Kiềng... hai chân

28/02/2016 - 08:31

PNO - Con trai tôi đã 17 tuổi, tính tình rất hiền lành, vui vẻ nhưng cháu chưa có lập trường, chính kiến.

Quyết định của cháu rất dễ nghiêng ngả khi có tác động bên ngoài, nhất là từ phía bạn bè. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, cháu đều dễ dao động, thay đổi ý kiến xoành xoạch. Được bạn tư vấn mua quần áo mới, cháu cũng thích, nhưng khi nghe bạn khác chê vài câu là sẵn sàng làm ngơ với những bộ đồ ấy, mua ngay cái khác.

Kiểu tóc cũng thế, có khi vừa cắt tóc khá ưng ý nhưng có ai góp ý là đi đổi kiểu ngay. Dự định làm việc gì đấy nhưng có người bàn ra, cháu liền thoái chí. Nhìn nhận một vấn đề, một con người, cháu cũng dễ sa vào cả tin, chủ quan, nghe theo một phía và có những nhầm lẫn. Lúc nhỏ, cháu rất vâng lời cha mẹ khiến tôi an lòng, thậm chí còn nêu cao sự phục tùng, vâng lời ấy; giờ cháu lại nghĩ nếu lì hơn, bướng hơn thì mới hay.

Ở tuổi đã phải xác định nghề nghiệp tương lai, cháu vẫn không biết chọn ngành nào. Tôi hỏi cháu, cháu hỏi ngược lại: “Thế mẹ thích con đi ngành nào?”, nghe thật nản. Cháu còn định sẽ đăng ký theo ngành của... thằng bạn thân. Có lúc tôi bực quá, xúc phạm cháu: “Đàn ông gì mà yếu đuối”, “lập trường của con thì vững cỡ như kiềng... hai chân”. Cháu không giận hờn, trách móc, nhưng không đổi tính. Tôi rất lo cho cháu nhưng chẳng biết uốn nắn cách nào.

Kim Anh (Q.Bình Tân, TP.HCM)

Kieng... hai chan
Ảnh minh họa

Chị Kim Anh mến,

Đọc thư chị, tôi hình dung cháu là chàng trai hiền lành, ngoan, biết vâng lời cha mẹ. Mỗi đứa trẻ có những tính cách rất khác biệt. Trẻ lanh lợi thì dễ bướng bỉnh, trẻ ngoan hiền thì có thể lành quá. Tính cách nào cũng có ưu điểm và nhược điểm. Cháu dễ nghe lời bạn bè cũng một phần ảnh hưởng từ tâm sinh lý tuổi mới lớn, các con thường bị ảnh hưởng từ bạn bè nhiều hơn, thậm chí nghe lời bạn hơn cả nghe lời cha mẹ. Một phần nguyên nhân cháu nghiêng ngả theo ý người khác có thể đến từ tâm lý tự ti, cháu chưa thực sự tin tưởng vào suy nghĩ của bản thân.

Thường khi con nhỏ, cha mẹ mong con ngoan ngoãn nên muốn con nghe lời, dễ chê bai con; khi con lớn lại muốn con tự tin thì thật khó. Chính cách chúng ta quá nghiêm khắc với con, hay chê trách con đã khiến con dần trở nên tự ti. Cũng có những cha mẹ đã quá nuông chiều con, việc gì cũng làm thay con, quyết định thay con nên cũng khiến con yếu đuối và dần mất tự tin.

Cháu đã 17 tuổi, tuổi cần sự trưởng thành để bước vào trường đời, rời xa vòng tay cha mẹ để đi học một nghề hoặc đi làm kiếm sống, nhưng cháu chưa độc lập trong suy nghĩ, chưa có chính kiến, chưa có trách nhiệm với tương lai của chính bản thân. Việc hướng nghiệp, theo học ngành nào là rất quan trọng, quyết định tương lai sau này của cháu mà cháu lại chỉ biết theo ý mẹ hay theo ý bạn thân thì thật đáng lo.

Chị nên bàn với bố cháu để cùng nhau giúp cháu hướng nghiệp. Cha mẹ cần giúp con hiểu bản thân con là ai, con có năng lực, sở thích, ước mơ… như thế nào. Khi con hiểu rõ bản thân và thực sự tự tin vào chính mình con sẽ xác định được mục tiêu nghề nghiệp phù hợp và lập kế hoạch thực hiện mục tiêu đó.

Ngoài ra, hàng ngày anh chị cũng cần cho cháu tập tự ra quyết định trong những việc nhỏ. Cha mẹ có thể cho cháu có cơ hội nói lên ý kiến trong những việc hàng ngày như ăn uống, sinh hoạt, học hành… Nếu cha mẹ tích cực khen ngợi, khuyến khích con, cháu sẽ dần tự tin và dám đưa ra quan điểm, chính kiến của mình. Cha mẹ tránh làm thay con, quyết định thay con dù là việc nhỏ. Cháu đã lớn và cháu cần tự lập. Tự lập trong việc nhỏ sẽ tập cho cháu độc lập trong suy nghĩ.

Chúc anh chị sẽ giúp được con trai vừa ngoan hiền vừa tự tin, dám nghĩ, dám ra quyết định và chịu trách nhiệm với suy nghĩ, việc làm của bản thân.

Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI