Tấm lòng của biển

24/09/2013 - 09:43

PNO - PN - “Tôi không biết ví anh ấy với tấm gương thảo hiền nào, bởi so vào đâu cũng khập khiễng. Tấm lòng anh ấy mênh mông quá!” - chị Lê Thị Kim Tuyến - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, chia sẻ khi...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tấm gương chị Tuyến nhắc tới là anh Vũ Tuấn Cường. Hơn 20 năm qua, từ lúc người em gái út, người anh cả rồi đến anh kế lần lượt phát bệnh tâm thần, anh Cường đã cùng mẹ “cõng” gia đình vượt bao khó khăn.

Tam long cua bien

Anh Lâm vui với trò nấu cơm hàng ngày

KHỔ VÌ… LÀ NGƯỜI TỈNH!

Xong ca sáng, vừa về đến nhà, anh Cường vội vào bếp, hỏi: “Anh Hai ơi, cơm nấu chưa?”. Người đàn ông gầy gò, đang ngồi vẽ vào không trung cái gì đó giật bắn người, rồi cười cười: “Cơm hả, chưa có nấu”.

Vắt vẻo trên võng là một phụ nữ hơn 40 tuổi, đôi mắt thất thần, vừa đưa võng, vừa tung áo lên đầu hô: “Mát, mát”. Anh Cường âu yếm kéo võng, kêu: “Thủy nè, đưa võng nhẹ thôi”. Người phụ nữ chụp tay anh: “Có gì ăn không?”. Cường chìa cho em gái cái bánh bông lan, chị nhai ngấu nghiến… Cường vào gian nhà chính, sát bàn thờ tổ tiên, trong chiếc mùng cũ nát, một người nằm co quắp. Cường lay: “Anh Đạt ơi, dậy đi, nhà mình có khách…”. Người đàn ông trong mùng thò đầu ra, mắt long lên giận dữ, quát: “Đi!”. Anh Cường nhẹ nhàng giải thích: “Chị Thủy và anh Lâm uống thuốc rồi nên dịu tính, còn anh Đạt chưa có thuốc nên cộc!”.

Anh Cường sinh năm 1967, cha mất năm anh sáu tuổi, cô em út Thu Thủy mới lên ba. Má anh, bà Năm ở vậy, tần tảo nuôi bốn người con với nghề bán gạo. Bà siêng năng, vén khéo, nên nhà cửa tươm tất. Được sự hy sinh, vun quén của mẹ, các con lớn lên ai cũng có nghề nghiệp đàng hoàng. Lâm làm du kích xã, Đạt có nghề sửa máy, Cường làm công cho trang trại cao su gần nhà. Thủy được bà Năm cho học nghề may…

Năm 1992, bỗng dưng cô thợ may Thủy bắt đầu ngồi ngơ ngẩn, cười một mình, nói một mình. Anh Cường nhớ lại: “Người xung quanh đồn em tôi thất tình, nhưng tôi chưa thấy em kể về ai hay dẫn ai về nhà ra mắt má… Mãi tới khi Thủy bỏ nhà đi lang thang đến ba bốn ngày, chúng tôi mới biết em bị bệnh. Để trị bệnh cho Thủy, má kêu tôi bán hai sào đất, đưa em vào bệnh viện tâm thần. Má dặn: “Con là người tỉnh nhất nhà, nên má nói, có khó cỡ nào, khổ cỡ nào, cũng phải ráng làm để cứu anh em”. Lúc đó, hai anh của tôi vẫn còn sáng suốt, không hiểu má thấy dấu hiệu gì, mà dặn tôi như vậy…”. Đúng như bà Năm tiên đoán, chỉ hai năm sau, hai con trai lớn của bà là anh Đạt (sinh 1965) và anh Lâm (sinh 1963) lần lượt phát bệnh tâm thần.

Một ngày, Đạt đang đi sửa máy gặt lúa, bỗng nhiên bỏ việc. Từ ấy, anh không tắm táp, tóc tai dài ra, bù xù, ai đụng vào là đánh. Rồi Đạt bỏ nhà đi đúng lúc Thủy lên cơn lần hai, phải đưa vào BV Tâm thần ở Biên Hòa (Đồng Nai) điều trị. Cường hỏi má sao không kêu anh Lâm đi tìm, bà Năm nói tỉnh queo: “Má thấy có một mình bây tỉnh, bây phải khổ thôi!”. Trước tình cảnh của anh trai và em gái, Cường khăn gói lên Sài Gòn tìm anh. Dốc hết tháng lương làm thuê, anh viết một mẩu tin nhắn trên các báo đài nhờ tìm Đạt. Cả năm trời trôi qua không thấy tăm hơi, bỗng một ngày đi làm về, Cường giật mình thấy anh Lâm ngồi lù lù ở góc nhà, miệng lảm nhảm. Cường kể: “Nhìn cảnh đó, rồi nhớ lời má, tôi muốn khuỵu luôn! Má tôi chẳng nói gì, nước mắt chảy dài…”.

Không quậy phá như anh Đạt chị Thủy, anh Lâm rơi vào trạng thái trầm cảm nặng, không giao tiếp được với xung quanh…

Nghe lời má, Cường lại cắt đất ruộng bán, đưa anh Hai vào bệnh viện. Vừa chăm anh và em gái ở bệnh viện, Cường vừa lặn lội đi tìm anh Đạt. Mãi ba năm sau ngày Đạt mất tích, Cường mới tìm lại được anh. Anh kể: “Anh của tôi trước cao to, đẹp trai, nhưng lúc gặp trước chợ Văn Thánh (TP.HCM) tôi nhìn mãi mới nhận ra. Tôi phải nhờ bốn người mới bắt trói được anh để đưa vào bệnh viện tâm thần”.

Tam long cua bien

Cường năn nỉ anh Đạt đừng đuổi khách về

“ĐỠ GÁNH” TỪ VAI MẸ

Cả ba bệnh nhân được vào viện điều trị, anh Cường và bà Năm luân phiên nhau thăm nuôi. Thủy xuất viện trước, rồi lần lượt đến anh Lâm và anh Đạt. Nhưng, họ vẫn không hết bệnh. Xót con, bà Năm vái tứ phương. Người ta đồn nhà “mắc đường âm”, bà cũng cúng vái nhưng chẳng hiệu nghiệm gì. Thấy má tốn tiền bạc, Cường can: “Má để con đưa hai anh và em Thủy theo Tây y điều trị đi má…”. Gia đình từ gần 10 sào ruộng, giờ chỉ còn cái nền nhỏ.

Từ đó, ai thuê gì Cường cũng làm, miễn có tiền mang về để mẹ lo cho các anh em. Cường kể: “Không hiểu sao từ lúc bệnh tới giờ, ba người này như “ghiền” nhau lắm, vắng là đi kiếm liền. Dù kiếm ra, mỗi người cũng ngồi “một cục” ở cái góc quen thuộc: anh Đạt ở bộ ván; anh Lâm chỗ sàn nước, vọc nước suốt cả ngày; còn sát trong xó bếp là con Thủy ngồi đưa võng liên hồi… Cách đây hai năm, anh Đạt bỏ nhà đi lần nữa, vắng mấy ngày thôi, mà Thủy la làng, làm dữ lắm, anh Lâm thì buồn, bỏ cơm luôn. Tôi đi kiếm, may mà gặp anh Đạt ở một cái chợ nhỏ bên Bình Dương…”.

Trước Tết vừa rồi, bà Năm mất chỉ sau ba ngày phát bệnh. Từ đó tới nay, khi em gái hành kinh, Cường phải tự tay vệ sinh cho em từ đầu đến cuối. Hàng xóm thấy Cường vất vả, khuyên đưa anh em vào bệnh viện Tâm thần. Cường lắc đầu: “Má tôi dặn phải để họ ở nhà để được gần nhau. Mà tôi cũng thấy ở nhà tốt hơn bệnh viện, các bác sĩ vẫn khuyên để người bệnh gần gũi gia đình”.

Chị Lê Thị Kim Tuyến nói: “Quả là kỳ diệu, sau hơn 18 năm không tự mặc nổi áo quần, tự nhiên sau khi mẹ mất, anh Lâm biết nấu cơm”. Hình như Lâm thích “trò” nấu cơm lắm, anh vừa vo gạo vừa cười. Rửa rau, xắt thịt cũng cười. Bữa cơm anh Lâm chuẩn bị cho bốn người dù chỉ có hai món kéo dài bốn tiếng đồng hồ. Ăn cơm xong, Lâm giành phần rửa chén và chuẩn bị tiếp bữa chiều. Đôi bàn tay anh Lâm móp vọp vì ngâm nước cả ngày, nhưng anh vui lắm. Kể kỳ tích của anh Hai, anh Cường nói: “Tôi nghĩ hoài không hiểu sao tự dưng ổng biết giúp tôi. Còn ông Đạt nữa, từ lúc má mất tới giờ, ổng hiền dễ sợ. Tôi ước chi mấy ổng tỉnh lại hết”. Anh mỉm cười, gương mặt khắc khổ ánh lên tia hy vọng, trông rạng rỡ. Nhưng nét rạng rỡ ấy lập tức biến mất, Cường tất tả vào giường anh Đạt vì anh này đang la: “Ai lấy mất dép tao!” dù đôi dép nằm sờ sờ dưới đất. Giọng Cường thật nhẹ: “Nó nè anh Ba…”.

Rời căn nhà số 82, tổ 3, ấp Chà Là, xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, chúng tôi cứ ám ảnh mãi cảnh đời của bốn anh em và cảm phục anh Cường, người đàn ông mang tấm lòng mênh mông của biển.

 Nghi Anh

Kỳ tới: Tật nguyền gánh cả "giang sơn"

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI