Nhà nội ở quê

09/07/2016 - 14:04

PNO - Ba có khoảng thời gian đủ dài của tuổi thơ để chiêm nghiệm niềm vui đồng quê, nơi chỉ có con suối nhỏ vắt ngang cuối ruộng. Đó là những trưa mùa hạn, bà lội ruộng bắt cua, nướng ngay bờ suối...

Nha noi o que
Bé Lê Cư, con trai tác giả trong một lần lội ruộng quê nội

Nhà nội không gần sông, nhưng cuối ruộng của nội có dòng suối nhỏ. Mùa mưa nước suối dâng cao, cá từ suối bơi ngược dòng lên ruộng đẻ trứng, nở con, ăn phấn bông lúa rụng để lớn. Mùa khô, nước suối xuống thấp, cá bố, cá mẹ, cá anh, chị, em đua nhau theo con nước chảy xuôi từ ruộng về suối. Khi ấy, một số cá vướng lại ở chỗ trũng sâu mà không định được hướng nào có nước để tự vượt vũ môn cứu mình. Ở quê, đến mùa khô, khí trời se lạnh, sau mùa gặt lúa, là mùa đi tát cá trên đồng. Mùi rơm rạ đốt đồng chen lẫn mùi bùn mùa tát cá là thứ hương không lẫn vào đâu được.

Ba có khoảng thời gian đủ dài của tuổi thơ để chiêm nghiệm niềm vui đồng quê, nơi chỉ có con suối nhỏ vắt ngang cuối ruộng. Đó là những trưa mùa hạn, bà lội ruộng bắt cua, nướng ngay bờ suối. Mùi cua cháy khét xộc lên mũi cùng mùi ớt xanh rừng giã vội theo tỷ lệ bảy-ba với muối hột trắng tinh, mùi gió đồng luồn qua ruộng lúa đang mùa ngậm sữa khi trổ đòng đòng. Đó là những cơn mưa chiều kèm sấm chớp sợ đến tím người mà vẫn vắt vẻo trên ngọn cà na ven con suối, cố hái những chùm trái chua chua, chát chát… trong cơn mưa lạnh run.

Ba nhớ có lần các con về nội nhằm ngày con nước lớn. Khi ấy, buổi sáng mà cứ như hoàng hôn. Trời không ánh nắng, âm u như chực chờ cơn mưa bất ngờ. Gió riu riu, lành lạnh. Không phải bão, vì chẳng có mưa. Cũng không phải chiều, vì gà mới ra khỏi chuồng, còn đang vỗ cánh sảng khoái trước buổi tìm mồi. Những buổi sáng như vậy thật lạ lùng với con, nhưng đó là dịp để con trải nghiệm. Lần con đi tát cá với bà dưới suối chẳng hạn. Ba nhớ con cầm bọc trầu với giỏ đựng cá và một mo cơm. Bà xách gàu, quảy thêm cái cuốc và một cái thau to. Đầu bà quấn khăn rằn, lưng bà buộc sợi dây chuối, quần bà xắn ống thấp ống cao, lội bì bõm dưới con suối cuối ruộng lúa.

Nha noi o que
Bé Lê Cư cũng mò cua, bắt ốc như ai

Lần ấy, con về khoe với ba một “kinh nghiệm” rằng, mùa mưa, nước ở suối thường dâng cao ngang cổ, nhưng lúc ròng, nước chỉ còn trên mắt cá chân. Nước ít mà bùn nhiều. Thậm chí có chỗ toàn sình, không còn nước. Mỗi lần như vậy, cá lớn lại vùi xuống bùn, chui vào các hốc ven bờ. Cá nhỏ thì dồn nhau bơi ở chỗ còn nước. Khi tát cạn nước, con thấy cá nhỏ trước, vì chúng ở trên mặt sình, còn cá lớn chẳng thấy đâu, bởi chúng ranh ma hơn, nghe động đã vùi sâu xuống sình. Bài học về sự sinh tồn trong tự nhiên ấy, con không dễ tìm thấy ở nhà trường.

Về quê, con cũng thấy rất ít người đi chợ mua thức ăn. Vừa đi xa vừa tốn kém, trong khi như bà nói, chỉ cần chịu cực chút xíu là có đủ cá, cua, tôm, tép cho bữa cơm cả nhà. Lần nào theo bà xuống ruộng tát cá, bà cũng hái cho con những chùm cà na và nhắc chuyện hồi nhỏ ba bị kiến vàng cắn rơi xuống suối khi trèo cà na. Những chuyện về ba như vậy luôn làm con cười đến xì bong bóng mũi và cũng giúp con hình dung rõ hơn về tuổi thơ cơ cực của ba.

Nghỉ hè ở quê, các con luôn học được những điều tốt lành. Mỗi lần về quê không chỉ là cách trốn tránh phố thị ồn ào, xả bớt những căng thẳng, áp lực học hành mà còn là dịp để con có những kỷ niệm đẹp, những kỷ niệm mà sau này con lớn sẽ không bao giờ tìm thấy một cảm giác tương tự. Ba còn tin, tình cảm của các con đã có phần sâu lắng, có trách nhiệm với mọi chuyện xung quanh chứ không hời hợt, dửng dưng như người... ngoài hành tinh. Thậm chí, chỉ việc con quan sát con Mực của bà nội rồi ghi lại trong nhật ký cũng khiến ba mừng.

Con viết, lần nào bước vào cái sân gạch Tàu mà ông nội dành để phơi đậu, con Mực cũng nhảy xổ ra mừng. Và bao giờ cũng vậy, tiếp sau tiếng sủa của Mực là bà nội xuất hiện với bộ đồ bà ba quen thuộc kèm câu hỏi quen thuộc: “Sao về trưa vậy mấy đứa. Ra giếng tắm cho mát rồi vào ăn cơm!”. Chị em con có lần xin bà nội con Mực về nuôi, nhưng bà im lặng. Thì ra, con Mực và bà nội có mối dây tình cảm gắn bó đến thân thiết. Bà ra sau vườn làm cỏ đậu, Mực lẩn quẩn bên cạnh, thỉnh thoảng chạy đuổi những chú gà thích đánh chén hạt đậu tươi no tròn.

Nội ngồi làm cá, Mực nằm dán mõm sát đất, gầm gừ canh chú mèo ranh ma. Nội nằm võng, Mực nằm ngay dưới chân. Ngày nội bệnh nằm luôn trên giường, Mực như một vệ sĩ thực thụ, khi thì sủa cảnh cáo những con gà lén lút vào nhà mổ lúa, khi gầm gừ hăm dọa những đứa trẻ trộm táo, trộm sơ ri của ông. Khi ông ra ngoài, nó chạy lại giường bà chồm lên như báo cho bà biết, rồi ra ngoài nằm đợi ông về.

Bệnh của bà ngày một nặng, các con cũng về quê nhiều hơn. Mỗi lần về, con đều nhìn con Mực của nội bằng ánh mắt trìu mến. Và lần nào nó cũng chạy ra mừng, nhưng không còn vui như ngày trước. Đuôi nó cũng vẫy, nhưng không tíu tít như ngày nội còn khỏe. Bộ lông đen mướt của nó đã lốm đốm bạc. Mũi nó không còn ướt như ngày xưa. Càng có nhiều người đến thăm nội, nó càng nép sát vào góc giường và lặng lẽ. Mực cũng đã đi theo nội, sau khi bà mất ba tuần. Ba tin, tình cảm con Mực dành cho bà, đã ít nhiều ảnh hưởng đến tình cảm của con dành cho ông bà.

Đã nhiều năm nay, cái sân lát gạch Tàu nhà nội đã không còn bóng dáng con Mực nhảy xổ ra và quẫy đuôi mừng mỗi lần con về. Không còn ông nội dẫn con ra đồng bắt dế, chỉ cho con cách phân biệt dế trống, dế mái, dế lửa, dế than, dế cơm, dế mọi. Không còn bà nội dạy con cách hái lá trầu xanh, cách bổ quả cau già… nhưng nhà nội ở quê mãi mãi là chốn con cần phải quay về để hiểu thêm tại sao “uống nước thì phải nhớ nguồn”.

Đặng Minh (lớp 1, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú):

Nha noi o que

“Quê con không có đồng ruộng, nên mùa hè mẹ thường cho con đi chơi ở những vùng quê. Lần đầu được ngả lên đống rơm, con bất ngờ vì sao trông nó xù xì mà êm thế. Con còn muốn mẹ mang rơm về nhà làm một cái đệm để nằm cho đã. Quanh đống rơm có rất nhiều cây lúa con con. Mẹ giải thích đó là những gạo lúa sót lại trong sợi rơm. chúng rơi vãi, gặp mưa thì mọc lên thành cây. Mẹ cũng nói cho con từ đâu mà có hạt gạo con ăn. Là vì mỗi cây lúa mọc lên, có bông, tạo thành nhiều thật nhiều hạt. Bác nông dân cắt lúa về, tróc vỏ nó ra rồi mới thành gạo để nấu cơm. Con thấy thật thú vị, thật vui”.

Trần Võ Sơn An (5 tuổi, Q.7, TP.HCM):

Nha noi o que

Hè nào ba cũng cho em về quê nội một tháng. Em được chơi với chó con, vịt con, gà con, chơi với ông bà nội, ông cố nữa. Ông cố em già thiệt già, ba “biểu” ông đã 96 tuổi rồi, nhưng ông thương em lắm, ông hái mít, bẻ chuối, hái vú sữa cho em ăn. Về quê em còn được dịp gặp mấy anh chị họ. Anh chị ai cũng cưng em nhất nhà, nhường bánh, trái cây, đút em ăn và ôm em rất chặt nữa.

Nguyễn Cao Minh Trí (8 tuổi, Q.2, TP.HCM):

Nha noi o que

Quê nội em đẹp lắm, ba nói đó là nơi người ta làm phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của chú nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng em ít được về quê lắm. Ba nói, các bạn em sinh ra và lớn lên ở quê nên biết chỗ nào an toàn chỗ nào nguy hiểm. Ba kêu quê nội nhiều ao hồ, sông suối, giếng nước không an toàn với trẻ em. Lại thêm, người ta vừa làm một con đường ngang qua nhà nội, xe cộ qua lại nhiều nên ba không an tâm gửi em về nghỉ hè. Chỉ có tết ba mẹ mới đưa em về thôi. Ước gì ba tin tưởng em hơn, ước gì ba có nhiều thời gian dạy em bơi, dạy em tránh nguy hiểm... em sẽ xin ba cho về nội cả mùa hè luôn.

Khánh Chân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI