Một ngày ở trung tâm dưỡng lão dịch vụ

06/07/2015 - 20:40

PNO - PN - Có những cụ vào trung tâm khi lâm trọng bệnh, sau khi được chăm sóc với chế độ đặc biệt, vừa bình phục đôi chút thì người nhà đã đến đón về. Đêm trước ngày ra về, cụ ngơ ngác nhìn điều dưỡng viên đang chăm sóc mình, hỏi: “Chuyến này về có khi nào tui chết không cô?”. Có những cụ ra về, cả trung tâm không một ai dám ra tiễn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chia tay người bảo vệ trầm tĩnh, lịch sự sau cánh cổng lặng thinh, tôi đi sâu vào một khu đất cũng vắng lặng, thanh bình, tiến về dãy nhà thấp thoáng phía xa. Chỉ dăm mét, một, rồi nhiều tiếng động bất ngờ vang lên.

Là tiếng người, thất thanh.

Thêm vài bước nữa, tiếng la thất thanh lại vang lên, to hơn, kéo dài.

Tiếng chửi!

Vừa nghĩ bụng, tôi vừa đi vào sâu bên trong. Âm thanh ngày càng rõ là một tràng... chửi liên tu bất tận vọng qua từ dãy nhà phía xa.
Trung tâm dưỡng lão (TTDL) Bình Mỹ (H.Củ Chi, TP.HCM) đón tôi bằng một “lời chào” ngẫu nhiên như thế.

Những bất thường rất bình thường

Cánh phải là dãy nhà dành cho những cụ già suy yếu nặng về thần kinh, dễ kích động, cần được chăm sóc đặc biệt. Khoảng 25/70 cụ trong TT được chăm sóc ở dãy nhà ấy. Tầm 10g sáng, các cụ ngồi kín bộ bàn để giữa phòng sinh hoạt chung, trật tự xem ti vi. Ở các góc phòng, có dăm ba cụ ngồi ngẩn ngơ trên xe lăn, miệng lẩm bẩm nói vu vơ, rồi cười một mình. Thi thoảng, có cụ hét lên, chạy khắp phòng và... chửi. Thường các cụ nhớ nhớ quên quên, cười đó, chửi đó. Chửi không cần nguyên nhân, chửi bất kỳ ai đến gần, đi ngang, chửi bằng mọi ngôn từ trên đời, và chửi... trong vô thức.

Tôi đến nơi thì tiếng chửi đã dứt. Người ta không thể đoán tác giả của tiếng la hét kia là ai giữa những cụ già đang ngoan ngoãn, hiền lành ngồi xem ti vi. Đi cùng tôi, Linh - một điều dưỡng viên lấy giọng vui vẻ: “Lúc nãy ai la to quá vậy ta?”. Giữa những ánh mắt ngơ ngác, một cụ bà bẽn lẽn cười. Đó là bà Ngân. Từ lúc ngóng hoài không có người thân vô thăm, bà hay nổi đóa với bất kỳ nhân viên nào đến gần. Mọi việc tắm rửa, ăn uống, vệ sinh đều rất khó khăn khi bà không hợp tác.

Tôi chưa kịp “thích nghi” với không gian lạ lẫm của mấy chục cụ già đãng trí thì có một cô điều dưỡng hớt hải chạy ngang, nói vọng vào: “Bảy cắn Hoa!”, rồi sấp ngửa chạy khuất về dãy nhà bên trái.

Không riêng ở khu dành cho người suy giảm trí tuệ, ngay dãy nhà của các cụ có sức khỏe khá, chuyện mắng nhiếc, cãi cọ, thậm chí phun nước bọt vào nhau cũng không quá bất thường. Xung đột thường xảy ra vì một cụ nào đó... tè nhầm lên giường của “hàng xóm”, hay chỉ vì ai đó “nói nhiều, điếc tai”. Như trường hợp của bà Bảy, góp ý với bà Hoa không được, nhân viên chưa kịp xử lý, bà đã nhào tới... cắn.

Ông Long đang ngồi trên xe lăn, cả người tím rịm màu thuốc bôi da, miệng lẩm bẩm, bấm đốt tay tính nhẩm. Thấy có người đi ngang, ông vội ôm lấy song sắt, giọng khẩn thiết: “Cho tôi ra, cho tôi đi...”. Anh Bùi Anh Trung - giám đốc TT cười điềm nhiên: “Sao? Hôm nay cụ Long tính xem số mấy nè?”.

Ông Long nhanh chóng buông tay khỏi hàng rào, đảo đảo mắt ra chiều tính toán: “Để nghĩ lại coi...”. Anh Trung vừa quay đi, ông đã vẫy tay kêu ngược lại: “Số 19, số 19 nha!”. Nghe anh Trung “nhất trí!”, ông Long chân múa tay cười như trẻ nhỏ. Thời trẻ, ông Long là một tay đánh đề có “số má”, đến nay, dù đãng trí, những giờ ngồi một mình ngoài hành lang thoáng mát cho chóng lành căn bệnh ngoài da, ông đều lẩm bẩm về thời “oanh liệt”.

Mot ngay o trung tam  duong lao dich vu

Cụ Long đang cùng anh Bùi Anh Trung bàn bạc xem “hôm nay số mấy”

Với mức phí từ 8-10 triệu/tháng, 70 cụ được gửi vào TT đều thuộc những gia đình khá giả, nhưng các cụ bị suy yếu cả thể chất lẫn trí tuệ, con cái không có khả năng chăm sóc. Cả hai khu, số người tỉnh táo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dẫu hàng ngày hiền hậu, lặng im, các cụ vẫn có thể “trở chứng” bất cứ lúc nào. Nhân viên dưỡng lão chính là người lãnh đủ mọi “trái đắng” của những bột phát tâm lý ấy. Cao điểm là giờ ăn, một cực hình đối với người chăm sóc.

Một nhân viên kèm cặp hai, ba cụ già, cả phòng ăn lao xao bao nhiêu tiếng dỗ dành, từ chối, rồi... mặc cả. Cụ lành tính thì xin “ăn muỗng này nữa thôi nha”. “Yêu sách” hơn, có cụ năn nỉ: “Ăn phở, ăn phở đi, có phở mới ăn...”. Ở những góc của các cụ “cá biệt”, mỗi nhân viên phải chăm sóc một cụ. Mỗi cụ đều có bệnh, có chế độ ăn riêng buộc nhân viên phải tuân thủ. Có cụ bữa ăn nào cũng phải đẩy ra sân, bày trò, khơi chuyện đến hơn tiếng đồng hồ mới ăn hết một bữa cơm.

Tôi đang mải nhìn theo mấy cô gái trẻ đang một tay đẩy xe lăn, một tay bưng tô cơm ra ngoài khoảng sân rợp bóng thì ở một góc phòng, một cụ già hét toáng lên: “Bớ làng nước ơi nó bắt tui ăn!”. Vừa hét, cụ vừa hất tung tô cơm vào mặt Bình - một nữ điều dưỡng. Ướt từ đầu đến cả áo quần, Bình lẳng lặng cất tô cơm, lấy khăn lau người cho cụ bà, rồi im lặng chạy đi thay đồ. Tôi ái ngại nhìn lưng áo cô, bồn chồn lo sợ bờ vai ấy bất ngờ run lên. Nhưng chưa đầy năm phút sau, Bình đã quay lại với bộ đồng phục tinh tươm, trên tay cầm một tô cơm khác.

Gắn bó với TT từ những ngày đầu, Linh tâm sự: “Nhiêu đó thì có là gì đâu. Những người không chịu nổi thì sẽ nghỉ từ những ngày đầu, còn đã theo được, thì không còn buồn khổ vì mấy sự cố ấy nữa”. Cô dè dặt kể thêm, có lần, vì bực bội nhân viên bắt mình phải ăn, phải uống thuốc, một cụ ông cố tình phóng uế trong phòng, rồi đợi nhân viên đi ngang thì chạy theo, trét lên người. Còn chuyện vệ sinh bừa bãi rồi bôi bẩn cả phòng khiến điều dưỡng phải lau dọn, là chuyện hằng ngày.

“Cứ nghĩ các cụ như trẻ con thì sẽ thông cảm được”, Linh nói. Và vì “các cụ như trẻ con”, nên buổi đêm, cứ khoảng 15 phút, người trực ca phải cầm đèn pin đi kiểm tra từng phòng. Các cụ ngủ ngon, hay ngồi ngơ ngẩn, hoặc phá nệm, phá giường là... bình thường, còn cụ nào bức bối, la hét, chọc phá “bạn cùng phòng” mới gọi là rắc rối. Cả lúc yên bình lẫn khi “có biến”, ca trực cũng không bao giờ rảnh rang.

“Gặp hoài vẫn không quen”

14g30 là giờ tập vật lý trị liệu. Mỗi ngày, mỗi cụ đều được quy định giờ vận động, rồi tập vật lý trị liệu bốn buổi/tuần. Đó là niềm vui của các cụ tỉnh táo, ưa vận động, nhưng là nỗi sợ hãi của một số cụ, nên hễ đến giờ, các cụ lại “trở chứng”. Được luyện tinh thần thép trong công việc luôn tiềm ẩn những bất ngờ, nhưng có nhiều tình huống dẫu không hiếm gặp, vẫn khiến cả quản lý lẫn nhân viên... đứng tim.

Theo anh Trung, rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào, khi các cụ vừa yếu sức, lại không nhận thức hết về hành động của mình. Có đêm, anh đang ngồi làm việc ở hội trường thì nghe tiếng rơi “tõm”. Chỉ thản nhiên làm việc được vài giây, chợt giật mình, anh chạy ào ra ao thì thấy một cụ ông đang quẫy đạp dưới nước. Anh vội vàng cùng nhân viên kéo cụ lên, sơ cứu.

Nhờ được can thiệp kịp thời, cụ ông thoát nạn. Hai cái ao rộng giữa sân ngày ấy là điểm nhấn của sự thoáng đãng, trong lành trong cảnh quan của cả TT, được rào chắn cẩn thận để tránh việc các cụ bất cẩn, sa chân. Nhưng rào chắn không ngăn được các cụ cứ tìm cách nhảy xuống ao cho mát, hay xuống ao để... trốn nhân viên. Từ lần ấy, nhân viên trực đêm lúc nào cũng nơm nớp, giám đốc thì mất ngủ vì “cái ao”. Đến đầu năm nay, TT tiến hành cải thiện không gian, một ao được lấp, một ao rào kín.

Mot ngay o trung tam  duong lao dich vu

Phút trật tự hiếm hoi trong giờ xem ti vi ở khu dành cho các cụ sa sút trí tuệ


TT rộng lớn, dù không thể trốn ra ngoài nhưng nếu các cụ nấp ở một nơi nào đó cũng dễ gặp nguy hiểm với các côn trùng, vật nhọn hay ao nước. Có lần, vừa quay đi khi đang dọn phòng ốc, đến lúc quay vào, Bình không thấy cụ Quang đâu. Chạy qua các phòng bên, tìm khắp dãy nhà vẫn không thấy cụ, Bình báo tin cho đồng nghiệp, cùng nhau tìm kiếm.

Khi mọi người tỏa ra khắp nơi, rà soát từng gốc cây, Bình lặng người đứng theo dõi động tĩnh dưới ao, sợ hãi. Không thấy động tĩnh gì, Bình thất thểu quay vô. Vừa đến phòng, thấy cái giường trống trơn của cụ Quang kêu sột soạt, rồi rung lên, Bình chạy lại, nhấc vạt giường. Từ gầm giường, ông Quang nhô đầu lên, cười hề hà: “Thấy tui trốn... giỏi không?”. Bình chỉ còn biết cố sức nâng cái vạt giường để đừng va vào đầu ông, vừa cười, vừa khóc.

Làm dịch vụ trọn gói, bao gồm chăm lo mọi sinh hoạt từ miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh đến việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe ngay cả khi nhập viện, tử vong, nhân viên dưỡng lão thường xuyên chứng kiến mọi hình ảnh trong giai đoạn suy vong, trầm buồn nhất của đời người.

Củ Chi năm nay vào mùa mưa sớm. Buổi chiều trước hôm tôi đến, trời mưa tầm tã. 14g, khi điều dưỡng vào phòng trông nom, bà Yến vẫn bình thường. Hai phút sau, khi nhân viên y tế vào kiểm tra, đã thấy bà run bần bật. Biết bà bị hở van tim, suy tim nặng, anh Bảo - một nhân viên y tế - vội đo nồng độ oxy. Thấy nguy kịch, mọi người kéo oxy cho bà thở, rồi gấp rút đưa bà lên xe cấp cứu, lao đi trong mưa.

Những buổi chiều như thế không quá khác thường. Nhưng, “gặp hoài vẫn không quen”, anh Trung tâm sự. Có những cụ vào TT khi lâm trọng bệnh, sau khi được chăm sóc với chế độ đặc biệt, vừa bình phục đôi chút thì người nhà đến đón về. Đêm trước ngày ra về, cụ ngơ ngác nhìn điều dưỡng viên đang chăm sóc mình, hỏi: “Chuyến này về có khi nào tui chết không cô?”.

Người trực tiếp chăm sóc có thể đoán định được phần nào tình hình của từng cụ, nhưng quyền quyết định thuộc về gia đình. Vậy nên, có những cụ ra về, cả TT không một ai dám ra tiễn.

Cứ thế, tiếng nói của vô thức thi thoảng vẫn bật lên, inh tai, nhưng thanh âm của những sẻ chia, nhẫn nại, dỗ dành chỉ thầm thì, có khi câm lặng, xuyên suốt tháng ngày trong thế giới người già.


MINH TRÂM
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI