Người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng: Nẻo về cần những vòng tay

07/10/2014 - 11:30

PNO - PN - “Có 76% người tái hòa nhập nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ gia đình, người thân” là thông tin từ kết quả khảo sát mới đây của Công an Q.8, TP.HCM. Nhiều người được tiếp sức sau những tháng ngày lầm lạc. Tình cảm,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nguoi hoan luong tai hoa nhap cong dong:  Neo ve can nhung vong tay

Anh Nguyễn Đức Dưỡng khởi động một ngày mới

Gập ghềnh mẹ dắt…

Giây phút tòa tuyên bị cáo Nguyễn Mỹ Hạ (Q.8, TP.HCM) thoát khỏi án tử, từ vành móng ngựa, quay lại hàng ghế phía sau, Hạ thấy mẹ òa khóc như một đứa trẻ, và mẹ cũng òa khóc như thế khi đón chị từ trại về nhà. Nhờ sự động viên của mẹ, chị Hạ đã cải tạo tốt, rút ngắn thời gian thụ án từ chung thân xuống còn 13 năm. Sợ chị sốc khi trở về vì cha đã qua đời sau cơn bạo bệnh, người yêu đã đi lấy vợ, trước khi chị ra tù, mẹ gửi chị lá thư thể hiện niềm mong mỏi ngày đoàn viên, đồng thời cũng gợi ý một số khó khăn chị sẽ phải đối mặt. “Dù thế nào, con cũng phải luôn nhớ bên cạnh con còn có mẹ” - bà nhắc đi nhắc lại lời này trong mỗi cánh thư.

Trở về, trước những cái lắc đầu của nhiều nhà tuyển dụng, Mỹ Hạ vẫn kiên trì tìm việc. Đến khi hồ sơ đã nộp lên đến con số 10, chị chạy về nhà, gục mặt khóc thì đôi tay gầy guộc, thô sạm quen thuộc của mẹ lại đặt lên vai chị. “Những lúc khó khăn nhất, tôi đều nhớ hình ảnh khóc òa như trẻ con của mẹ, nhớ những lời động viên, nhớ hơi ấm bàn tay mẹ để cố gắng phấn đấu, không làm mẹ buồn phiền thêm nữa. Không hình dung tôi sẽ trở về như thế nào nếu không có mẹ. Chắc mẹ sợ cuộc sống thắt ngặt khiến tôi có thể cùng quẫn mà quay lại đường cũ nên dù tiền lời buôn bán ít ỏi, dù có phải nhịn ăn nhịn mặc, mẹ vẫn lo cho tôi no đủ” - chị Hạ bùi ngùi. Mới đây, chị Hạ may mắn có được công việc may quần áo cũng nhờ mẹ chị vận động, năn nỉ người bạn nhận chị vào làm. Tóc bạc, dáng liêu xiêu, nhưng một lần nữa trên đường đời, mẹ lại dắt con đi…

Vui mừng vì được đặc xá, giảm thời gian thi hành án, nhưng ngày ra tù, anh Nguyễn Minh Tân (tỉnh Bình Dương) lại xin cán bộ trại giam cho... ở lại vì không biết về đâu khi bên ngoài chẳng còn người thân, nhà cửa. Mồ côi cha từ thuở trong thai, anh được mẹ chắt chiu nuôi ăn học. Năm 22 tuổi, anh trở thành giáo viên một trường tiểu học, thế nhưng nụ cười mãn nguyện chưa kịp nở trên môi người mẹ thì anh bị bắt, mang án tù chung thân với tội hiếp dâm trẻ em, nạn nhân chính là học trò của anh. Sau ngày Tân bị bắt, mẹ anh lâm trọng bệnh, qua đời. Dù mẹ không còn nhưng ánh mắt mong mỏi, lời động viên “ráng cải tạo tốt để về với mẹ” luôn hiện diện trong anh, tiếp thêm động lực để anh răn mình, từng ngày bước qua quá khứ đen tối.

Tù “mồ côi” mà đời cũng “mồ côi”, sau khi trình diện chính quyền địa phương, với thái độ dè dặt, anh Tân tìm đến nhà ông Đinh Quốc An, hiệu trưởng của trường anh dạy trước đây. Sau phút giây ngỡ ngàng, ông An cũng nhận ra anh. Không như anh Tân lo lắng, ông An mừng rỡ, ân cần thăm hỏi. Biết anh không còn chỗ để ở, ông An cho anh tá túc trong nhà. Bỏ ngoài tai những lời hàng xóm xì xào bàn tán, ông An động viên, an ủi và giúp anh tìm việc làm. Được một thời gian, anh dần lấy được thiện cảm của mọi người xung quanh. Thấy anh siêng năng, chịu khó, nhiều gia đình đã thuê anh làm công nhật. Nhằm giúp anh Tân có cơ hội làm lại cuộc đời, gia đình ông An còn bảo lãnh cho anh nhập hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân. Nhờ vậy mà anh Tân đã tìm được việc làm ổn định tại một cơ sở thu mua tôm, bắt nhịp lại với cuộc sống ở tuổi gần 40. Anh Tân xúc động: “Dù không ruột rà máu mủ, vợ chồng anh An đã sẵn lòng bảo bọc tôi. Như người mẹ, người cha thứ hai, anh chị đã sinh tôi ra thêm lần nữa. Không có ân nghĩa cưu mang ấy trong những ngày đầu mới ra tù, có lẽ tôi đã đến chùa quy y hoặc tìm tới cái chết vì quá bế tắc và mặc cảm về lỗi lầm của mình”.

Yêu thương đẩy lùi bóng tối

Ngồi trong nhà hàng khang trang với hàng ngàn thực khách trên đường Tân Sơn (Q.12, TP.HCM), khó tưởng tượng nổi 17 năm trước, chủ nhân nhà hàng lại là một thanh niên tay trắng, bước ra từ trại giam Chí Hòa với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Vừa khai trương thêm quán lẩu dê trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, P.Tân Chánh Hiệp (Q.12), thương hiệu Đức Dưỡng của anh Nguyễn Đức Dưỡng hiện có gần 30 nhà hàng, quán ăn khắp ba miền trên toàn quốc. Điều quan trọng nhất khiến anh tự hào là hai người con ngoan hiền, hiếu thảo, đang là sinh viên ngành luật và môi trường. Những lời tốt đẹp, anh Đức Dưỡng dành hết cho bà xã Đào Thị Tiến, người vợ thủy chung, nhẫn nại, chịu thương chịu khó đã cùng anh gian nan vượt ải.

Thời gian thụ án, không tuần nào anh vắng chị. Khi thì chị giở theo cà mèn cơm cá trê kho, thịt kho cho chồng, lúc thì trái cây, quà bánh gửi thân nhân khác đem vào giúp khi chị bận việc. Thương chị một nách hai con trong cảnh ở trọ với đồng lương công nhân ít ỏi, bố mẹ anh ở miền Bắc đã sắp xếp đưa hai cháu về quê, cho ăn học. Sự trống vắng đặt ra cho chị một thử thách khác, niềm tin về tình yêu. Anh Đức Dưỡng chia sẻ: “Tâm lý người tù rất hoang mang, chán nản, nghi ngại khi hàng ngày nghe phạm nhân này bị “cắm sừng”, phạm nhân kia bị vợ bỏ… Hiểu tính vợ và hàng tuần đều gặp mặt, thấy được thái độ của vợ luôn ngọt ngào, ân cần, tôi cố gắng giữ vững lập trường, không nghe người khác tác động”.

Thời gian thụ án gần hai năm quá đủ để anh hiểu được giá trị của gia đình, quyết phấn đấu làm ăn, gầy dựng sự nghiệp, lo cho các con. Hằng đêm, vợ chồng anh luôn tỉ tê, bảo ban nhau, chia sẻ khó khăn trong khúc quanh khắc nghiệt của những ngày đầu khởi nghiệp. Rất may, người bỏ mối hàng ở Q.2 (TP.HCM) đã chấp nhận bán thiếu, giúp anh xoay đồng vốn. Khi đã khá giả, anh chị lại dang tay giúp đỡ những người đồng cảnh khổ như mình ngày xưa, cho mượn vốn để nhiều người khởi nghiệp kinh doanh.

Đọc câu thơ được viết theo kiểu thư pháp treo trang trọng ở sảnh của nhà hàng “Bản lĩnh tài năng nên sự nghiệp/nhân hòa đức độ tạo thành công”, anh Dưỡng hài lòng với cuộc sống hiện tại, hãnh diện về bản thân nhưng không quên công ơn của vợ. Anh nói: “Những gì đã trải qua dạy tôi chín chắn và biết “đủ”. Vì tôi nợ vợ quá nhiều nên luôn cố gắng giữ mình. Không ai bằng vợ. Người bạn gái có thể đến với người đàn ông thành đạt nhưng chỉ lúc vui, chỉ là hương thơm thoảng qua, còn bạn đời mới là người luôn kề cận, chia ngọt sẻ bùi”. Tiếp xúc với chị Tiến, tưởng chị sẽ kể hành trình vất vả của mình trong 20 năm cùng chồng lội ngược dòng số phận, nhưng không… “Mình là vợ, phải làm vậy thôi; tất cả vì các con” - chị cười thật hiền, ngập ngừng nói.

 DIỆU HIỀN - LINH GIANG

(*) Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu

Phong trào toàn dân bảo vệ, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ đối tượng tái hòa nhập cộng đồng (mô hình 5 + 1) khởi phát tại Q.10, TP.HCM đã đem lại nhiều cơ hội vực dậy cuộc sống cho nhiều người nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa Công an, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh... dưới sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc. Trong đó, gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nếu được gia đình cảm thông, tiếp sức, nâng đỡ thì chắc chắn người hoàn lương chuyển biến tốt. Khi gia đình vui vầy, ấm áp, các thành viên đều muốn đi về; ngược lại, khi gia đình là “lò lửa”, là “ngục tù thứ hai” với sự mạt sát, chỉ trích, trách móc, khắt khe thường trực thì người hoàn lương sẽ tự buông mình ra xã hội và dễ sa ngã vì chưa có định hướng đúng. Nếu gia đình hợp tác tốt với chính quyền, đoàn thể; nếu gia đình nhận ra chính mình cũng có một phần lỗi trong chuyện người thân lỡ bước sa chân, từ đó mà có sự xoay chuyển tích cực thì người hoàn lương sẽ có nhiều cơ hội khi trở về.

Bà Dương Thị Điệp (Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Q.10, TP.HCM - tổ trưởng tổ mô hình 5+1)

“Khi cùng đường, người hoàn lương tìm đến mình tức là họ tin tưởng mình và họ cần tiếp lửa để thắp lại khát vọng sống. “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, quá khứ đã qua thì hãy cho nó qua. Hơn nữa họ cũng đã đền tội rồi, không thể vì vết trầy trong quá khứ mà vùi dập cả cuộc đời còn lại của họ. Hãy cho họ cơ hội để chuộc lại lỗi lầm!”.

 Thầy giáo Đinh Quốc An (Bình Dương)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI