Sinh con dưới nước: Chuyển dạ mà thoải mái là điều có thể xảy ra

26/11/2016 - 11:30

PNO - Nhẹ nhàng và tự nhiên là suy nghĩ của nhiều người khi biết đến phương pháp sinh con dưới nước.

Có người thậm chí còn nói rằng sinh con dưới nước mang đến một môi trường sinh nở thoải mái và những liệu pháp giảm đau tự nhiên mà không cần dùng đến thuốc gây tê.

Tuy nhiên, việc thực hành phương pháp này vẫn gây rất nhiều tranh cãi, Trường Cao đẳng Sản Phụ khoa Mỹ và Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi các mẹ cần đặc biệt thận trọng trong giai đoạn hai của quá trình chuyển dạ.

Trong giai đoạn này, nhiều nguy cơ cần được chú ý như vỡ dây rốn khi trẻ sơ sinh được nâng lên khỏi mặt nước hoặc nhiễm trùng dây rốn do môi trường nước không đảm bảo vệ sinh. Có thể đó là lý do mà đa phần các ca sinh con dưới nước được thực hiện tại hà vì không phải bệnh viện nào cũng cho phép thực hiện phương pháp này.

Rõ ràng là phương pháp này không phù hợp để áp dụng cho tất cả mọi người, nhưng hai người phụ nữ dưới đây đã kiên nhẫn thực hiện nó.

Đối với Kara Rea (28 tuổi, Boston) việc sinh con dưới nước tại nhà là một quyết định có vẻ rất hợp lý. Nhà chồng cô có truyền thống sinh con tại nhà khi mẹ chồng cô đã lần lượt sinh bốn người con tại nhà riêng, “con của chúng tôi là đứa trẻ thứ tư mà chồng tôi chứng kiến được sinh tại nhà”, cô vui vẻ chia sẻ.

Ban đầu, Kara đã xem xét đến việc sinh con tại một bệnh viện gần nhà, tuy nhiên cô đã hoàn toàn từ bỏ suy nghĩ này khi nhìn thấy danh sách những loại thuốc mà mình sẽ phải sử dụng trong suốt quá trình chuyển dạ và bệnh viện chỉ cho cô 48 tiếng để quyết định việc này.

Sau đó, cô đã đến gặp một nữ hộ sinh đầy kinh nghiệm về sinh con tự nhiên và nhanh chóng đưa ra quyết định mình sẽ sinh con dưới nước tại nhà.

Quyết định xong xuôi, cô cùng chồng mình đã cùng chuẩn bị mọi thứ cho “cuộc chiến” sắp tới, từ việc mua bồn tắm hơi, thổi phồng nó đến việc kiểm tra nguồn nước sạch cũng như việc lấp đầy nước vào bồn. Chuẩn bị xong cũng là lúc những cơn gò đầu tiên xuất hiện, Kara đã chuyển dạ theo đúng như mong muốn của mình, tại nhà,  bên cạnh chồng, mẹ ruột và con chó của gia đình.

Sinh con duoi nuoc: Chuyen da ma thoai mai la dieu co the xay ra
Kara và chồng.

Trong suốt quá trình chuyển dạ, Kara luôn được nữ hộ sinh của mình nhắc nhở không nên ở trong bồn tắm quá lâu mà phải thường xuyên ra khỏi môi trường nước vì “đôi khi ở trong môi trường nước quá lâu sẽ khiến quá trình chuyển dạ của bạn ngừng lại”.

“Ngay cả việc bước ra bước vào bồn tắm cũng giúp em bé ra ngoài dễ dàng hơn”, Kara chia sẻ.

Kara chuyển dạ khoảng 12 tiếng và cuối cùng, một bé gái xinh đẹp đã chào đời trong bồn tắm ngay giữa phòng khách của gia đình.

“Tôi cố gắng rặn và cuối cùng cũng thấy được đầu con ló ra ngoài, tiếp đến là đôi vai bé xíu xuất hiện. Các nữ hộ sinh nhanh chóng đỡ con ra rồi đặt lên ngực tôi”, Kara hạnh phúc nhớ lại, “con bé mở to đôi mắt rất đáng yêu, hai bên má ửng hồng và vô cùng khỏe mạnh”.

Sinh con dưới nước còn giúp cho Kara không bị rạch âm đạo quá nhiều. Theo một nghiên cứu mới công bố, việc rặn đẻ dưới nước sẽ giúp giảm chấn thương vùng chậu, đặc biệt là đối với những bà mẹ sinh con lần đầu.

Tất nhiên, trước khi quyết định sinh con dưới nước tại nhà, Kara cũng đã phải chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong suốt quá trình chuyển dạ. “Tôi đã vò đầu bứt tai không biết bao nhiêu lần và suy đi tính lại về những tình huống có thể xảy ra”, Kara tâm sự, “nhưng tôi đã hoàn toàn yên tâm khi nữ hộ sinh nói với tôi rằng, có thể sẽ xuất hiện những tình huống ngoài dự liệu và có thể là cả những trường hợp khẩn cấp, trong trường hợp đó, họ sẽ đưa tôi đến bệnh viện ngay lập tức”.

Với sức khỏe và tuổi trẻ, cùng với sự tự tin của mình, Kara mong muốn có thể sinh con dưới nước tại nhà với đứa con thứ hai của mình.

Một bà mẹ khác đến từ San Diego, Stephanie Greunke San Diego (30 tuổi) cũng đã chọn phương pháp sinh con dưới nước với đứa con đầu lòng của mình và mọi chuyện cũng đã diễn ra thuận buồm xuôi gió.

Sinh con duoi nuoc: Chuyen da ma thoai mai la dieu co the xay ra
Kara và Stephanie cùng hai thiên thần nhỏ của mình.

“Tôi đã có dự định sinh con tại nhà và muốn mình được trải nghiệm nhiều liệu pháp giảm đau tự nhiên nhất có thể”, cô chia sẻ, “thực tế là tôi đã không phải mất quá nhiều nước mắt vì cơ thể tôi cảm thấy vô cùng thoải mái”. Chuyển dạ mà lại thoải mái là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Stephanie nói rằng có rất nhiều nữ hộ sinh không muốn bệnh nhân của mình bước vào bồn tắm cho đến khi cổ tử cung của họ đã thật sự mở ra. “Mặc dù đây là lần đầu tiên sinh đẻ nhưng tôi đã xử lý những cơn co thắt đầu tiên tốt đến mức nữ hộ sinh của tôi còn không thể ngờ được”, cô vui vẻ chia sẻ, “tôi yêu cầu được ngồi vào bồn nước nhưng bà ấy còn lưỡng lự và nói rằng cần kiểm tra kĩ hơn những cơn co thắt của tôi”.

Stephanie khẳng định rằng mình đã sẵn sàng để sinh con và nữ hộ sinh đã phải hoàn toàn đồng ý để cô bước vào bồn tắm sau khi kiểm tra độ mở của tử cung. “Ngay lúc bước chân vào bồn tắm, tôi đã lập tức cảm nhận được thế nào là đau đẻ”, cô nhớ lại, “tôi đã vật vã khoảng 3 tiếng, hết gập người rồi lại đến nghiêng người, đủ mọi tư thế rặn đẻ để đưa con trai tôi chào đời. Chồng tôi luôn ở bên cạnh và nắm lấy tay tôi, nữ hộ sinh của tôi thì ở tận phía bên kia bồn tắm và hầu như chẳng giúp gì cả”.

Cô chia sẻ, nhiệt độ nước lí tưởng trong hồ bơi là khoảng 36 độ C. Nhìn chung, Stephanie cho biết rằng mọi thứ diễn ra khá nhẹ nhàng và thoải mái. Cô thậm chí còn giữ lại bồn tắm hơi để chuẩn bị sẵn sàng cho những lần sinh sau.

Khánh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI