Hiểu và trao quyền cho con

08/01/2014 - 12:23

PNO - PNO - Là người có chuyên môn về tâm lý, giáo dục nên tôi thường nhận được lời đề nghị tư vấn từ các vị phụ huynh lẫn các em học sinh. Trong số đó, vấn đề thường gặp nhất là xung đột giữa cha mẹ với con cái, đặc biệt...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhân cách của con người (bao gồm niềm tin, lý tưởng, sở thích, khí chất, năng lực, tính cách...) vốn dĩ khác nhau. Tuy nhiên cùng một độ tuổi thì tâm lý người thường sẽ có một số đặc điểm giống nhau (Ví dụ: trẻ vị thành niên thường chú ý nhiều hơn đến hình thức bên ngoài, phát triển tư duy trừu tượng/ lý luận, nảy sinh xúc cảm giới tính, quan hệ giao tiếp mở rộng hơn so với tuổi thiếu nhi) nên cùng lứa tuổi ít nhiều con người dễ hiểu nhau hơn (lý giải tại sao các bạn trẻ thích tâm sự với bạn bè hơn cha mẹ). Độ tuổi khác nhau thì sự khác biệt đó được cộng dồn thêm và sự khó khăn trong việc hiểu nhau sẽ càng lớn khi khoảng cách tuổi tác càng xa (lý giải tại sao những phụ huynh lớn tuổi mà có con ở tuổi thiếu niên thì gặp khó khăn nhiều hơn trong việc đối thoại cùng con).

Hieu va trao quyen cho con
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi từng trò chuyện với một người cha ngoài 50 tuổi, ông bật khóc khi kể về cậu con trai 17 tuổi (đang học lớp 11). Cậu bé tụ tập, chơi bời, bỏ học thường xuyên. Ông đã hy sinh công việc của mình, ở nhà để đưa đón, giám sát con mình đi học nhưng cậu bé vẫn trốn được, còn luôn tỏ thái độ bất cần, chống đối, có lần giận quá, ông đã bạt tai con mình. Ông nói: “Tôi đáp ứng mọi thứ nó muốn. Rốt cuộc, nó cần cái gì, muốn cái gì nữa?”. Khi gặp cậu bé ấy, trò chuyện, thì tôi hiểu ra rằng: Cậu vừa chuyển từ Bình Định vào TP. HCM học và sống cùng cha từ lớp 10. Khi đó, cậu chơi thân một nhóm bạn nhưng cha cậu thấy nhóm bạn đó có vẻ ăn chơi, nên ông lo ngại, chuyển con trai sang trường mới. Cậu trốn học là để “biểu tình” với quyết định của cha. Tôi hỏi: “Sao con không nói cho cha biết suy nghĩ của con?” Cậu nhếch mép cười: “Cô nghĩ cha con hiểu con cô độc cỡ nào khi không có bạn ở đây sao?” Cha con bảo: “Đàn ông con trai, đừng có uỷ mị, yếu đuối! Đã vậy thì càng phải chuyển chỗ mới để rèn luyện bản thân. Tóm lại, với cha, con chỉ có thể đối đầu chứ không đối thoại được".

Như vậy, sự xung đột của hai cha con có thể lý giải rất rõ ràng. Người cha 50 tuổi không đặt mình vào vị trí của đứa con 17 tuổi để hiểu rằng ở lứa tuổi này, bạn bè là đặc biệt quan trọng thậm chí trẻ tuổi vị thành niên chịu ảnh hưởng hay nói đơn giản là “nghe lời bạn” hơn cả cha mẹ. Thứ hai, trẻ tuổi này phát triển nhanh về cơ thể (lớn xác) nên thường tự coi mình là người đủ trưởng thành để quyết định các vấn đề cá nhân như cách ăn mặc, cách chọn bạn, cách ứng xử...(dù thực ra, trẻ còn rất non kém kinh nghiệm), “cái tôi” của trẻ rất lớn, do đó, nếu cha mẹ can thiệp thô bạo vào các vấn đề trên, trẻ sẽ sẵn sàng phản ứng rất gay gắt.

Tôi gợi ý cho người cha đó cách nói chuyện lại với cậu con trai mình thế này: “Cha muốn nói chuyện với con với tư cách hai người đàn ông trưởng thành. Cha xin lỗi khi không lắng nghe ý kiến của con. Cha vừa nhận ra con đã lớn, đã đủ trưởng thành để quyết định và tự chịu trách nhiệm những vấn đề cá nhân của con. Con đang lựa chọn không tiếp tục đi học, vậy con có kế hoạch gì khác cho cuộc đời của con không? Con cứ nói, nếu có thể, cha sẽ hỗ trợ con. Suy cho cùng, cuộc đời của con vẫn phải do chính con quyết định mà”. Ban đầu, cậu bé rất ngạc nhiên, ấp úng không trả lời được. Sau đó, cậu nói cậu sẽ đi học trở lại ở trường cũ và sẽ cho cha thấy dù chơi với những người bạn có vài tật xấu nhưng cậu đủ bản lĩnh để phân định cái xấu, cái tốt để trở thành người tử tế. Như vậy, bày tỏ niềm tin, trao quyền (có kiểm soát), định hướng (không áp đặt) cho trẻ là một cách hiệu quả để giáo dục trẻ lứa tuổi này.

Hieu va trao quyen cho con
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các nhà nghiên cứu tâm lý học cũng nhận thấy trong cuộc đời, mỗi người thường trải qua 3 giai đoạn biến động lớn về tâm lý (thường được gọi là khủng hoảng tâm lý): tuổi lên 3, tuổi dậy thì và tuổi về hưu (tuổi mãn kinh). Tuổi dậy thì với những biến đổi nhanh chóng, toàn diện về sinh lý kéo theo những thay đổi sâu sắc về tâm lý tới mức ngay cả chính các bạn trẻ đó cũng bối rối với chính mình. Những thắc mắc về sự thay đổi cơ thể, cảm xúc, lối suy nghĩ,...khiến trẻ cũng khá căng thẳng và luôn mong muốn có được lời giải đáp. Trẻ rất cần sự trợ giúp của người lớn như cha mẹ, thầy cô, anh chị. Do đó, chỉ cần người lớn chịu khó sắm vai là bạn của trẻ, đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và hướng dẫn thì “cuộc chiến giữa hai thế hệ” có thể sẽ không xảy ra.


NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

Giảng viên khoa Tâm lý- Giáo dục- ĐH Sư phạm TP. HCM
Nghiên cứu sinh Giáo dục học- ĐH East Anglia- Anh quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI