Nụ cười phía trước…

09/05/2015 - 11:28

PNO - PN - Chị Nguyễn Kim Nguyên xoa đầu con trai, ôm hôn và khen ngợi con đã biểu diễn tốt tiết mục thời trang trong một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) Sống cùng tự kỷ (Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM). Nhìn một số diễn viên nhí khác đến tiết mục không chịu diễn mà nằm ườn ra sân khấu hoặc chạy lung tung phá rối, giành micro của bạn, hét vang, giật máy ảnh của các phóng viên, chị Nguyên cười ra nước mắt, nói: “Phụ huynh của các bé tự kỷ nặng rất vất vả trong việc chăm sóc, nuôi dạy, cho con hòa nhập. Nếu không may mắn phát hiện sớm, can thiệp sớm cho An Kiên, con trai tôi, thì giờ đây không biết cháu ra sao!”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Lật từng bức ảnh của các buổi sinh hoạt CLB trước đó, chị hào hứng với những hoạt động mà mẹ con từng trải nghiệm: cùng tham gia trò chơi vận động, cùng đi dã ngoại, múa hát, giao lưu… Ngồi cạnh, chốc lát, An Kiên lại quay sang kể thêm nhiều chi tiết mà cậu tâm đắc trong chuỗi ký ức vui nhộn ấy. Với quyết tâm bền bỉ của chị Nguyên, sau bảy năm trời, Kiên đã thực sự thay đổi tích cực, lạc quan, không còn cúi gầm mặt, quay lưng khi thấy người lạ.

Nu cuoi phia truoc…

Tại quầy ẩm thực của CLB Sống cùng tự kỷ, chị Kim Nguyên ân cần hướng dẫn An Kiên cách mua thức ăn, nước uống, trả tiền và nhận tiền thối

Là người đầu tiên phát hiện Kiên mắc hội chứng rối loạn tự kỷ, chậm phát triển ngôn ngữ và đã có bảy năm ròng đồng hành với mẹ con chị Nguyên, bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, thành viên ban điều hành CLB Sống cùng tự kỷ) đánh giá cao những hành động tích cực của chị Nguyên: đưa con ra khỏi bốn bức tường nhà mình, kiên trì dẫn dắt con đến các khóa trị liệu, tích cực tham gia hoạt động của CLB, kết nối với phụ huynh khác... Sự nỗ lực nhưng không đơn độc ấy đã đưa lại cho chị và con trai những kết quả khả quan.

Thời gian mang thai, do nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống, không được chồng san sẻ, chị Nguyên bị stress nặng. Chị luôn nghĩ hội chứng tự kỷ của Kiên có một phần nguyên nhân từ đó. Ba tuổi, Kiên vẫn chưa biết nói, đặt đâu ngồi đấy, không bao giờ nhìn thẳng vào người đối diện. Mãi đến giờ, chị vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh những lúc Kiên tức giận, bức bối, không bày tỏ được, cứ nhè thân thể mình mà hủy hoại, khi đập đầu vào tường, khi đấm tay vào ngực, khi gào thét, giậm chân liên hồi xuống sàn nhà, khi nắm mớ tóc trì mạnh… Vui sướng nghẹn ngào thời khắc con nói được tiếng “ba” đầu tiên ở tuổi lên năm, chị lại thắt lòng, cảm thấy bất lực những lúc con nói nhảm, suốt ngày cứ lặp đi lặp lại mỗi tiếng “xe”…

Không thể ngồi yên nhìn con, chị Nguyên bàn với chồng, quyết định bán nhà ở Long An chuyển lên Q.Bình Tân, TP.HCM, chấp nhận nhà cửa chật hẹp, đi làm xa hơn 20 cây số... Cuộc sống vốn đã phải gói ghém với đồng lương của nhân viên văn phòng, chị vẫn không ngại lo những chi phí trị liệu khá đắt đỏ cho con như trị liệu về tâm vận động, âm ngữ, hình ảnh… Biết con cần có cơ hội giao tiếp nên dù làm việc mệt mỏi, chị vẫn thường xuyên dắt con đi công viên, siêu thị, chỗ đông người.

Đôi lúc nghe phải những lời vô tình của người lớn hoặc bạn trang lứa trút lên con mình, chị quay lưng giấu đôi mắt ngấn nước. “Con bệnh, mình càng cần phải mạnh mẽ, không thể buông xuôi. Giờ con đã thay đổi từng ngày, biết cười, gọi, vẫy tay với mẹ mỗi chiều tan học. Có người hỏi, làm thế nào để có thể đồng hành với con, tôi nói, nụ cười của con trong hiện tại và ở phía trước là động lực giúp tôi vượt qua khó nhọc” - chị Nguyên tâm sự.

Luôn nhủ mình phải mạnh mẽ vì con, và chính An Kiên lại là nguồn tiếp sức cho chị Kim Nguyên. Khi chị gặp chuyện buồn, “người đàn ông nhí” ấy ôm tay chị, động viên; khi chị mang thai, “người đàn ông nhí” ấy cứ tối tối lại ôm bụng chị để thỏ thẻ “thai giáo” cho em; khi em quấy khóc, “người đàn ông nhí” ấy hối hả dỗ dành, thay tã… Tuần trước, bị bạn xé tập nhưng An Kiên không méc cô, méc mẹ.

Khi biết được, chị hỏi lý do, Kiên đáp rành rọt: “Dạ, con sợ bạn giận, sẽ nghỉ chơi với con. Và con cũng sợ mẹ thêm lo…”. Chị thương con đến trào nước mắt. An Kiên chẳng những trưởng thành hơn trong nhận thức, biết phán đoán, suy luận mà dường như có sự đồng cảm, chạm đến nỗi lòng của mẹ với đủ cung bậc thổn thức, âu lo, chờ mong, hồ hởi…

 TÔ DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI