Mê lướt mạng… quên con

02/02/2015 - 06:59

PNO - PNCN - Tình trạng những chiếc smartphone tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng phổ biến. Nhiều ông bố, bà mẹ thay vì chăm sóc, chơi đùa với con, thì lại “bận” làm bạn với chiếc điện thoại, máy tính. Thậm chí,...

 "Gia đình công nghệ"

Đều đặn vài ba ngày, chị Kiều Trang (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) lại đưa hình con gái lên facebook với những câu chuyện của hai mẹ con rất ngọt ngào, tình cảm, nào là bé phụ mẹ rửa chén, hai mẹ con cùng tô màu, học tiếng Anh… Bạn bè không ngớt lời khen ngợi, còn gọi chị là “bà mẹ của năm”.

Vô tình vào “nhà riêng” của con gái, bà Hạnh Nguyên - mẹ chị Trang bực dọc: “Những chuyện trên do nó tưởng tượng ra đấy, nó có quan tâm đến ai ngoài cái điện thoại đâu”. Bà Nguyên kể, nhà có hai đứa con thì có đến hai người giúp việc, lại thêm có bà ngoại làm quản gia nên chị Trang chẳng ngó ngàng đến nhà cửa, con cái. Đi làm về, chị khư khư ôm điện thoại. Ngay cả lúc lên giường ngủ, chị còn quay mặt vào tường chat với bạn bè.

Chồng chị cũng không khác gì vợ, hết iPad thì đến ti vi. Mỗi lần bà nhắc nhở, cả hai đều than thở như nhau, nào là đã có người giúp việc lo ăn uống, tắm rửa; học thì có thầy cô đến nhà kèm, họ đi làm cả ngày mệt mỏi nên cần nghỉ ngơi, thư giãn.

Không riêng vợ chồng chị Trang, ngày nay rất dễ bắt gặp hình ảnh vợ, chồng mỗi người một góc hí hoáy với những món đồ công nghệ. Để rảnh rang cho việc “lướt”, họ sẵn sàng đưa cho con chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng... thế là cả nhà trở thành “gia đình công nghệ”, mỗi thành viên đều có một đồ chơi công nghệ để giải trí. Họ mê “lướt” đến ngay cả lúc ăn uống, thậm chí trước khi ngủ cũng tranh thủ “dạo một vòng”. Hậu quả là họ đã tiêu phí thời gian, sức khỏe của mình để rồi xao lãng công việc, lơ là việc gia đình, chăm sóc con cái và viện đủ lý do để lấp liếm hành động của mình.

Chị Diễm Chi (Q.9, TP.HCM) kể, một lần vào quán ăn, chị nhìn thấy một bà mẹ dắt theo đứa con trai khoảng bốn tuổi. Sau khi gọi cho con tô phở, chị lấy điện thoại ra bấm bấm rồi dán chặt mắt vào điện thoại. Tô phở nóng hổi được mang ra, một mình thằng bé loay hoay với hai chiếc đũa so le ngược đầu ngược đuôi. Gần nửa tiếng trôi qua, thằng bé khó khăn gắp từng đũa cho vào miệng, mồ hôi nhễ nhại, miệng lem luốc mà người mẹ vẫn thản nhiên ngồi bấm bấm, tủm tỉm cười một mình. Ăn xong, thằng bé vớ lấy ly nước dang dở của khách bỏ lại uống ngon lành, người mẹ cũng không hề hay biết.

Me luot mang… quen con

Nguy hiểm rình rập

Theo các chuyên gia, các bậc cha mẹ sử dụng thiết bị kỹ thuật số thường xuyên dễ có xu hướng lơ là, thiếu quan tâm đến con cái. Đứa trẻ sẽ nhanh chóng gắn bó với các thiết bị điện tử nhằm bù đắp lại sự thiếu thốn tình cảm. Quá trình cha mẹ “nghiện” cũng vô tình tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với đồ công nghệ, lôi kéo trẻ “nghiện” theo cha mẹ.

Việc cha mẹ, con cái cùng nghiện đồ công nghệ khiến cho không khí trong gia đình tẻ nhạt, thiếu đi sự gắn bó, bởi mỗi người đều thu về “thế giới ảo” của mình. Mặt khác, những món đồ công nghệ này còn là tác nhân gây nguy hiểm cho trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ sử dụng thường xuyên các thiết bị kỹ thuật số sẽ có các nguy cơ chậm nói, giảm trí nhớ, thị lực; thích gây hấn, thụ động, lười vận động... là nguyên nhân gây ra các bệnh tự kỷ, béo phì.

Chưa kể, đồ công nghệ là “món hàng” nằm trong tầm ngắm của các băng trộm cướp. Điển hình vừa qua cả nước xảy ra hàng loạt vụ cướp xông vào nhà giật iPhone, iPad khi trẻ đang chơi. Đây được coi là hồi chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ, không nên chủ quan để trẻ một mình với những món đồ có giá trị. Hiện tượng cướp giật này cũng đang phổ biến ở các nơi công cộng như công viên, quán ăn, quán cà phê. Việc bỏ mặc trẻ với các thiết bị kỹ thuật số có giá trị là vô tình đẩy trẻ vào các mối hiểm họa  khó lường.

Hầu hết những người giao phó trẻ cho “bà vú” công nghệ đều không hình dung được hết những nguy hiểm đang rình rập trẻ. Họ những tưởng, nó mang lại tiện ích nhưng thực chất sự lạm dụng này đang khiến trẻ đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, nhân cách và cả trí tuệ.

Khi cha mẹ dành quá nhiều quỹ thời gian cho nhu cầu “lướt”, mức độ giao lưu tình cảm giữa cha mẹ và con cái sẽ giảm sút, mối quan hệ gia đình lỏng lẻo. Con cái không cảm nhận được tình cảm của cha mẹ, từ đó khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình ngày một xa hơn.

Trẻ nhỏ vốn vụng về, dễ làm hư hỏng đồ vật, chưa có ý thức gìn giữ và bảo vệ tài sản. Vì vậy, trẻ dễ bị “dính đòn” khi cha mẹ “xót của” không kiềm chế được cơn bực tức. Anh T.N. (nhà báo) kể, một lần cà phê cùng nhóm bạn, anh trông thấy một bà mẹ mải mê “tám” với bạn bè nên đưa iPhone cho con chơi. Chẳng may thằng bé làm rơi điện thoại xuống đất, vừa nhặt chị vừa la oai oái, rồi đét vào mông thằng bé “Hư nè! Hư nè!”. Bỏ mặc thằng bé khóc tức tưởi, chị cứ xuýt xoa tiếc chiếc iPhone. Trong khi chỉ trước đó ít phút, chị còn ôm thằng bé nựng nịu “cục vàng” của mẹ. Câu chuyện “cục vàng” sao bằng cục… iPhone” được chia sẻ trên facebook khiến không ít ông bố bà mẹ phải    suy ngẫm.

 LINH GIANG

3 bước để cha mẹ “cai nghiện” công nghệ

Theo ThS tâm lý Kiều Thanh Hà (BS tại BV Nhi Đồng 2 TP.HCM), tại BV Nhi Đồng 2, trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo đến khám do chậm nói chiếm khoảng 45%. Một trong những nguyên nhân chính là do cha mẹ không trò chuyện cùng con cái. Trẻ tiếp xúc nhiều với game, internet, ít được vui chơi với người lớn.

Trẻ dưới năm tuổi học qua cách giao tiếp bằng mắt với cha mẹ, người thân. Nếu trẻ không được rèn luyện cách nhìn vào mắt người khác, “dịch” ngôn ngữ cơ thể của người lớn và sử dụng các giao tiếp phi ngôn ngữ, trẻ sẽ chậm nói, sợ người lạ, rút vào thế giới riêng và dần dần thành tự kỷ.

Vì vậy, trẻ sẽ chẳng “dịch” được gì từ ngôn ngữ cơ thể bố mẹ, khi mà bố mẹ miệng nói chuyện với con mà mắt chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính. Máy tính bảng có thể làm cho bé ngồi yên một chỗ nhưng không dạy bé nói, không dạy bé giao tiếp. Thế giới của bé chỉ xoay quanh các trò chơi trên máy tính, điện thoại của bố mẹ. Dần dần các bé sẽ xa rời với thế giới thật, chỉ muốn quay lại thế giới ảo.

Bất cứ ai khi làm cha, làm mẹ là đã trở thành những nhà giáo dục. Nếu làm giáo dục mà không chuyên tâm thì chúng ta sẽ đào tạo ra những sản phẩm vô cùng tồi tệ. Và làm sao chúng ta có thể chuyên tâm khi miệng nói chuyện với con mà mắt chăm chăm đọc trạng thái (status) cô bạn mới viết. Làm sao chúng ta có thể chú ý trả lời câu hỏi của con khi còn đang mải “cày” game?

Vì thế, theo ThS Kiều Thanh Hà, để hạn chế lướt mạng và có nhiều thời gian dành cho con cái, cha mẹ nên thực hiện ba bước sau:

1. Trước khi bật máy tính hay điện thoại hãy trả lời câu hỏi: bật máy để làm gì? Có cần thiết phải bật lên không?

2. Dành ra 15 phút - 30 phút chơi với con, trước khi “làm bạn” với thiết bị số.

3. Đặt lịch lên mạng xã hội (trong khung giờ bé đã ngủ).

Chỉ cần thực hiện đúng ba bước này trong một thời gian, chắc chắn cha mẹ sẽ “cai” được đồ chơi công nghệ và dành thời gian cho con nhiều hơn.

Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi hình thành nhân cách, trẻ học qua giao tiếp trong gia đình và cảm nhận cuộc sống qua cha mẹ, người thân. Chính tình cảm, sự quan tâm của cha mẹ là chất “dinh dưỡng” hoàn hảo nhất nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách đứa trẻ.

 VIỄN PHONG ghi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI