Nhen nhóm tình yêu lao động cho con bằng cách nào?

02/12/2015 - 10:50

PNO - Nếu đích đến là thái độ sống, học nội trợ cũng như học đóng bàn ghế, sửa đồ điện… miễn là người lớn trao cho trẻ sự hào hứng khi làm việc.

Nhen nhom tinh yeu lao dong cho con bang cach nao?

Tôi mở Bé Đảm tại Hà Nội, lớp dạy kỹ năng nội trợ cho trẻ con từ một lý do rất cá nhân: mùa hè 2013 tôi đi tìm “lớp học” cho con gái bốn tuổi, thấy toàn lớp dạy trẻ con thành nghệ sĩ. Nhu cầu của tôi chỉ cần con là người bình thường, yêu lao động, con là con gái thì nên quyến luyến bếp núc.

Chợt nghĩ sao không mở một trường dạy những điều căn cốt, rất đỗi bình thường như thế, như ngày xưa bà dạy mẹ rồi mẹ dạy mình. Để khi đã là đàn bà, nhiều lúc chống chếnh và chán chường, thì thấy nơi an ủi yên lặng nhất, cho mình ấm áp và bình tĩnh lại - có khi chính là góc bếp.

Và thế là Bé Đảm ra đời, cổ đông (kiêm giáo viên đứng lớp) là những bà mẹ mê chuyện bếp núc, có quan điểm rõ ràng trong nuôi dạy con, thấy việc chơi cùng trẻ là tận hưởng chứ không phải nghĩa vụ.

Trẻ con đến Bé Đảm đứa nào cũng vui, vì chúng thấy mình thật nghiêm trọng và đầy trách nhiệm. Chứ gì nữa, ở nhà mẹ phải bón cơm cho mình, ăn xong mẹ phải lau miệng giúp vì không tin mình tự làm được.

Trong khi ở Bé Đảm mình tự rán trứng, nhặt rau, nấu canh sườn, rang tôm, rán cá, muối cà, giã vừng lạc... xong mình tự ăn hết món mình nấu (hôm mặn, hôm nhạt, hôm cháy, nhưng hôm nào mình thấy cũng ngon vì là thành quả lao động của mình). Xong mình tự dọn bếp, xong mình tự rửa bát. Nào đảm đang khác gì mẹ đâu!

Sau mỗi buổi, Bé Đảm đều có một bài tập về nhà để mẹ cùng con vào bếp. Những việc nhẹ nhàng, có khi nhắc lại một phần bài học của con ở lớp, có khi chỉ là rèn thói quen tối thiểu (như ăn xong thì đừng chỉ đứng dậy, ít nhất phải biết dọn dẹp phần bát đũa của mình để bỏ ra bồn rửa, cất ghế mình vừa ngồi - chuyện nhỏ nhưng nhiều người lớn cũng không làm được).

Chúng tôi cũng muốn nhắc bố mẹ, việc yêu lao động cần được trau dồi hàng ngày chứ không chỉ là hành động đột nhiên của một ngày duy nhất. Bé Đảm rất mong các bố mẹ tạo điều kiện để con được làm việc nhà, việc bếp núc nội trợ cùng bố mẹ mỗi ngày.

Thực tế, nhiều nhà bây giờ, con sáu tuổi vẫn há mỏ cho bố mẹ bón cơm; 9-10 tuổi vẫn chưa biết cầm cái chổi, bóc củ tỏi, nhặt cọng rau; 14-15 tuổi thì phụng phịu quăng ném mỗi khi phải vào bếp giúp mẹ; có gì đẹp đẹp ngon ngon thì con tranh trước; con tránh việc thật lực, nghiễm nhiên coi bố mẹ như thần đèn, cần gì muốn gì chỉ cần ra lệnh là được đáp ứng.

Một trong những lý do quan trọng dẫn đến thói ích kỷ của trẻ con, chính là chuyện lũ trẻ bây giờ không được tập quen với lao động. Có vất vả làm lụng, mới biết trân quý thành quả lao động của người khác, mới biết cảm thương khi người khác vất vả, biết xót xa để không phung phí, biết tự trọng để không ngửa tay nhận những trao tặng của người khác một cách tất nhiên và dễ dàng.

Lao động để tự mình chủ động với cuộc sống của chính mình, không nương dựa phụ thuộc như cây tầm gửi, để biết sống sẻ chia, khiêm nhường và kiêu hãnh. Mục đích của Bé Đảm thật đơn giản: thông qua những giờ học nấu ăn, những em bé của chúng tôi được nhen nhóm tình yêu với bếp núc và lòng ham thích lao động.

Khi khởi sự, Bé Đảm dự định chỉ mở lớp cho các bé gái, nhưng chúng tôi nhận ra con trai cũng cần học và biết việc bếp, để có thể tự lập (ít nhất tự nấu được cho mình ăn), để thấu hiểu và chia sẻ với những vất vả của phụ nữ trong nhà, để nam tính hơn khi sẵn ghé vai gánh vác với người đàn bà của mình.

Các bạn trai đến Bé Đảm thường băn khoăn “thế tụi con cũng đeo tạp dề hồng viền nơ ạ?!”. Cô giáo vui vẻ bảo bé: “Nam tính không ở việc các con mặc gì trên người, mà ở việc con sẵn lòng đỡ đần và chia sẻ công việc với người phụ nữ mình yêu thương”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI