe, đem về mấy ngày, chắc chắn người lớn cũng đã nhìn thấy. Hẳn họ cho rằng vết hàn ổn, chấp nhận được nên không phản hồi lại. Chuyện lo lắng, vẽ vời, tưởng tượng của người mẹ liệu có cần thiết không? Cứ để cậu tự suy nghĩ và đối mặt với những diễn biến tiếp theo của sự việc (nếu có), sẽ cứng cáp hơn. “Đời dạy” vẫn dễ tiếp thu hơn mẹ dạy!

Chị Võ Yến Quỳnh (tiếp tân, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Tôi thấy đây là cơ hội cho cậu bạn mua xe kia học một bài đắt giá về sự cẩn trọng, tự chủ, tự chịu trách nhiệm một khi đã “nhấn nút” giao dịch. “Tiền trao, cháo múc”, thuận mua vừa bán theo cơ chế thị trường. Nghĩ nhiều quá đôi khi lỡ việc, mất thời cơ. Tôi nghĩ cậu bé có quyền nói hoặc không nói cho bạn biết chuyện chiếc xe bị gãy cổ trước đó nhưng cương quyết “hàng mua rồi miễn trả lại”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI