Ngày quốc tế người cao tuổi 1/10: "Con tàu đắm"

01/10/2014 - 17:17

PNO - PN - Chiều nay, sau giờ làm tôi qua thăm mẹ. Vừa vào đến sân đã nghe nhỏ em gái quát mẹ sa sả “con đã nói mẹ bao nhiêu lần rồi, ăn uống phải cẩn thận chứ vương vãi vậy ai sức đâu mà hầu”, “con có việc của con, mẹ đừng làm...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi như chôn chân ở sân. Em gái mình hỗn với mẹ quá, nhưng bao lần em gái đã hỏi ngược lại rằng “anh giỏi sao anh không rước mẹ về mà nuôi?”, có lẽ nhiều khi em vất vả quá trong việc chăm sóc mẹ nên nổi cáu. Ngược lại, mẹ cũng đổi tính đổi nết, khó chiều lắm. Nhà văn Pháp - Chateaubriand - từng nói: “Người già như con tàu đắm”. Lòng hiếu thảo thì hầu như ai cũng có, nhưng phải hiểu biết thế nào, có kỹ năng ra sao để nương theo, nâng đỡ “con tàu đắm” ấy?

Ngay quoc te nguoi cao tuoi 1/10:

Trở gió!

Mẹ tôi 75 tuổi, sức khỏe đã yếu nhiều. Cả một đời mẹ vất vả nuôi năm đứa con ăn học. Đứa em gái kế của tôi hay càm ràm, kiểu “em thấy ngày xưa mẹ dễ thương lắm, mẹ ít nói, chỉ làm, không trách con cái điều gì cả. Mẹ có đau, có buồn cũng giấu các con. Sao bây giờ mẹ khó tính quá, đụng một chút là hờn mát, trách móc. Mẹ cứ như vậy, ai sống được với mẹ đây?”. Nhiều lần tôi phải lên tiếng uốn nắn cách suy nghĩ ấy của các em, nhưng một đôi bữa là lại “có chuyện”. Mà có gì to tát đâu, toàn những “chuyện vặt” của người già. Mỗi lần có khách đến nhà chơi, mẹ tôi hào hứng “túm” lấy khách, kể chuyện trên trời dưới đất. Ngày xưa bác thế này, ngày xưa bác thế nọ, các con bác giỏi lắm, đứa này làm chức này, đứa nọ làm chức kia, và kết thúc bài trò chuyện thường là đôi dòng nước mắt lăn ra với câu cảm thán “nghĩ buồn lắm, mình nuôi chúng nó thành người, giờ chúng nó bỏ bê, từ sáng đến giờ có hột cơm nào vô bụng đâu”. Cô em gái thứ tư trong nhà, nghe mẹ than với khách như vậy là nổi điên, chờ khách về là gào ầm lên, đòi “trả mẹ” qua nhà khác.

Nhà năm anh em, hai đứa ở xa, ba đứa ở Sài Gòn, thay phiên nhau chăm mẹ. Bị cô Tư gây, mẹ lại khăn gói qua cô Ba, hờn cô Ba, mẹ lại qua con cả.

Một buổi tối, ra đóng cửa đi ngủ, thấy mẹ đứng trước hiên, mếu máo: “Mẹ không ở với con Ba nữa, nó tệ với mẹ quá”. Đưa mẹ vào nhà, sau một hồi dỗ dành thì bà nói: “Mẹ uống lộn thuốc, có vậy thôi mà nó dám nói mẹ là “muốn chết hay sao mà uống thuốc kiểu đó”. Nó muốn mẹ nó chết à?”. Biết tính hay hờn của mẹ, tôi ra sức “vuốt” và dỗ cho mẹ qua “cơn”. Nhưng ở với tôi được dăm bữa, mẹ lại đòi đi. Lý do? Con dâu hắt hủi mẹ. Chuyện là, mẹ sợ phí tiền điện, tiền nước nên không dùng máy giặt mà tự tay vò quần áo của mình. Tay người già yếu, vắt không khô, đồ lại phơi trong nhà nên nước chảy ướt hết cả sàn. Con dâu bảo “mẹ cứ để đó con giặt cho, mẹ ngồi xem ti vi là được rồi, không cần mẹ phải đụng tay đụng chân vào mấy việc này”. Vậy thôi mà mẹ hờn, bảo “con dâu khinh thường mẹ, coi mẹ như kẻ vô dụng”. Mẹ dứt khoát đòi đi, trở về nhà con gái thứ ba. Mẹ đã “giáp vòng di cư” như vậy được hai lần rồi, nhưng các con chẳng biết làm sao.

Có hôm, tôi đang đi công tác, em gái gọi điện thoại: “Anh về đưa mẹ đi bệnh viện, mẹ bỏ ăn gần hai ngày rồi, nhưng nhất quyết không đi khám bệnh, còn nói là “mẹ tự hào vì ngoài 70 tuổi vẫn không làm phiền con cái, không mượn đứa nào bỏ công đưa mẹ vào viện. Trong nhà, mẹ nghe lời anh nhất, anh về đi”. Tôi lại cố gắng thu xếp để về đưa mẹ đi khám bệnh.

Cần cái tình hơn cái lý

Vì sao trong năm đứa con, mẹ tin tưởng tôi nhất? Bởi tôi chiều mẹ nhất, chiều như chiều trẻ con. Tôi thường nói với các em rằng, mẹ đã hy sinh, thua thiệt cả đời vì các con rồi. Bây giờ, đừng đấu lý với mẹ nữa, tranh cãi đúng- sai với mẹ để làm gì? Thiệt hơn với mẹ để được gì? Quan trọng nhất là cùng chung tay tạo cho mẹ không gian sống thoải mái, vui vẻ.

Mẹ thích ăn phở bò tái, nhưng cô em thứ ba trong nhà nhất định cấm, cho rằng ăn tái không tốt. Nhưng mua phở bò chín về là mẹ đụng đũa cho có rồi bỏ ngang. Biết là phở tái không tốt cho người già, nhưng khi mẹ được ăn phở tái, nét mặt hào hứng, tươi vui hẳn lên, ăn hết tô phở. Còn với tô phở chín, mẹ để nguyên đó, vừa phí phạm, vừa ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần của mẹ, chọn phương án nào hơn? Cô em vẫn khăng khăng: vấn đề là làm sao để mẹ ăn phở chín vẫn thấy ngon và bỏ thói quen ăn phở tái. Tôi hỏi ngược lại “em có thể bỏ thói quen ăn uống của mình không? Em chỉ thích ăn phở, còn hủ tíu thì em có bao giờ đụng đũa. Vậy giờ em tập ăn hủ tíu xem có được không? Em tưởng thay đổi thói quen ăn uống dễ lắm à?”. Nói đến đó, em gái mới thôi.

Mẹ vẫn giữ thói quen giặt đồ bằng tay và mỗi lần phơi là mỗi lần để nước ướt sàn. Tôi đã thuyết phục vợ mình rằng, phải làm quen với việc mẹ phơi đồ “kiểu đó”. Bởi, đó là việc “khác người” nhưng không gây hại gì nhiều, người trẻ hy sinh để chịu đựng một chút cho người già vui, đâu có gì ghê gớm.

Bây giờ, tuổi mẹ càng cao, “tật” của mẹ càng nhiều. Nhưng mỗi lần xảy ra chuyện mâu thuẫn, phiền hà, anh em chúng tôi xác định phải nhún nhường và chiều chuộng mẹ trước. Tôi biết, không riêng mẹ mình trái tính trái nết khi về già, mà đa số người già đều như vậy. Mới đây, báo chí đưa tin một cụ già lang thang đi ăn xin, dù các con đều nhà cao cửa rộng. Chẳng phải các con không nuôi cụ, mà đơn giản là các con không biết cách chiều chuộng cụ, để cụ tự ái. Còn bao nhiêu người già giận con cái, “từ” con cái? Con cái cứ tranh cãi thiệt hơn với cha mẹ già, liệu đến khi cha mẹ giận dỗi bỏ đi, cái đúng về lý của những người con có còn đúng?

Những người con còn trẻ sẽ không hiểu hết được cảm giác, tâm tư, nguyện vọng của cha mẹ già. Tôi thường thử đặt mình vào vị trí của mẹ tôi, một “con tàu đắm” để hình dung phần nào. Tỷ lệ người cao tuổi có bệnh khá cao: 43,6% bệnh xương khớp, 18,25% bệnh tiêu hóa, 19,3% bệnh phổi, 18,52% bệnh tim mạch… Ngoài ra, còn rất nhiều bệnh khác như giảm thị lực, thính lực, răng yếu… Một người suy giảm thể lực, già nua về ngoại hình, lại ít được quan tâm, xảy ra việc tủi thân hay hờn dỗi là bình thường. Thậm chí, người già dễ trở về tính cách của trẻ con: hay khóc, thích làm nũng, thường xuyên giận hờn. Nếu nhìn theo cách tiêu cực, người già dễ nghĩ mình là gánh nặng của xã hội, và thấy rất bế tắc trong cuộc sống. Chỉ khi con cháu hiểu thấu thì mới cảm thông được.

Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, người già cũng cần thông cảm ngược lại cho con cái, bởi một lẽ đơn giản: con cái còn bận rộn mưu sinh nên khó chu toàn, khó chiều chuộng cha mẹ già mọi lúc mọi nơi được. Ấy là đối với những người già còn minh mẫn. Còn đối với người như mẹ tôi, đã nhớ nhớ quên quên, lẫn đủ điều, tôi vui vẻ để thấy nét dỗi hờn, sự cau có của mẹ thật dễ thương, như cách tôi nhìn một đứa trẻ vậy.

 Đại Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI