“Nhà tiêu dùng” thông thái

01/01/2017 - 06:35

PNO - Trẻ thường có tâm lý tủi thân, ghen tỵ khi nhiều bạn được cha mẹ cho tiền đi học còn mình thì không. Nhiều trường hợp, cha mẹ không cho con tiền tiêu vặt đã gây ra những tình huống khó xử.

Trẻ thường có tâm lý tủi thân, ghen tỵ khi nhiều bạn được cha mẹ cho tiền đi học còn mình thì không. Nhiều trường hợp, cha mẹ không cho con tiền tiêu vặt đã gây ra những tình huống khó xử và vô tình khiến bé có những hành vi xấu.

Chị Thanh Vân (Q.1, TP.HCM) giáo dục con trai đang học lớp 2 rất nghiêm khắc, luôn theo dõi sát sao tình hình học tập và phát triển tâm lý của con. Để tránh con đua đòi hay dùng tiền sai mục đích, chẳng hạn đi chơi game, chị Vân tuyệt đối không cho con tiền khi đi học. Song, khó tránh khỏi những lúc con ngang bướng, đòi mẹ cho tiền ăn vặt vì hầu như bạn bè ai cũng có.

Giải pháp của chị là mua những loại bánh con thích, bỏ túi cho con mang đến trường. Có lần con chị xin tiền để đóng quỹ lớp, nước mắt ngắn dài khóc đòi mẹ vì “quê với bạn bè”. Các bạn không thấy con trai chị đóng tiền nên ra chơi xúm lại trêu chọc, cu cậu ấm ức về bắt đền mẹ: “Ngày mai mẹ phải cho con tiền”.

Chị Vân nói: “Tất cả tiền quỹ lớp của con, mẹ đều đóng trực tiếp cho cô rồi. Con còn nhỏ không nên cầm tiền lên lớp đâu”. Con trai hỏi tới: “Vậy tại sao các bạn con được ba mẹ cho tiền?”. Chị Vân không biết trả lời thế nào, nên mạnh giọng áp đảo khiến cu cậu sợ im thin thít.

“Nha tieu dung” thong thai

Bẵng đi một thời gian không nghe con nhắc chuyện tiền bạc, chị yên tâm. Nào ngờ, chị nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm về việc con trai mang một số tiền lớn đi học và báo mất với cô. Bỏ dở việc, chị chạy một mạch đến trường, thắc mắc, lo lắng không biết con lấy đâu ra số tiền 200.000đ đó.

Sau một hồi mẹ và cô “thẩm vấn”, cậu con mới khai lấy tiền của mẹ. Tuần trước, nghe cô thông báo sắp mở lớp học bơi ngoại khóa, con trai chị muốn tự đóng học phí nên thay vì nói với mẹ, đã lén lấy tiền nhét vào cuốn sách rồi bỏ quên ở hộc bàn.

Đồng nghiệp góp ý chị Vân nên dạy con cách quản lý, tiêu tiền và tiết kiệm tiền thay vì “cách ly” như lâu nay. Chị lên mạng tìm hiểu phương pháp dạy con của người Nhật và thực hiện theo. Mỗi ngày chị cho con 5.000đ để con tùy ý sử dụng. Chiều đi học về, chị hỏi han con đã tiêu tiền vào việc gì. Con trai chị phấn khích kể với mẹ trước giờ toàn các bạn mua bánh cho ăn, hôm nay con có tiền mua kẹo mời lại các bạn.

Có hôm con trai chị không mua gì, mang tiền về đưa mẹ, nói: “Con không mua gì hết, còn nguyên 5.000đ, góp tiền cho mẹ ngày mai đi chợ”. Chị nhận ra, ngăn cản con tiếp xúc với tiền là cách làm cũ rích. Không phải là tiền rất khó kiếm cần trân quý (dù nó đúng) mà nên khéo léo dạy con tiêu tiền đúng cách. Bởi cha mẹ càng nói về sự quý giá của đồng tiền càng khiến các con ham muốn.

Nếu tiền chỉ là một phương tiện, các con phải học cách điều khiển phương tiện ấy. Bên cạnh đó, chị còn dạy con cách giữ tiền để tránh trường hợp mất như lần trước. Trẻ không nên mang quá nhiều tiền đi học, điều này vừa tạo cho con tính tự kiêu, khoe khoang, vừa tự tạo cơ hội để các bạn nảy sinh lòng tham vì đối với trẻ ở tuổi này, các bé chưa ý thức được việc ăn cắp là xấu. Chị xác định rõ với con “quá nhiều tiền” là bao nhiêu.

Không nghiêm khắc như chị Vân, chị Thu Dung (TX Thuận An, Bình Dương) đã cho con tiền đi học ngay từ học kỳ II của lớp 1, mỗi ngày 2.000đ. Một lần, con gái chị đòi tự cầm tiền mua búp bê giá 40.000đ. Chị Dung vẫn đưa bé 2.000đ rồi nhẹ nhàng: “Mỗi ngày con chỉ có 2.000đ, nếu muốn mua món đồ đắt tiền thì con phải tự tiết kiệm để mua, sau 20 ngày con sẽ có đủ tiền mua đồ chơi đó”. Mặt bé bí xị nhưng đành phải nghe lời mẹ.

Sau nhiều ngày mong đợi, cô bé vui sướng có trong tay 40.000đ và được mẹ dẫn đến cửa hàng đồ chơi. Trên đường về, bé cứ ôm chầm búp bê, ca hát véo von và thỏ thẻ: “Em búp bê cưng ơi! Chị tiết kiệm tiền lâu lắm mới ẵm em về được nè. Chị cưng em lắm!”. Nghe con đả đớt với búp bê, chị Dung vui mừng vì đã bước đầu thành công trong việc vừa dạy con cách tiết kiệm tiền, vừa giúp con nâng cao ý thức giữ gìn, quý trọng những món đồ mình mua.

Không chỉ cho con tiền để hướng dẫn chúng cách sử dụng, nhiều phụ huynh còn khéo léo tạo điều kiện cho bé tự kiếm tiền bằng những việc làm nhỏ. Cứ nửa năm, cả nhà anh Nguyễn Minh Khang (Q.10, TP.HCM) lại tổng vệ sinh một lần.

Anh phân công nhiệm vụ cho hai con xếp giấy, báo đã sử dụng vào thùng để bán ve chai. Bán được bao nhiêu anh cho con bỏ heo đất. Heo được nuôi từ khi chị Bu sáu tuổi, em Xu bốn tuổi, mỗi lần cho heo ăn xong hai chị em lại vỗ mông con heo khoe với ba: “Heo béo núc rồi!”.

Bu, Xu rất quý con heo này vì trong đó không chỉ có tiền lì xì tết mà còn có tiền chị em được ba mẹ thưởng khi học giỏi, hoặc được trả công từ những lần nhổ tóc bạc cho ngoại. Cuối năm nay, ba sẽ “làm thịt” heo để mua cho hai chị em chiếc xe đạp mới. Anh Khang phấn chấn: “Từ ngày nuôi heo, hai chị em không đòi ăn quà vặt nhiều như trước, biết tiết kiệm tiền để bỏ heo và tự mua những món đồ mình thích”.

Nhiều phụ huynh thời nay đã xóa bỏ định kiến về việc cho con trẻ tiếp cận với tiền bạc. Chỉ cần cha mẹ giúp bé trang bị các kỹ năng cần thiết để tự bảo quản tiền, tiêu tiền bằng các hoạt động thực tiễn, tập làm “nhà tiêu dùng” thông thái thì các bé sẽ sớm xây dựng ý thức và trách nhiệm với đồng tiền của mình.

Kim Liên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI