Khi con trẻ thiếu đề kháng

21/05/2015 - 11:29

PNO - PN - Chúng ta sẽ cảm thấy ấm áp, cảm động khi nghe những câu chuyện về bản năng bảo vệ con cái của các ông bố bà mẹ. Nhưng, có nên "che chở suốt đời con" khi điều đó sẽ biến con cái trở thành những con người thiếu sức đề kháng trước cuộc sống?

edf40wrjww2tblPage:Content

Những đứa trẻ to xác

N. sinh ra trong một gia đình khá giả. Công việc của cô chỉ là học và học, mọi việc còn lại được ba mẹ phục vụ từ A đến Z. Khi N. đậu đại học, bố mua nhà thành phố, chuyển công tác vào Sài Gòn để chăm con gái, mua cho con xe vespa, xài máy tính macbook, điện thoại iphone đời mới nhất. Nếu cuộc sống của N. chỉ gói gọn trong gia đình nhung lụa của mình thì không sao, nhưng N. còn có những lúc bên cạnh họ hàng, bạn bè, hàng xóm. Phiền phức thường xảy ra mỗi khi N. đi cắm trại hay dã ngoại vì cô lóng ngóng không biết làm gì, không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao như chuẩn bị đồ ăn vặt cho nhóm, vo gạo nấu cơm... Về nội ngoại ăn giỗ, N. cũng chẳng bao giờ biết phụ dọn bữa ăn, rửa cái chén.

C. là một chàng trai chẳng phải con nhà giàu có nhưng cũng thuộc hàng quý tử, là đứa cháu đích tôn được cưng chiều từ nhỏ. Dù cuộc sống giữa ba mẹ C. thường có chuyện lục đục nhưng cậu vẫn được chăm cho những bữa ăn ngon, giấc ngủ yên từ bà nội và mẹ. Vì vậy, đã 30 tuổi nhưng C. mãi là một đứa trẻ to xác.

Thi đại học không đậu, C. nản không thi lại. Mẹ có tiệm may nên bảo học may, được vài bữa thấy khó quá C. lại không học. Mẹ cậu mở cho một quán ăn, thuê người làm hết, C. chỉ việc tính tiền khách. Hào hứng được vài bữa, C. lại thấy mình chẳng thể chẳng chơi bời, bèn bỏ quán đi nhậu, đổ cá ngựa, chơi game, chơi đến khi nào hết tiền lại về quán thu tiền và đi chơi tiếp.

S. gần 40 tuổi, đã có vợ con nhưng mỗi khi vợ chồng cãi vả vì chuyện tiền bạc thì y như rằng S. sẽ kết luận: "Bà đừng có coi thường tui, mẹ tui nhiều tiền lắm, có gì tui về xin tiền mẹ tui". Thật ra, ba mẹ S. đã hơn 70 tuổi, bao nhiêu tiền bạc làm được lúc còn trẻ đã lo hết cho con cái chứ chẳng hề "nhiều tiền lắm" như S. nói. Có điều, lần nào S. xin tiền, khi vài triệu khi vài chục triệu, ba mẹ cũng cố chạy tiền để đưa, nên S. tưởng ba mẹ mình còn của chìm của nổi. Đi làm đã 15 năm, lập gia đình gần 10 năm nhưng S. không đủ sức lo cho gia đình nhỏ của mình mà vẫn nghĩ đến chuyện trông cậy vào bố mẹ.

Khi con tre thieu de khang

Khi sóng gió xảy ra

Hầu hết ba mẹ của những người con kể trên đều mong muốn con cái mình có được cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Nhưng ở đời, có ai thoát được sóng gió và nhiều khi sóng gió là do chính những đứa trẻ to xác ấy góp phần tạo ra, khi ấy rất khó giải quyết cho yên chuyện.

Con cái S. càng ngày càng lớn, chi phí sinh hoạt, ăn học cho con ngày càng nhiều trong khi tiền lương của S. thì không tăng lên. Thay vì nỗ lực làm thêm một việc gì khác để tăng thu nhập hoặc thử tìm việc ở một công ty khác lương khá hơn thì mật độ xin tiền ba mẹ của S. lại ngày càng dày hơn.

Công việc của S. là làm thủ tục hải quan để nhận hàng về cho công ty nên nhiều khi S. xài thâm vào tiền tạm ứng của công ty, đến hạn lấy hàng không xoay đâu ra tiền S. lại khóc lóc, năn nỉ ỉ ôi ba mẹ. Ba S. buồn rầu: "Nhiều lúc mệt mỏi muốn bỏ mặc để S. tự giải quyết những hậu quả do nó gây ra nhưng thấy mình còn có cách để lo cho con mà để nó khổ sở thì cũng áy náy. Vả lại, mình không giúp nó thì nó lại trách mình".

Cũng mang tâm lý sợ con trách làm cha mẹ mà không lo lắng cho con nên dù xảy ra bao nhiêu cuộc đụng độ giữa mẹ con C. thì mẹ C. vẫn cứ còng lưng làm trả nợ cho con sau những cuộc ăn nhậu, cờ bạc của cậu ta. Bao nhiêu lần C. đập điện thoại trước mặt mẹ mình và thẳng thừng tuyên bố: "Tui với bà từ nay hết nợ nần, không còn mẹ con gì nữa" và sau đó bỏ nhà đi bụi là bấy nhiêu lần mẹ C. đau lòng, rồi lại mừng húm khi con quay về nhà và vội vàng nấu những món ăn ngon. Đã vậy, thấy con mình bết bát sợ không cô gái nào chịu lấy, mẹ C. lo chắt chiu dành tiền xây cho cậu căn nhà, những mong cậu cưới được một cô gái ngoan hiền.

Khi con tre thieu de khang

Gia đình cô bé N. thì căng thẳng kiểu khác. Có lẽ N. sẽ yên ổn tận hưởng sự chăm sóc của ba mẹ nếu không đến ngày cô bé biết yêu. Vốn thường can thiệp vào cuộc sống của con gái, nên dễ gì ba mẹ cô lại để con gái tự quyết định chuyện yêu đương. Ngày biết tin N. có bạn trai, ba mẹ cô thật sự bị sốc. Chỉ muốn N. chuyên tâm học hành lại không mấy hài lòng về bạn trai của con nên họ càm ràm suốt. N. chỉ biết khóc vì không biết cách nào làm cho ba mẹ khỏi phiền lòng mà vẫn được vui vẻ với người yêu.

Giá mà cha mẹ S. đừng năm lần bảy lượt đưa tiền cho con vì sợ con bị mất việc thì có lẽ S. sẽ quý trọng chỗ làm và biết cách sắp xếp chi tiêu trong gia đình ổn thỏa hơn. Giá mà mẹ C. từ nhỏ thưởng phạt con đúng lúc thì có lẽ C. không có tâm lý kệ cứ làm một trận ầm ĩ rồi thể nào mẹ cũng chiều theo. Giá mà ba mẹ N. đừng quá chăm lo cho con thì sẽ không đòi hỏi con cái phải phục tùng mình trong mọi việc.

Tâm lý của nhiều ông bố bà mẹ muốn con trưởng thành nhưng lại sợ con vấp ngã, muốn con mạnh mẽ nhưng lại sợ con gặp khổ đau. Thay vì lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra với con mình thì hãy hướng dẫn con cách đối mặt và xử lý những bất trắc trong cuộc sống. Thay vì sẵn sàng nhảy bổ vào đời sống riêng của con để thay con giải quyết những vấn đề của chính chúng, hãy để con cái tự sắp xếp cuộc sống riêng của mình, bố mẹ chỉ là tư vấn viên.

Vậy nên, muốn con cái vững vàng trong cuộc sống, phụ huynh cũng cần có bản lĩnh trong vai trò làm cha mẹ, chấp nhận việc con em mình gặp xui rủi, khổ đau trong cuộc sống. Chống chọi được sóng gió thì chúng sẽ không bạc nhược mà mạnh mẽ, tự tin. Tự giải quyết những hậu quả do mình gây ra thì chúng sẽ có trách nhiệm với cuộc sống của mình.

 LÂM HẠNH

Tâm lý của nhiều ông bố bà mẹ muốn con trưởng thành nhưng lại sợ con vấp ngã, muốn con mạnh mẽ nhưng lại sợ con gặp khổ đau. Thay vì lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra với con mình thì hãy hướng dẫn con cách đối mặt và xử lý những bất trắc trong cuộc sống.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI