Một đời vì em

11/03/2015 - 16:20

PNO - PN - Cha mẹ mất đi để lại người em trai Mai Văn Vượng tật nguyền. Thương em bệnh tật, ông Mai Văn Thịnh (58 tuổi) hy sinh cả hạnh phúc riêng để chăm lo cho em. Năm 2009, từ Sài Gòn ông Thịnh đưa em xuôi về tận Cà Mau tìm kế sinh nhai....

edf40wrjww2tblPage:Content

Thay cha nuôi em

Ông bắt đầu câu chuyện đầy ngậm ngùi với gương mặt già nua, khắc khổ. Hai từ “Sài Gòn” ông thốt ra nghèn nghẹn, đôi mắt rưng rưng như thể Sài Gòn đang hiện ra trước mắt ông. Nhìn vào mắt ông người đối diện có thể cảm nhận được nỗi nhớ nhung da diết. Gia đình ông trước đây sống ở đường Trần Hưng Đạo (Q.5, TP.HCM), cha ông làm nghề nha, cũng thuộc hạng khá giả. Nhưng rồi tai họa cứ liên tiếp giáng xuống. Vừa lọt lòng, Vượng đã mang căn bệnh bại não, teo hai chân.

Gia đình ông đã hết lòng chạy chữa, cha ông còn mời cả bác sĩ nước ngoài phẫu thuật chân cho Vượng. Nhờ ca phẫu thuật đó mà những năm đầu Vượng chống nạng đi lại được, nhưng đến năm mười tuổi thì bệnh trở nặng, hai chân ngày càng co rút, đau đớn, hai tay cũng yếu dần, khiến Vượng không còn đủ sức để mang cặp nạng. Từ đó, Vượng lê la bằng hai đầu gối. Đúng lúc cả nhà tuyệt vọng về bệnh tình của Vượng thì cha ông đột ngột qua đời. Sau ngày cha mất, người anh Hai của ông bỗng lâm trọng bệnh, tiền của trong nhà đều đổ vào thang thuốc. Tiền bạc hết mà bệnh tình không thuyên giảm, bức bí mẹ ông đành bán căn nhà để chữa trị cho con, nhưng vì bệnh tình quá nặng, anh trai của ông qua đời.

Chồng, con mất, nhà cửa không còn, mẹ ông vì buồn phiền, suy sụp, ngã bệnh nằm một chỗ. Ông đưa mẹ và hai em xuống Bình Chánh sống chen chúc trong căn phòng trọ chật hẹp. Hàng ngày ông đi bán bánh mì, làm thuê kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi em. Vất vả cơ cực lo cho gia đình, ông không còn thời gian nghĩ đến hạnh phúc riêng, dù trước đó cũng đôi lần ngấp nghé, thề hẹn trăm năm. Năm tháng qua đi, em gái út lấy chồng, phần ông cứ ở vậy nuôi mẹ và người em trai không may mắn.

Mot doi vi em

Buổi cơm trưa của hai anh chỉ có cơm nguội với nước tương

Ước mong sum vầy

Năm 2009, mẹ ông trở bệnh nặng và qua đời. Trước lúc mất, bà nắm tay ông căn dặn đưa em trai về quê bà ở Cà Mau sinh sống. Dù không muốn bỏ lại nấm mồ cha mẹ nhưng ngẫm thấy tuổi mình cũng đã bước qua 50, không còn đủ sức bươn chải ở đất Sài Gòn, lại nghĩ về quê có được mái nhà che nắng che mưa, ông lần theo địa chỉ bà đưa tìm về huyện Trần Văn Thời gặp người cậu họ. Thương tình, người cậu cho hai anh em ông miếng đất dựng căn nhà ở tạm, nhưng sống ở đấy thì ông không có việc gì để làm nuôi em. Ông đành từ chối, đưa em lên trung tâm TP. Cà Mau thuê nhà ở trọ. Hàng ngày, ông đẩy xe bán bánh mì, buổi chiều tranh thủ đi làm thuê, anh em đắp đổi qua ngày. Hai năm nay đôi chân của ông yếu dần, không còn đẩy nổi xe bánh mì, lại thêm căn bệnh tràn dịch màng phổi thường xuyên hành hạ nên ông chuyển sang bán vé số dạo.

Thương anh trai vất vả vì mình, ông Vượng nhiều lần đòi ông cho ngồi xe đẩy đi bán vé số, nhưng ông cương quyết không chịu. Ông sợ cái nắng cái gió sẽ làm hao mòn thêm thân thể vốn đã không được khỏe mạnh của em mình, nên bao nhiêu nhọc nhằn ông ôm lấy. Dù tất bật kiếm tiền, ông vẫn lo chu đáo cơm nước, vệ sinh cho em. Đưa mắt nhìn về phía em trai, ông cất giọng trìu mến: “Nó hay đòi làm này làm nọ phụ tôi lắm nhưng tay chân nó yếu ớt, vụng về đâu có nỡ để nó làm. Tự xúc muỗng cơm còn rớt lên rớt xuống như con nít vậy, nhìn thương lắm!”.

Ngồi cạnh bên, nghe anh trai nói về mình, đôi mắt ông Vượng rưng rưng. Hỏi ông sao không lấy vợ để có người đỡ đần, ông im lặng đưa mắt nhìn xa xăm. Giọng đứt quãng ông Vượng thều thào: “Anh Thịnh không lấy vợ là tại tôi đó. Ảnh nói lấy vợ, sợ chị dâu không thương tôi, hai anh em sẽ thêm khổ, ảnh ở vậy nuôi tôi”. Đưa tay lau nước mắt cho em, ông cười móm mém, mắng yêu: “Cái thằng! Tại mình nghèo không ai thương chứ có phải anh vì em đâu. Nín đi đừng có khóc, bác sĩ dặn em bệnh không được khóc mà…”. Mặc cho anh trai vừa lau nước mắt vừa vuốt ve, ông Vượng cứ thổn thức như đứa trẻ.

Vừa rồi ông Vượng bị đột quỵ phải nằm viện. Hai tháng trời nuôi em bệnh, ông Thịnh đành lấy số tiền dành dụm dự định đưa em về lại Sài Gòn lo thuốc thang cho em. Tiền hết mà bệnh tật vẫn đeo bám, trong lúc ông hoang mang chưa biết tính sao thì căn nhà đang thuê bị giải tỏa. Cùng đường, ông đành dắt díu em đến xin ở tạm trong chùa. Tình cờ nghe một người quen nói đến cơ sở chữa bệnh miễn phí tại am Bát Tiên (P.5, TP. Bạc Liêu), ông vội vã đưa em đến.

Thuốc thang tuy được miễn phí nhưng miếng ăn hàng ngày vẫn phải tự lo lấy, vì vậy ông buộc phải xin lại số tiền ít ỏi còn lại đang đặt cọc ở đại lý vé số, để lo miếng ăn cho em. Bao nhiêu năm sống ở Cà Mau nhưng hộ khẩu của hai anh em vẫn ở Sài Gòn, vì vậy dù ông Vượng là người khuyết tật nặng vẫn không nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nơi ông đang tạm trú.

Cầm mớ giấy tờ bệnh án của ông Vượng trên tay, ông Thịnh ngậm ngùi: “Bệnh của thằng Vượng cũng đỡ được sáu, bảy phần rồi. Tôi dự định về Cà Mau bán vé số, gắng gượng thêm vài năm kiếm tiền về lại Sài Gòn. Tôi còn đứa em gái trên đó, về để anh em sớm hôm có nhau. Từ ngày tôi đi đến nay, mấy năm rồi anh em chưa gặp nhau”. Nhắc đến em gái, ông lại khóc, trách mình làm anh mà không lo được cho em: “Nó cũng nghèo lắm, thêm chồng con đùm đề chứ không phải bỏ bê tôi đâu. Nó cứ hỏi thăm, mong ngóng tôi và thằng Vượng từng ngày…”. Nỗi nhớ em gái, nhớ nấm mồ cha mẹ từng đêm gặm nhấm tâm hồn ông. Ông khát khao những năm tháng cuối đời được cùng em trai trở về nơi chôn nhau cắt rốn.

 LINH GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI