Sao nỡ ép con?

25/03/2016 - 08:52

PNO - Cha mẹ chỉ nên đóng vai trò người thầy, người bạn - trao đổi, chia sẻ cùng con, cần phải tôn trọng lựa chọn của trẻ.

Sao no ep con?
Ảnh mang tính minh họa

Chị Nguyễn Thị Hạnh T., bác sĩ, có con đang học lớp 11 tại một trường trung học ở Q.5, TP.HCM tâm sự: “Gia đình có truyền thống ngành y. Bên nội, bên ngoại đều khoác áo blouse trắng. Cứ tưởng, chuyện con gái nối nghiệp là điều hết sức tự nhiên. Vậy mà khi con học lớp 10, yêu cầu con đăng ký học khối B, gia đình đã vấp phải… hòn đá tảng!

Cháu một mực không đồng ý. Năn nỉ, nói “cứng”, thậm chí cả hờn giận cũng không cải thiện được tình hình, tôi đành chiều ý con. Nhưng trong lòng vẫn không thông. Gia đình ai cũng rầu rầu. Mãi đến khi đọc thông tin về cháu bé ở Bình Dương tự tử vì bị ép học theo ý muốn của gia đình, tôi mới giật mình. Thôi thì, con chọn nghề nào cũng được. Vì đó là tương lai của chính con. Cha mẹ, người thân chỉ có thể phân tích, góp ý, chứ không thể quyết định hộ…”.

Làm một khảo sát mini với học sinh cấp III tại hai trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) và Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), có đến 70% các em chọn trường đại học, chọn nghề nghiệp tương lai theo ý muốn của cha mẹ. “Con có biết thảm họa của một người là gì không? Yêu nhầm người, chọn nhầm nghề và uống nhầm thuốc. Họa sĩ họa siếc gì. Học kinh tế! Ra trường mới có tương lai”. Nhắc lại lời cảnh báo của cha mẹ, H.P. (học sinh lớp 10 trường Bùi Thị Xuân) chán nản: “Em cũng tính nói với ba mẹ: thảm họa là chọn nhầm nghề. Con không có hứng thú gì với những ngành nghề kinh tế, làm sao có thể đeo đuổi cả đời? Nhưng rốt cuộc em không dám”.

M.A. (học sinh lớp 12 trường Nguyễn Thị Minh Khai) buồn rầu: “Bao giờ nhắc đến kỳ tuyển sinh sắp tới, điệp khúc của ba mẹ luôn luôn là con ông A vừa đậu trường Bách khoa, con bà B sắp lấy thạc sĩ chuyên ngành ngoại ngữ, con chú C vừa đạt học bổng du học Singapore. Liệt kê rồi ba mẹ “chốt” lại nhà mình thế này mà con tính học cao đẳng kỹ thuật là sao, uổng công ba mẹ đầu tư, kỳ vọng, cho đi học trường chuyên lớp chọn. Gia đình mình thua kém ai, hở con. Em rất muốn nói với ba mẹ không phải là chuyện thắng - thua mà đây là nghề nghiệp của con. Con chọn, con sẽ chịu trách nhiệm và gắn bó suốt đời”.

Em P.O., học sinh giỏi trường Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình) tâm sự : “Em đã phải sống theo mong muốn của ba mẹ, lâu đến mức em đã chẳng còn biết bản thân em thật sự muốn điều gì…”.

Phụ huynh N.H. gay gắt: “Cha mẹ kỳ vọng, gửi gắm ước mơ cả đời không thực hiện được vào con cái, thì có gì là sai? Con cái chính là tác phẩm đẹp đẽ nhất của cha mẹ. Chúng tôi vẽ lên tương lai con giấc mơ của đời mình, sao gọi là quá đáng? Kế thừa và tiếp nối. Con cái phải đi tiếp những bước chân dang dở của cha mẹ…”.

Ông Trần Đăng Thảo, chuyên viên tư vấn tâm lý tổng đài 1088 cho biết: “Các trường hợp xoay quanh vấn đề con cái phải sống theo ước mơ, kỳ vọng của cha mẹ chiếm số lượng rất nhiều trong các ca tư vấn. Các bậc phụ huynh tự tin mình là người đi trước, đã lăn lộn, trải nghiệm cuộc sống, muốn con phải theo định hướng của mình. Người lớn chúng ta đã bỏ quên điều cơ bản: con cái không phải là bản sao của cha mẹ. Các cháu có suy nghĩ, đam mê, ước mơ, khát vọng riêng”.

Cũng theo ông Thảo, nhiều trường hợp con trẻ tuân theo sự áp đặt của cha mẹ, ra trường đi làm với tâm trạng mệt mỏi, chán nản, đau khổ vì đã không đủ tự tin trình bày thuyết phục cha mẹ cho mình theo học ngành nghề phù hợp.

“Công việc nào cũng vất vả, nhưng nếu có đam mê, yêu thích, người ta sẽ vượt qua những khó khăn, thử thách. Đáng tiếc, nhiều cha mẹ đã ép uổng con, bỏ qua yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất khi làm việc, đó là phải cảm thấy hạnh phúc. Cha mẹ chỉ nên đóng vai trò người thầy, người bạn - trao đổi, chia sẻ cùng con, cần phải tôn trọng lựa chọn của trẻ. Phải nhìn vấn đề dưới nhãn quan của trẻ để không gây ra hậu quả khôn lường bằng ý kiến chủ quan, áp đặt của người lớn”, chuyên viên Trần Đăng Thảo tư vấn.

Khánh Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI