Láng giềng "xấu"

31/03/2014 - 19:40

PNO - PN - Vừa dọn về nhà mới, có người “hàng xóm tốt” đã qua dặn dò: “Tụi em cẩn thận nhà đối diện. Họ đi lượm ve chai, suốt ngày lăm le nhà hàng xóm để trộm vặt. Nhất là thằng cháu, ngó nhỏ vậy chứ ăn trộm lẹ tay lắm”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày thứ hai, có anh sinh viên buôn chuyện: “Anh chị cẩn thận đó, bữa trước phòng trọ tụi em ngủ trưa, thằng nhóc lẻn vô trộm điện thoại. Em đoán nó lấy, qua đòi lại, nhưng bà nó khẳng định “không đời nào lấy”. Vậy mà em nhá máy, thấy chuông reo trong nhà bà ấy, bà ấy mới chịu lấy trả lại”.

Nghe xong, vợ tôi nói với con trai năm tuổi: “Con chơi ở đâu thì chơi, đừng qua nhà đó (vừa nói vừa chỉ tay vào nhà người lượm ve chai). Con cũng không được chơi với anh Tánh (con của chị hàng xóm ấy) nghe chưa”. Nói xong, vợ còn quay qua tôi để nhấn nhá thêm: “Em không có ý khinh người, nhưng nhà bên ấy họ nghèo, nên thành ra không sạch sẽ, con mình qua đó chơi sẽ lây bệnh. Với lại, giao du với gia đình ít học, cũng không phải là điều tốt”.

Vậy là, tôi đã mặc nhiên tin gia đình bà lượm ve chai là người xấu. Mỗi khi về nhà là lo cửa nẻo cẩn thận, lòng thầm cảm ơn những người láng giềng tốt bụng, mới sơ giao đã nhiệt tình giúp đỡ để mình tránh khỏi người xấu.

Cả nhà tôi đã tỏ ra lạnh lùng với “nhà ve chai”. Nhà san sát, người nhà ấy bước ra cửa thì mình quay lui vào nhà để khỏi chạm mặt nhau. Khi gặp nhau, tránh từng ánh mắt để khỏi chào hỏi thêm phiền.

Nhà ấy có một bà cụ 70 tuổi, ở chung với cô con gái. Người con không có chồng nhưng có đứa con trai bảy tuổi. Bà cụ suốt ngày may may vá vá lại những chiếc áo cũ mà cô con gái lượm được. Mỗi tối, hai mẹ con chị này chở nhau trên chiếc xe đạp nhỏ, nhặt nhạnh trong túi rác của từng nhà. Hoàn cảnh như vậy, ai muốn “dây” vào làm gì, nhất là khi đã được cảnh báo.

Bà cụ có vẻ đoán được phần nào về tiếng xấu mà láng giềng đã rỉ tai tôi, nên khá sượng sùng mỗi lần vô tình giáp mặt. Mỗi buổi sáng, thấy tôi dắt xe đi làm, bà tranh thủ vẩn vơ vài câu để tỏ ra thân thiện. Đại loại như “thằng Tánh vậy chứ chịu khó học hành lắm. Nhà bác ngày xưa cũng khá, nhưng gặp nhiều chuyện xui xẻo nên bây giờ mới thế này…”. Tôi cứ hờ hững gật đầu và kiêu kỳ cắt ngang câu chuyện bằng cách rồ xe vọt đi, dù bà cụ còn rỉ rả thêm vài điều gì đó.

Lang gieng

Tôi đã nhiều lần nghĩ, mình thật xui xẻo khi có một nhà hàng xóm xấu như vậy.

Nhưng đó là câu chuyện của vài tháng đầu. Bây giờ, sau bảy năm, tôi đã cảm thấy xấu hổ về suy nghĩ của mình.

Rất nhiều lần, cả nhà tôi đi vắng nên không thể đóng tiền điện, tiền nước, bà cụ đã cố gắng vét tiền để đóng giùm. Rồi những lần có chú chó của nhà hàng xóm đến trước cửa nhà tôi “làm bậy”, sáng ra tôi vội đi làm, không kịp dọn, chiều về đã thấy sạch bong. Bà cụ cười xòa: “Bác hốt cho nó sạch đường sá”.

Cũng có những lần nhà hàng xóm khác cãi vã, vợ chồng cấu xé nhau, mẹ con bà cụ hốt hoảng, cứ thập thò ngoài cửa nhà họ, muốn chạy vào can mà không dám. Trong khi đó, những người hàng xóm còn lại (trong đó có tôi) đứng ở cửa nhà mình, thò đầu ra nhìn dửng dưng.

Tôi chỉ toàn thấy những điều tốt từ gia đình “lượm ve chai”, trong khi ấn tượng trong đầu tôi vẫn bị dẫn dắt bởi câu chuyện xấu về họ, do người khác kể. Những điều xấu ấy như bị ghim vào đầu, không tài nào “nhổ” ra được.

Một người xấu, là do họ xấu, hay do người khác nói họ xấu? Ai cũng biết, rất cần nhận xét về một người bằng chính cảm nhận của mình chứ đừng theo cảm nhận của người khác. Đơn giản vậy, mà thực hiện khó biết bao.

Trớ trêu, dường như ai cũng có sẵn tâm lý hào hứng khi nói xấu người khác, và ai cũng có sẵn tâm lý hào hứng khi nghe những chuyện xấu của người khác.

Khi ấy, tin yêu như ngọn nến mới được thắp lên, còn lay lắt, chưa cháy bừng đã tắt lụi.

Mới đây, cũng có một gia đình mới chuyển đến sát bên. Tôi nghĩ, hay là mình qua nói nhỏ với họ: “Gia đình kia lượm ve chai, nhưng họ tốt lắm”. Nghĩ mà không dám làm. Bởi, chạy qua nói xấu về người khác có vẻ tự nhiên, bình thường, nhưng chạy qua nói tốt về ai đó hình như là điều bất thường và... vô duyên.

 Thiên Tường

Từ khóa Láng giềng xấu
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI