Lắng nghe con

04/10/2015 - 07:27

PNO - Tôi cho con chạy ra ngoài chơi. Ngồi trong nhà nghe tiếng cười giòn của Bo, tôi tự hỏi không biết mình dạy con như thế có đúng?

Tôi vừa vào nhà, con trai đã lao đến ôm chầm lấy mẹ. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra đã thấy mẹ chồng tôi theo sau, mặt cau có. Biết ngay mới có “nội chiến” giữa hai bà cháu, tôi cười giả lả: “Cu Bo đi học về có ngoan không?”.

Con trai vẫn ôm chặt mẹ không nói gì. Như chỉ chờ câu hỏi của tôi, bà nội kể tội cháu: “Cu Bo hư lắm. Bà nội nói câu gì cũng cãi bem bẻm”. Tôi hỏi lại con: “Sao vậy Bo? Sao hư thế? Sáng con hứa với mẹ thế nào đã quên hết rồi à?”.

Tôi quay sang mẹ chồng tỏ vẻ hối lỗi: “Dạ, để con nói chuyện lại với cu Bo”. Bà nội quay lưng bước vào nhà, bỏ lửng một câu: “Con xem mà dạy lại thằng Bo”.

Đây không phải lần đầu mẹ chồng không hài lòng về cách dạy con của tôi. Lúc tính chuyện gửi cu Bo sang nhà, nhờ nội đưa rước cháu đi học, vợ chồng tôi đã lường trước những tình huống này. Nhưng ngoài việc dặn con “nghe lời bà nội”, tôi không biết phải làm sao.

Lang nghe con
Ảnh minh họa: Shutterstock

Từ khi cu Bo còn nhỏ, tôi không nuôi dạy con theo kiểu lời nói của bố mẹ là mệnh lệnh của con. Tôi cho phép con được từ chối, nói lên suy nghĩ của mình hoặc nêu thắc mắc. Tôi luôn lắng nghe, giải thích, đôi khi thuyết phục để con trai vui vẻ làm việc theo yêu cầu của mẹ.

Chẳng hạn, khi Bo đang chơi, nếu muốn con đi tắm, tôi sẽ hỏi: “Năm phút nữa đi tắm được không con?”. Cu Bo sẽ nhìn đồng hồ: “Mẹ cho con chơi thêm mười phút nữa nhé?”.

Thường thì tôi luôn đồng ý và sau mười phút, con trai tự giác dọn dẹp đồ chơi rồi đi tắm mà không mè nheo. Cũng có lúc tôi không đồng ý, nhưng cho con lựa chọn: chơi thêm năm phút nữa hoặc đi tắm ngay. Dĩ nhiên Bo sẽ chọn chơi thêm.

Có hôm, đến giờ làm bài tập mà con vẫn chạy chơi ở ngoài với các bạn cùng xóm. Cái hẹn năm phút cứ dời thêm cho đến hơn nửa tiếng mà con vẫn chưa có dấu hiệu muốn nghỉ chơi, tôi nghiêm giọng bảo: “Bo vào nhà viết bài!”.

Biết lỗi của mình, cu cậu vội vàng chạy vào học. Nhưng sau đó, Bo không ngừng càu nhàu tại sao mình phải làm bài tập trong khi các bạn được chơi? Nhìn vẻ ông cụ non của con, tôi buồn cười nhưng vẫn giải thích:

Có thể các bạn không có bài về nhà, hoặc đơn giản là các bạn ấy đã làm xong bài rồi mới đi chơi. Tôi cũng hỏi lại con rằng, nếu mai vào lớp mà bài tập vẫn chưa được làm thì sẽ thế nào? Sau một hồi suy nghĩ, cu Bo chăm chú viết bài mà chẳng phàn nàn gì.

Mẹ chồng tôi không đồng ý với cách dạy con như thế. Bà cho rằng tôi đang tập cho con mình trả treo với bố mẹ và cãi lời người lớn. Thời bố cu Bo còn nhỏ, bà nói một là một, cấm cãi. Bà bảo, bé tí đã dám cãi tay đôi như thế thì lớn hơn một chút chắc chẳng xem ai ra gì.

Tôi đã cố gắng giải thích, rằng cho phép con trẻ nói lên ý kiến của mình trong sự lễ phép khác với việc để con hỗn hào, coi thường bố mẹ. Nhưng bà nhất mực kết tội tôi đang làm hư con.

Chở cu Bo về đến nhà, hai mẹ con tôi ôm nhau thủ thỉ: “Hồi nãy con làm gì để nội giận vậy?”. Bo thành thật: “Dạ, hồi nãy con đang xếp lego chiếc xe mà nội bắt con dẹp đi tắm”.

Tôi hỏi tiếp: “Rồi con nói sao?”. Giọng con trai buồn rượi: “Dạ con nói, con sắp ráp xong chiếc xe rồi, nội chờ con năm phút thôi!”. Tôi ừ. Con trai kể tiếp: “Vậy mà nội la con “đồ mất dạy”, rồi cầm cây đũa bếp tính đánh con”.

Tôi thở dài dặn Bo: “Con nghe nè, bà nội hơi khó tính nên mai mốt bà dặn gì, con làm liền nha. Con đừng cãi lời, bà giận. Bà thương cu Bo nhất đấy”. Tôi cho con chạy ra ngoài chơi. Ngồi trong nhà nghe tiếng cười giòn của Bo, tôi tự hỏi không biết mình dạy con như thế có đúng?

Minh Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI