Nâng con lên!

08/11/2014 - 12:01

PNO - PN - Bé gái đã lên lớp 1 nhưng không dám làm quen với bạn mới. Bé trai bốn tuổi mà thấy chiếc cầu tuột thì mếu máo. Rất nhiều em bé nhút nhát, hay sợ hãi, không dám khám phá điều mới mẻ. “Hãy bắt đầu dạy con trẻ sự tự tin,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nang con len!

1. Khuyến khích con bằng hoạt động tích cực

Ý thức về sự dũng cảm của trẻ phụ thuộc vào tình huống cụ thể. “Nhiều trẻ em núp sau lưng mẹ, ôm cứng chân bố khi thấy người lạ, nhưng lại có thể lập tức cưỡi chiếc xe trượt scooter không chút sợ hãi", tiến sĩ Susan Davis (Mỹ), đồng tác giả cuốn sách Raising Children Who Soar (tạm dịch: Nâng trẻ bay cao) cho biết.

Theo Susan, bản chất của trẻ em là thích khám phá thế giới xung quanh. Vì vậy, bố mẹ hãy giúp con bằng những hành động tích cực vào những tình huống cụ thể. Ví dụ, biết con nhút nhát không muốn gặp người lạ, trước khi gặp ai đó, hãy cho con thấy hoạt động điều thú vị: “Hôm nay mình đến nhà bác Tư, nhà bác ấy có chú cún nhanh nhẹn và thông minh lắm, con mà chơi với chú cún ấy thì thích lắm”. Yếu tố “chơi với chú cún” sẽ làm cho trẻ cảm thấy thoải mái hơn, thay vì sợ hãi trước lời dặn dò tiêu cực của bố mẹ: “Con đến nhà phải chào bác ấy ngay, không thì bố/mẹ cho ăn đòn đấy”.

2. Hãy là chỗ dựa an toàn cho con

Lần đầu bạn đưa con đến phòng tập thể thao, bé quá sợ hãi ôm chặt lấy bạn. Thay vì la rầy làm bé xấu hổ, hãy để con ngồi trên đùi bạn một lúc cho đến khi bé thấy thoải mái. Hãy cho con khoảng không gian để quan sát mọi người xung quanh và ý nghĩ “mình sẽ khám phá điều mới mẻ này” dần dần đến trong tâm trí bé. Vào thời điểm thích hợp, bé sẽ tự tin hòa nhập.

Cần lưu ý, bố mẹ đừng thỏa hiệp với sự nhút nhát của con. Hãy cùng con thực hiện điều gì đó có tính mạo hiểm. Ví dụ, biết con không dám chơi cầu tuột, bố mẹ hãy chọn trung tâm nào có cầu tuột cho phép người lớn chơi chung. Bố hoặc mẹ ngồi trước, để con ngồi sau lưng, trước khi tuột hãy vui vẻ trấn an con: “Con sẵn sàng chưa nào? Chúng ta cùng chơi cầu tuột nhé! Đã có bố/mẹ ngồi trước, con hãy ôm khi cần thiết nhé!”. Nếu nhà có hai con, thì hãy để cho em bé ngồi sau lưng anh, chị. Lòng can đảm cũng có tính “lây lan”, bé có thể có được hiệu ứng can đảm từ người lớn hơn.

3. Nuôi dưỡng ý thức phân biệt đúng sai

Trẻ con rất cần được học cách phân biệt sự khác nhau giữa điều đúng và điều sai, cũng như hiểu người khác bị tổn thương là như thế nào. Hãy giải thích cho con theo từng tình huống cụ thể. Ví dụ, bạn có thể cổ vũ con nếu bé bảo vệ một đứa bé khác đang khóc do bị ức hiếp, hoặc nghiêm khắc yêu cầu con trả lại đồ chơi cho bạn vì đó không phải là món đồ của mình. Khi bé có ý thức về việc đúng sai và hành động phù hợp với những tình huống này, sự mạnh mẽ của bé đang được hình thành.

4. Khuyến khích lòng dũng cảm lúc đi ngủ

Điều này nghe rất lạ, nhưng lại rất hữu hiệu với bé từ hai tuổi trở lên, đó là ý kiến của chuyên gia tâm lý Jim Fannin. Theo Jim, sau khi đưa trẻ lên giường yên ổn, hãy vừa vỗ về trẻ vừa thì thầm: “Mẹ/bố lúc nào cũng tin tưởng ở con”. Hãy áp dụng câu nói đó tối đa bốn lần/tuần. Buổi sáng hôm sau thì vui vẻ chào con, và hỏi tối qua con ngủ có ngon không. Nhiều nghiên cứu của Fannin cho thấy, trí óc rất dễ đón nhận những lời động viên tích cực trước khi đi ngủ. Fannin đã áp dụng thành công kỹ thuật truyền thông điệp trực tiếp và ngắn gọn này cho rất nhiều trẻ em cũng như các vận động viên thể thao có được chiến thắng.

5. Kiên trì cùng con thích nghi điều mới lạ

Bố mẹ hãy cho trẻ và chính mình thời gian để bé tự nỗ lực thay đổi bản tính nhút nhát. Nếu bé cảm thấy lo lắng trong việc kết bạn mới, hãy tạo ra một nhóm chơi pha trộn giữa người cũ lẫn người mới. Ví dụ, mở một buổi tiệc tại nhà, mời các bạn đã quen, thêm một vài bé con của bạn bè. Giữa không gian vui vẻ có bạn cũ lẫn bạn mới, trẻ con sẽ tự làm quen với nhau một cách tự nhiên. Nếu con bạn không thích những món ăn lạ, thậm chí thấy món ăn lạ là khóc nhè, bỏ bữa, thay vì chiều con mà nấu những món ăn cũ, hoặc ép con ăn món mới cho bằng được, hãy xen kẽ một vài món lạ trong thực đơn quen thuộc một, hai ngày trong tuần. Đừng ép con ăn, mà hãy tỏ ra đó là món ngon: “Ôi chao, món này ngon quá, con thử một miếng nhé!”. Việc nhẹ nhàng cùng con thích nghi với những điều mới sẽ giúp bé thiết lập sự tự tin một cách tự nhiên.

6. Cho con giữ gìn món đồ thân thuộc

Bố mẹ hay lo lắng là khi đi đâu xa, nếu trẻ mang theo những món đồ quen thuộc như cái mền ấm áp, thú bông đáng yêu hay chú cún cưng thì sẽ làm mất ở đâu đó. Tuy nhiên, hoàn toàn tốt khi để bé được tự do mang theo một hai món đồ yêu quý, miễn là bé thấy cần thiết, và dặn dò bé cất giữ kỹ lưỡng. “Những đồ vật này cho trẻ cảm giác mạnh mẽ, vượt qua nỗi sợ hãi”, tiến sĩ Reznick, tác giả cuốn sách Power of Your Child’s imagination: Transform stress and Anxiety into Joy and Success (tạm dịch: Sức mạnh trí tưởng tượng của trẻ: Biến căng thẳng, lo lắng sang vui vẻ và thành công) cho biết. Bé sẽ cảm thấy mình rất độc lập khi được mang theo món đồ mình yêu quý, đồng thời cũng đủ “dũng cảm” để bảo vệ nó, không đánh rơi hay làm mất

7. Chơi trốn tìm giúp con tự thân vận động

Có thể trước đây bạn đã nhiều lần chơi với con trò chơi này nhưng bạn chưa biết ý nghĩa thật sự của nó. Đây luôn là trò chơi hoàn hảo giúp con bạn học cách xử lý mọi việc khi xa cách bố mẹ, giữa những người lạ và môi trường lạ. Nó tạo một bước đệm xa hơn cái gọi là cảm giác an toàn. Bạn ở đó, bạn biến mất rồi bạn xuất hiện và làm cho trẻ phải tự thân vận động đi tìm bạn. Không chỉ chơi trong nhà, đôi khi bạn có thể chơi trong công viên, bên ngoài phạm vi ngôi nhà (nhưng nhớ vẫn bảo đảm khoảng cách an toàn với con).

8. Lắng nghe nỗi sợ của con

Biết con chưa đủ dũng cảm, thay vì cứ bắt con phải chơi thể thao hay đi xe đạp để cải thiện, hãy hỏi con mô tả cảm giác vì sao con không muốn làm những điều đó. “Hãy lắng nghe mà không hề phê phán hay cố ý thay đổi suy nghĩ của con”, tiến sĩ Naomi Aldort, tác giả cuốn Raising Our Children, Raising ourselves (tạm dịch: Nâng con lên là nâng chúng ta lên). Hãy cố gắng nói: “Mẹ/bố có thể cảm nhận được con đang sợ hãi. Con nghĩ điều gì có thể xảy ra khi con làm chuyện đó?”. Hãy nói cụ thể chuyện gì, như đi xe đạp, trượt patin, tập múa ba-lê… Nếu bé vẫn ngại không diễn tả thành lời, hãy khơi gợi chi tiết, ví dụ như: “Con sợ đi xe đạp sẽ bị ngã cùng với xe phải không?”. Bằng cách thừa nhận những gì con trẻ cảm nhận là đúng, bố mẹ đang giúp con nhận diện nỗi sợ. Từ đó, trẻ sẽ có được sự mạnh mẽ và dũng cảm thực hiện những điều khó khăn mới mẻ.

 ĐẮC LAN (lược dịch và tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI