“Sinh vật không xương”

23/08/2014 - 19:25

PNO - PNCN - Con tôi 19 tuổi, đẹp trai, có duyên nhưng từ nhỏ nó đã yếu mềm, dễ xúc động, gần mẹ, không thể sống một mình. Rốt cuộc nó tìm được một cô bạn cùng trường đại học. Nói cho đúng thì con bé là “điểm tựa”...

edf40wrjww2tblPage:Content

(Nguyễn Viết, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

“Sinh vat khong xuong” 

Có lẽ chàng trai đang ngộ nhận: lệ thuộc là tình yêu. Yêu là sự chọn lựa tự do đầy tinh thần trách nhiệm. Khi một người cần ai đó để sống còn thì người ấy chẳng có chọn lựa và cũng chẳng có tự do gì trong mối quan hệ ấy. Đó trở thành một nhu cầu hơn là tình yêu, bởi vì hai người thực sự yêu nhau chỉ khi họ hoàn toàn có khả năng sống không có nhau mà vẫn chọn sống với nhau. Một chàng trai với sức khỏe đầy đủ mà vẫn luôn cần được người khác tích cực quan tâm mới đứng vững được, chứng tỏ sự lệ thuộc thái quá. Điều ấy cho thấy tinh thần yếu đuối và khiếm khuyết. Có thể gọi đó là dấu hiệu chưa trưởng thành về mặt tâm lý.

Người có lối sống tựa sinh vật không xương sống như vậy được coi là người bị rối loạn tâm lý, ở mức độ nặng gọi là “bệnh lý lệ thuộc và thụ động”. Người như vậy luôn băn khoăn lo sao cho kẻ khác phải yêu mình, thường bận tâm tìm kiếm những gì ai đó có thể làm cho mình mà không cố gắng tự làm những gì mình có thể làm được. Hầu như họ không có ý định dấn thân vào một nghề nghiệp khó khăn hoặc gánh vác một vai trò trách nhiệm đòi hỏi mình phải yêu thương và hết lòng phục vụ, thậm chí tham gia một môn giải trí nào khó khó một chút cũng là điều cam go đối với họ. Họ dường như thiếu khả năng chịu đựng cô đơn. Lòng họ trống rỗng tựa như một hố sâu chẳng bao giờ có thể lấp đầy, khiến họ luôn cảm thấy thiếu thốn cái gì đó, chẳng khi nào cảm thấy bình an và hài lòng. Họ tìm nguồn cung cấp sự đảm bảo, an vui, yên ổn ở người khác, thậm chí trông chờ ở con cái mình. Dựa vào ai cũng được, miễn sao có người cho dựa, vì thế khi không được đáp ứng và thỏa mãn, họ thường mang tâm trạng bất mãn và hay đổ lỗi.

Người lệ thuộc thụ động thiếu khả năng tự kiềm chế và kiểm soát bản thân, sống không có kỷ luật và khuôn khổ. Họ níu giữ cả những mối quan hệ lăng nhăng vô bổ lẽ ra nên cắt đứt khi đã có người yêu và lập gia đình. Đồng thời, họ không dám nghĩ đến việc phải tự sống một mình nên càng gia tăng mức độ lệ thuộc nhiều hơn đến nỗi đánh mất tự do của người yêu/người bạn đời.

Ở trường hợp này, sự lệ thuộc là động lực đẩy cu cậu gắn bó với cô gái mà cậu chọn, thậm chí không thể sống nổi nếu thiếu "người yêu", nhưng thực ra mối quan hệ nhìn bề ngoài trông như tình yêu mãnh liệt ấy lại chặn đứng con đường trưởng thành tâm lý của “thằng bé”. Việc cô bạn từ chối tình yêu cũng là một liều thuốc giúp cậu ta chữa trị căn bệnh lệ thuộc. Gia đình nên phân công gánh vác trách nhiệm cụ thể cho con mình và thỉnh thoảng lại “đổi vai”, giúp cậu ấm tập làm thế nào để sống còn, nếu phải sống độc lập một mình. Không thể ký sinh vào người khác mãi được, đồng thời gia đình hãy hướng dẫn và động viên con tham gia vào các việc công ích, các hoạt động bác ái để giúp khám phá giá trị bản thân, qua đó rèn luyện thói quen nhận lãnh trách nhiệm và tập quân bình. Đó là những phương thế giúp “hoàng tử bé” trưởng thành, thoát khỏi tính cách của “sinh vật không xương sống”.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI