Người giữ trẻ - cần lắm, nhưng...

21/03/2016 - 09:27

PNO - Bốn-năm năm không phải là quá nhiều cho việc kiếm tiền, nhưng quãng thời gian ấy rất quan trọng với sự phát triển của một đứa trẻ.

Bao nhiêu người bàng hoàng trước chuyện một cô trông trẻ chặt đầu trẻ xách đi ngoài đường ở Nga. Từ chuyện xa, nghĩ chuyện gần. Hàng ngày vào facebook, bạn vẫn đọc được những status “rên rỉ, vật nài” của các bà mẹ trẻ về việc cần người giữ trẻ. Tiêu chuẩn đưa ra thường là: sạch sẽ, cẩn thận, có kinh nghiệm giữ trẻ. Trong những nhu cầu vô cùng cấp bách để mau chóng đi làm kiếm tiền mua sữa mua tã cho con, các bà mẹ chấp nhận những nguồn cung người giúp việc hay bảo mẫu rất mơ hồ.

Ở nhiều gia đình, ngoài mảnh giấy chứng minh nhân dân, hay tệ hơn chỉ là tờ photocopy chứng minh nhân dân nhá nhem, người ta chẳng biết gì mấy về người giữ con của mình. Cô ấy, cái người hàng ngày bế con họ, đút cho con họ ăn, ôm khi con họ ngủ và chơi đùa khi con họ thức, dỗ dành khi con họ khóc, có khi chỉ là một người được bà này, cô kia, chị nọ giới thiệu.

Có nghĩa là đã qua đến hai, ba tầng trung gian mà rồi có khi người giới thiệu chỉ nói được mơ hồ: ờ, cô ấy từng làm cho cô em cháu cô bạn, con ông chú gì đó của em… Mọi sự đánh giá về người giúp việc chỉ thông qua cảm giác ban đầu khi người đó tới nhà với chiếc giỏ xách quần áo: nhìn cô ấy có vẻ hiền lành, sạch sẽ, thôi cứ thử xem sao. Trong khi cái vẻ hiền lành, sạch sẽ đó không khó để ngụy tạo.

Nguoi giu tre - can lam, nhung...
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Không nói đến những chuyện kinh khủng như bắt cóc, chỉ nói những chuyện nhỏ khiến người ta phải dè chừng, cẩn thận hơn với việc thuê người giữ trẻ. Có biết bao nhiêu clip quay được trên mạng hình ảnh những đứa trẻ chưa biết nói, chưa biết mách mẹ cha, bị đánh dã man bởi những người trông trẻ độc ác. Họ biết cách chụm bàn tay mà đánh, dùng tờ báo cuộn lạ i mà đánh, đánh sao cho không có dấu tích. Mà có dấu tích đôi khi cũng chả sao, vì chuyện nói đứa bé vấp đây, té ghế, có gì mà khó. Có tưởng tượng giỏi tới mấy, cha mẹ cháu bé ở Bình Thuận cũng không nghĩ ra cảnh con mình bị người giúp việc túm chân xách ngược lên mà quay vòng vòng.

Hình thức “tra tấn” này quả là mới mẻ, bất ngờ với nhiều phụ huynh, dù họ đã từng xem những video xô đẩy, bạt tai, nhéo chân trẻ vô cùng dã man của những người giúp việc.

Không ít bố mẹ, giống như gia đình cháu bé trên, cũng thấy con mình bỏ ăn hay khóc lóc, thậm chí có dấu vết bầm tím, mà rồi cuối cùng đành im lặng, chỉ vì họ quá cần người giữ con, chẳng dám hạch hỏi, tra xét. Hạch hỏi quá, nhỡ họ tự ái bỏ việc thì sao? Thế là những đứa trẻ tiếp tụ c bị hành hạ, bị đánh, bị tọng thức ăn vào miệng, bị quát tháo, xô đẩy.

Có những gia đình may mắn khi gặp được người giúp việc xởi lởi, yêu quý con trẻ, nhưng cũng không thiếu những người trông trẻ nói năng, cư xử bất ổn. Chị Hoàng Nhi (nhân viên văn phòng) sau một thời gian giao con cho người giúp việc đã khổ sở uốn nắn lại con những lời nói thô tục, thói quen lấy tay chùi mũi rồi bôi vào quần, thói quen ăn uống ồn ào rồi uống coca để ợ cho thật to…

Dù bực mình đến mấy, chị cũng đành phải thừa nhận: “Lỗi là ở mình. Trẻ bắt chước mọi điều ở người thân, gần nhất với mình mà. Còn mình thì tin tưởng giao con cho họ. Họ cũng đâu thể dễ dàng thay đổi thói quen để trở thành một người thông minh, tinh tế, lịch duyệt. Và như vậy, nếu bạn đã chấp nhận họ ở những tiêu chuẩn tối thiểu, để mong được rảnh tay, rảnh chân đi làm kiếm tiền, bạn cũng phải chấp nhận rằng con mình sẽ bị áp thêm một tầng văn hóa khác vào quá trình lớn khôn”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI