Muốn con phát triển toàn diện, cha mẹ cần bỏ ngay những hành động này khi cho con ăn

26/10/2016 - 11:30

PNO - Nhiều thói quen của cha mẹ khi cho con ăn có thể mang đến nhiều vấn đề nguy hại cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

1. Cho con vừa ăn vừa xem ti vi

Cho con vừa ăn vừa xem ti vi là cách mà nhiều bậc phụ huynh hiện nay áp dụng mỗi khi cho bé ăn uống. Không ít phụ huynh hài lòng và áp dụng triệt để cách dỗ con ăn này vì thấy trẻ ngồi yên, không nghịch ngợm và ăn được nhiều hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, đây là một cách dỗ con ăn tiềm ẩn rất nhiều nguy hại.

Ngoài việc cho xem ti vi khi ăn, cho con nghịch điện thoại, máy tính bảng, hoặc các thiết bị điện tử khác… cũng là một cách dỗ con ăn mà nhiều cha mẹ Việt áp dụng. Tác hại của cách dỗ con ăn này cũng tương tự như việc cho con xem ti vi, vừa làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn của trẻ, vừa làm trẻ không tập trung ăn uống,...

Trước hết, việc vừa cho trẻ vừa ăn vừa xem ti vi hay dùng điện thoại sẽ làm ảnh hưởng đến sự tiêu hóa của trẻ. Trẻ sẽ khó hấp thu hết các dưỡng chất trong thức ăn và nguy cơ trẻ suy dinh dưỡng là rất cao.

Không chỉ vậy, việc trẻ xem các thiết bị công nghệ trong khi ăn uống còn làm cho trẻ bị hạn chế về việc phát triển ngôn ngữ, giao tiếp. Trẻ sẽ chú ý tới những đoạn quảng cáo, ca nhạc vui vẻ, hấp dẫn, đầy màu sắc mà quên đi cách nói năng, thể hiện cảm xúc của bản thân.

Muon con phat trien toan dien, cha me can bo ngay nhung hanh dong nay khi cho con an
Những thiết bị công nghệ sẽ làm trẻ mất tập trung khi ăn.

Việc cho trẻ nghịch thiết bị điện tử trong bữa ăn còn có tác động không nhỏ tới thị lực cũng như tư duy của trẻ. Đồng thời, tư duy của trẻ sẽ bị tác động không tốt khi quá tập trung vào các trò chơi hay chương trình trên thiết bị điện tử.

Do đó, cha mẹ không nên áp dụng việc dỗ con ăn bằng cách thường xuyên cho con vừa ăn vừa xem ti vi hay dùng điện thoại.

Vào giờ ăn, bạn nên thu hết tất cả mọi đồ chơi của trẻ, tắt ti vi để cho trẻ tập trung vào bữa ăn. Khi trẻ ngoan ngoãn ăn cơm và ăn  ngon miệng thì nên kịp thời cổ vũ bé. Trong thời gian ăn cơm, nếu trẻ có ngó ngoáy hay chạy vòng quanh rồi quay lại bàn ăn ngay thì bạn cũng không nên ngăn cấm. Tuyệt đối không chạy theo sau để cố đút cơm cho trẻ.

2 Không để con tự xúc ăn

Nếu chú ý, bố mẹ sẽ thấy trẻ từ 1 tuổi trở đi thường bắt đầu thích dùng thìa để cho phần ăn của mình vào miệng. Đa phần bố mẹ không muốn con đùa nghịch với thức ăn vì sẽ mất rất nhiều thời gian để trẻ ăn xong bữa và thu dọn “bãi chiến trường” của trẻ.

Tuy nhiên, bố mẹ nên chịu “hy sinh” một thời gian, cho bé học cách tự làm dù thời gian đầu bé sẽ rất vụng về, hay làm rơi vãi. Về sau, việc cho con ăn sẽ nhàn hơn rất nhiều. Trẻ tự động tay vào đồ ăn sẽ có hứng thú ăn uống hơn, không thụ động như khi được xúc cho ăn.

Muon con phat trien toan dien, cha me can bo ngay nhung hanh dong nay khi cho con an
Những hành động này lâu ngày sẽ hình thành nên thói biếng ăn ở trẻ.

3 Cho trẻ đi ăn rong

Đi ăn rong là một trong những cách dỗ con ăn tưởng tốt mà lại không tốt chút nào của mẹ Việt. Mặc dù việc bế trẻ đi ăn rong có thể giúp trẻ ăn nhiều hơn nhưng mặt tiêu cực có thể khiến trẻ trở nên biếng ăn, và hình thành thói quen ăn ngậm cơm, ngậm cháo rất có hại.

Khi đưa trẻ đi ăn rong, mẹ có thể dụ trẻ tập trung vào những thứ xung quanh (người đi lại, hàng hóa, chơi với trẻ khác…)  khiến trẻ ăn một cách thụ động, không có ý thức vì mải tập trung vào những thứ diễn ra xung quanh khác.

Không chỉ vậy, cho trẻ đi ăn rong ngoài đường không những thiếu văn minh mà còn rất mất vệ sinh. Bụi, vi sinh vật và khí độc trong không khí dễ xâm nhập vào cơ thể theo cùng thức ăn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.

Khánh Linh (TH)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI