Người thầy đầu tiên

27/03/2013 - 17:00

PNO - PN - Tôi là con út trong một gia đình có bốn anh chị em. Mẹ mất khi tôi mới lọt lòng. Cha tôi “gà trống nuôi con”. Ông làm đủ công việc, xoay như chong chóng…

Thấy con rể vất vả, bà ngoại bắt cha tôi đi bước nữa. Rồi một ngày có người đàn bà tới ở nhà tôi. Cha gọi các con tới rồi nhìn người đàn bà nói: “Đây là dì của các con”. Không hiểu sao ngày đó người ta nghĩ xấu về dì ghẻ lắm. Tôi đi đến đâu cũng có người hỏi, nhất là bà ngoại: “Dì ghẻ có cho ăn no không? Có đánh đau không?”. Tôi kể lại cho cha nghe. Cha ngồi im, nét mặt đượm buồn, hỏi tôi: “Con thấy dì có bỏ đói con không? Dì có đánh không?”. Tôi lắc đầu. “Thế thì từ nay ai hỏi, con cứ trả lời là không, đừng bao giờ nói oan cho người khác, nghe chưa!”. Đây chính là bài học đầu tiên cha dạy tôi tính chân thật và sự công bằng.

Nguoi thay dau tien

Cha tôi (ngồi giữa) là người thầy đầu tiên dạy tôi về nhân cách sống

Một lần tôi bị điểm 2 môn tập viết, liền bị dì mắng, không ngờ lời mắng của dì tới tai bà ngoại, bà ngoại đùng đùng tới nhà chửi dì té tát. Rồi ngoại nói với cha tôi như ra lệnh: “Mày bỏ quách con này đi!”. Cha tôi im lặng, trông thật tội nghiệp. Mẹ kế tôi không biết chữ. Bà ngoại chửi thậm tệ thế mà dì vẫn chịu đựng, cặm cụi với công việc. Nấu cơm xong, dì dọn mâm ra, rồi giục tôi: “Ăn nhiều vào cho chóng lớn, người cứ như que tăm!”. Mẹ kế chăm chút cho tôi từng miếng ăn, trong khi tôi chẳng ưa gì bà. Như đọc được suy nghĩ của tôi, cha kéo tôi lại và hỏi: “Con có bao giờ thấy bá (bác) Tiếp đánh anh Ngọ không?”. Bá Tiếp là chị dâu của cha tôi, Ngọ là con của bá. Tôi trả lời: “Con thấy nhiều lần bá Tiếp đánh anh Ngọ, nổi lằn ở chân tay, rồi trói anh ấy vào cây xoan”. “Thế con có biết tại sao bá Tiếp lại đánh chửi anh Ngọ không?”. “Vì anh Ngọ lười học, đã thế lại thả trâu ăn lúa nhà người ta”. “Theo con bá Tiếp có thương anh Ngọ không?”. “Thương chứ, con thấy lần anh Ngọ ốm, bá Tiếp luộc cho anh Ngọ mấy quả trứng gà, rồi còn ngồi quạt cho anh ấy ngủ”. “Thế dì có thương con không?”. Tôi trả lời tỉnh bơ: “Không!”. “Không thương sao bắt con học, bắt con phải ăn nhiều cho chóng lớn?”. Tôi ngỡ ngàng, rồi nói lí nhí: “Dì có thương con ạ!”. “Đúng rồi, dì rất thương con!”. Và, đây cũng là lần đầu tiên tôi học được ở cha cách nhận biết một tấm lòng.

Cha tôi dạy con và dạy vợ với thái độ rất nhẹ nhàng, luôn gắn liền với thực tế. Tôi nghe cha nói chuyện với dì: “Người đời thường nói dì ghẻ chẳng thương con chồng, nhưng bà đừng có chấp câu đó, cây ngay không sợ chết đứng. Mình thương con rồi con sẽ thương mình!”. “Ừ!” - mẹ kế trả lời cộc lốc. Trong trái tim tôi, cha là người thầy đầu tiên dạy tôi về nhân cách sống. Cha có thể bỏ hàng giờ chuyện trò với các con, giải thích cho các con từng câu ca dao tục ngữ, cách cư xử với xóm giềng. Cha là người biết nén đau thương, chịu đựng, biết mong chờ. Cha dạy các con tính kiên trì nhẫn nại, lạc quan, đức tính khiêm tốn và sự tự chủ. Sau khi rời chiến trường Quảng Trị ác liệt năm 1972, do vết thương quá nặng, nghe lời cha, tôi tiếp tục học tập, tốt nghiệp đại học, đi dạy. Một thời gian sau vết thương tái phát, cộng với bệnh tim, tôi phải mổ tới hai lần. Cha từng đến bên tôi an ủi: “Hãy gắng lên, mẹ sẽ phù hộ cho con!”.

Đức tính của cha đã ngấm vào tôi, để mỗi khi gặp khó khăn tôi tự biết phải vươn lên. Cha tôi đã qua đời, nhưng tâm hồn cha mãi mãi bên tôi. Còn mẹ kế đã 95 tuổi, nhưng bà vẫn còn khỏe mạnh. Bà là một phụ nữ tuyệt vời, biết nghe lời khuyên răn của chồng, thương yêu con chồng hơn chính bản thân mình.

Noi gương cha, tôi đã dạy các con rằng: Đừng để cho những nhỏ nhoi, ích kỷ ngự trị trong đầu; lòng vị tha cởi mở, đức hy sinh sẽ đem lại nhiều niềm vui.

Đào Sĩ Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI