Mẹ luyện thành công cho bé bú bình, không quấy khóc với nguyên tắc ĐỂ CON ĐƯỢC ĐÓI

03/11/2016 - 11:30

PNO - "Để con được đói" là phương pháp mà Nguyễn Hồng Ánh(1995) đã thực hiện nhằm luyện cho bé bú bình. Nhờ phương pháp này mà bé đã ngoan ngoãn ăn mà không còn quấy khóc.

Dưới đây là những chia sẻ của Hồng Ánh, người đã luyện cho con bú bình thành công:
"Các mẹ thường tìm đến mình với câu hỏi: "Làm sao cho bé bú bình được hả bạn? Bé nhác ti bình lắm. Ti bình chỉ ngậm chứ không nuốt" hoặc có bé cứ thấy bình là khóc rồi. Mình đã từng vất vả với cu Shin cũng chỉ vì chưa nắm rõ được nguyên tắc cho con ăn. Đó là để con được đói, cách cữ đúng giờ, không bao giờ ép, cạch hoàn toàn bú mẹ.
Với những bé trước giờ chỉ bú mẹ bây giờ mới bắt đầu bú bình thì chỉ có một cách duy nhất là CHO CON TUYỆT THỰC.
Trẻ con sống theo bản năng sinh tồn nên không bao giờ để mình đói. Không có ti mẹ bắt buộc phải ti bình. Sau 2 tháng, con sẽ phân biệt được ti mẹ và ti bình nên hầu hết các bé phản đối ti bình là chuyện đương nhiên. Trước khi luyện ti bình các mẹ nên xem con có đang trong wonder week (tuần khủng hoảng) không. Nếu đang trong ww thì nên đợi con vượt qua thời kì này rồi hẵng luyện.

Me luyen thanh cong cho be bu binh, khong quay khoc voi nguyen tac DE CON DUOC DOI
Gia đình nhỏ của chị Hồng Ánh.

Ww8 và ww12 của Shin đến gần như là cùng một lúc, kéo dài hơn tháng trời khiến mẹ stress vô cùng. Và rồi bé bỏ ti bình. Mỗi lần cho con ăn đều rất vật vã khổ sở, thử nhiều cách mà bé vẫn không ăn. Bình chưa vào tới miệng đã gào lên, giãy giụa. Bé khóc thét to đến mức ông bà ở tầng dưới hốt hoảng chạy vào, tưởng cháu bị rơi ngã. Dù ăn vạ xong mệt đói, cho ti bình bé vẫn chẳng chịu ti, được vài miếng thì lấy tay đẩy ra rồi bắt đầu ăn vạ tiếp. Bất lực, mẹ cũng lôi thìa ra đút cho từng miếng. Nhưng chẳng được bao nhiêu.

Mẹ quyết định đưa em vào thiết quân luật, luyện bú bình cho tử tế. Mấu chốt của việc luyện tập này là ĐỂ CON ĐƯỢC ĐÓI. Đói tự khắc sẽ ăn, 1 ngày mới của bé bắt đầu lúc 7 giờ, sau một đêm dài bé không được ăn (đã cắt bú đêm từ 2,5 tháng tuổi), buổi sáng là lúc bé đói nhất, thích hợp cho việc luyện tập. Mẹ bắt đầu trình tự: rửa mặt, thay bỉm, cho ngồi lên gối chữ C, quàng khăn vào cổ.

Việc thiết lập trình tự này khiến bé biết được mình sắp phải làm gì. Chính lúc này, Shin biết mình sắp phải ăn nên đang từ trạng thái cười toe toét với mẹ chuyển sang gương mặt hoang mang và bắt đầu gào thét giãy giụa. Mẹ cứ để em gào thét một lúc, tự em có thể trấn an. Mẹ mà dỗ ngay lập tức thì càng tạo điều kiện cho bé ăn vạ.

Sau đó, mẹ trò chuyện với em: "Con ăn sáng nhé, đến giờ mình ăn rồi, ngủ cả đêm đói lắm rồi" và đưa bình vào miệng em. Lúc này em từ chối, quay mặt đi, nhè lưỡi, tỏ thái độ cáu bẳn. Mẹ chờ 1,2 phút xem em có chấp nhận không. Nếu không 30 phút sau, mẹ lại mời em ăn. Em vẫn không ăn, mẹ dỗ cho đi ngủ.

Me luyen thanh cong cho be bu binh, khong quay khoc voi nguyen tac DE CON DUOC DOI
Mỗi lần bú bình xong bé đều ngủ ngoan, không còn quấy khóc vì đói


Đói sẽ không ngủ được lâu. Chừng 30 phút, em đã lại dậy cáu gắt. Lúc này mẹ mời ăn một lần nữa (cũng với trình tự tương tự như trên). Mẹ lặp lại các bước trên. Nếu bé vẫn không chịu, ta lại cất bình sữa. Tuyệt đối không nhân nhượng, sợ con đói mà cho con "ti một tí cho có sức", cũng không bón vài thìa cho đỡ đói.

Đối với các bé trên 6 tháng tuổi, đã ăn dặm, muốn luyện ti bình thì phải bắt hoàn toàn ăn dặm, kể cả việc không cho bé uống nước thêm. Bé chỉ có một sự lựa chọn để hết đói, hết khát là sữa và bình sữa.

Thông thường các bé sẽ tuyệt thực từ 12-18 giờ liên tục. (Shin là 12 giờ) cá biệt có bé nhịn tới 48 giờ không ăn.

Một số mẹ tìm đến mình than thở: "Mình đã thử cách của bạn mà không được. Bé không hợp tác", "Suốt từ lúc 4 giờ sáng đến 11 giờ không ăn". Vậy là mới được có 7 tiếng đồng hồ, quá ít để bé chấp nhận. Bé vẫn chưa lên đến mức đỉnh điểm mà mẹ đã chùn chân.

Trẻ con sống theo bản năng sinh tồn của động vật. Có điều, trí não của trẻ phát triển hơn gấp nhiều lần nên nó học được cách đòi hỏi và bắt nạt mẹ. Chúng sẽ không bao giờ để mình chết đói. Và cũng không phải mẹ ác, mẹ bỏ đói con mà là mẹ mời nhưng con không ăn. Đó là con tự lựa chọn. Và rồi khi thấy những nỗ lực ăn vạ của mình bị mẹ phớt lờ, trẻ sẽ phải tự cứu lấy mình.

Có những bé sẽ chấp nhận ngay bú bình sau một trận đói, ôm lấy bình tu lấy tu để, vèo một hơi hết sạch nhưng có bé chỉ chấp nhận dần dần, 30ml-50ml-100ml, cuối cùng là 150-180ml mỗi cữ, đều như vắt chanh.

Thời gian luyện bú bình cần cạch hoàn toàn ti mẹ, cấm không cho bén mảng. Nhiều mẹ thèm cho con ti, nếu ti lại quá sớm thì sẽ phản tác dụng. Tốt nhất sau khi con bú bình ngon lành khoảng 1 tuần thì hẵng cho ti lại. Nhưng 1 ngày chỉ nên ti 1 lần, vẫn theo cữ như bú bình. 

Nhiều mẹ xót con mà thoả hiệp với con, cho con ti chút xíu rồi lại luyện tiếp. Như vậy là phản tác dụng. Vừa kéo dài thời gian luyện bú vừa mệt mỏi cho cả mẹ lẫn con, cuối cùng là mẹ bỏ cuộc, con chiến thắng. Bé nhà mình từ sau 2 tháng lười ăn lắm, mỗi lần ăn được có 60-70ml sữa (có khi 30-40ml), mà phải đánh vật mãi mới chịu ăn.

Me luyen thanh cong cho be bu binh, khong quay khoc voi nguyen tac DE CON DUOC DOI
Bé nằm ngoan ngoãn khi bú bình.

Nhiều mẹ cho rằng từ đây con nhác ăn. Khi con từ chối bú, lại càng nhồi nhét nhiều. Vậy là đang từ biếng ăn sinh lý trở thành biếng ăn tâm lý. Nguy hiểm hơn có một số bé trở thành biếng ăn bệnh lý.

Mẹ cho ăn, con từ chối không ăn. Mẹ ép con ăn. Con cố giãy giụa nhưng sức con không bằng sức mẹ. Con vẫn phải nuốt. Vừa nuốt sữa vừa khóc. Được vài chục ml, con không thể ăn được, mẹ tạm nghỉ nhưng sợ con đói, một lúc sau mẹ lại nhét bình vào mồm, con lại không ăn, lại khóc. Cứ thành cái vòng luẩn quẩn như vậy, dần dà con trở nên sợ hãi việc bị ép ăn, con sợ ăn.

Mình cho ăn ra bữa, không ép con ăn, không ăn lắt nhắt cả ngày mỗi lần vài chục ml sữa. Con mình 3 tháng, mình cho ăn 5 cữ mỗi ngày, bỏ cữ đêm. Mỗi cữ trên dưới 200ml, mỗi bữa cách nhau 4 giờ đồng hồ. Không ép con ăn. Con dừng bú bỏ bình ra luôn. Các mẹ bảo rằng: "Khoa học bảo nên cho ăn ít và ăn làm nhiều lần". Nhưng dạ dày của chúng ta cũng như các bộ phận khác. Có thời gian làm việc và cũng cần thời gian nghỉ ngơi. Nếu các mẹ cứ cho con ăn liên tục chỉ vì sợ con đói, dạ dày sẽ bị làm việc quá tải, làm việc cả ngày lẫn đêm. Lâu ngày, bộ máy tiêu hoá sẽ hỏng hóc, kém hấp thụ. Con vừa biếng ăn tâm lý, vừa biếng ăn bệnh lý là như vậy.

Me luyen thanh cong cho be bu binh, khong quay khoc voi nguyen tac DE CON DUOC DOI
Nhờ sử dụng phương pháp này mà cu Shin phát triển tốt, mạnh khỏe.

Các nghiên cứu chỉ ra trong dạ dày của bé phải 2 giờ sữa mẹ mới tiêu hoá và sữa công thức thì 3 giờ. Nhiều mẹ nghĩ cứ 2 giờ phải cho con 1 bình đầy không là con đói. Sự thật là sau khi tiêu hoá, dạ dày con cần có thời gian nghỉ ngơi. Hết thời gian nghỉ ngơi đó, dạ dày sẽ hoạt động trở lại, khi đó con mới có cảm giác đói.

Điều tối quan trọng cần phải nhớ đó là KHÔNG ĐƯỢC ÉP CON ĂN, phải để con ăn hoàn toàn tự nguyện. Khi con có biểu hiện dừng bú thì bỏ bình ngay. Không vì tiếc chút sữa dư mà ép con ăn tiếp.

Lịch ăn phù hợp cho bé: Trẻ dưới 1 tháng tuổi nếu sinh đủ tháng, cân nặng đủ 3kg đã có thể sinh hoạt theo nếp ngay được. Tuy nhiên, các mẹ thường để muộn hơn. Nếu chưa sinh hoạt theo nếp thì bé ăn 2 giờ 1 lần là hợp lý. Đêm nếu bé không dậy có thể để 3 giờ bú 1 lần. Trẻ từ 1-3 tháng tuổi cho ăn 3 giờ 1 lần, bú đêm 3-4 giờ 1 lần. Trẻ từ 3-6 tháng tuổi 4 giờ 1 lần, cắt bú đêm. Cữ bú cuối cùng vào 11-12 giờ, lượng sữa tuỳ thuộc vào sức ăn của con. Nếu các mẹ luôn kiên trì và thực hiện đúng nguyên tắc thì chắc chắn con sẽ ngoan ngoãn bú bình".

Trần Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI