Hành vi xấu - tấm gương mờ

30/09/2014 - 07:15

PNO - PN - Có nhiều ông bố, bà mẹ luôn dạy con về lối sống lịch sự, văn minh nhưng trong một số trường hợp, chính họ đã làm gương xấu ngay trước mặt con mình. Dạo một vòng quanh TP.HCM, phóng viên bắt gặp nhan nhản hành vi xấu của...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hanh vi xau - tam guong mo

Hồn nhiên xả tờ rơi vào bồn hoa tại ngã 6 Cộng Hòa (Q.Tân Bình) - Ảnh: Xuân Phương

Hanh vi xau - tam guong mo 

Một người mẹ chui qua dải ngăn cách khi xếp hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Trần Triều

Thiếu văn hóa ở sân bay

Bảy giờ sáng một ngày đầu tháng Chín, sân bay Tân Sơn Nhất nêm cứng người. Nơi làm thủ tục cho hai hãng Jetstar Pacific và VietJet náo loạn, do có những người đến sau lấy cớ trễ chuyến, chen ngang khiến những người trong hàng chửi mắng om sòm. Một bà mẹ chạy phăm phăm xen vào đầu hàng, tay xách hành lý, tay còn lại kéo theo đứa con gái chừng năm tuổi. Đứa con mếu máo, có lẽ không hiểu tại sao mình lại bị kéo đi như vậy. Những người bên cạnh xì xào phản đối, nhưng bà mẹ tỏ vẻ không vừa: “Làm gì dữ vậy, người ta trễ chuyến mới phải làm vậy chứ!”. Một chị lớn tiếng: “Chị không muốn bị trễ thì phải đi sớm, tất cả mọi người đi sớm, xếp hàng, trong khi chị chen vô là sao?”. “Thôi thôi, có chuyện xếp hàng thôi mà làm gì dữ vậy” - nói đoạn, bà mẹ lôi con vào quầy làm thủ tục. Có lẽ, đứa bé đã học được bài “muốn nhanh thì phải chen bừa” của mẹ.

Vào những ngày cuối tuần, nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất thường mướt mồ hôi vẫn không dẹp được cảnh tượng “như cái chợ”, bởi khách quá đông và nhiều người vô ý thức. Sáng 9/9, hàng ngàn người chen cứng dải phân cách, thỉnh thoảng lại xôn xao vì những người sau đẩy những người trước. Có tiếng trẻ con khóc vì bị chen lấn, va chạm. Bất ngờ, một phụ nữ “mạnh dạn” chui qua dải phân cách rồi quay lại cười “cầu hòa” với những người xếp hàng cùng với mình. Thấy vậy, có thêm vài người chui theo, một số người khác nhấp nhổm. Có cậu bé khoảng bảy tuổi đứng khoanh tay, lắc lắc đầu như “ông cụ non” và nói: “Ba ơi, sao kỳ vậy ba, sao xếp hàng kiểu gì kỳ vậy ba?”. Người cha chỉ xoa đầu con, không nói được gì.

Bên cạnh những hàng người rồng rắn ấy, một bà mẹ bế đứa con nhỏ, dắt thêm đứa con gái trạc tám tuổi bất ngờ đổ ra đống tã giấy, vỏ bánh, vỏ trái cây ở góc cột nhà ga rồi vội vã đi tiếp trong ánh mắt ngỡ ngàng của nhiều người.

Hanh vi xau - tam guong mo

Dù nhiều người thiếu chỗ ngồi, người đàn ông này vẫn vô tư chất hành lý trên ghế ở ga Sài Gòn - Ảnh: Xuân Phượng

“Hồn nhiên”

Hiện nay, hầu hết công viên trong thành phố đều có những khu vui chơi. Nhiều cha mẹ dẫn con vào công viên, đã vô tình dạy con gương xấu. Đó là cảnh ông bố, bà mẹ giành chơi với trẻ con. Bất chấp cảnh báo trò chơi chỉ dành cho các em, các phụ huynh này vẫn vô tư leo trèo trong sự... kinh ngạc lẫn khó chịu của nhiều người. Đơn cử, ngày 3/9, tại công viên Tao Đàn, một người lớn ngang nhiên chơi trò đạp chân, dù trò chơi này được gắn biển hiệu chỉ dành cho trẻ em dưới 13 tuổi. Có đứa trẻ đứng bên cạnh, tỏ vẻ sốt ruột chờ đợi, nhưng chị này vẫn hồn nhiên chơi cho đến lúc chán mới buông.

Tương tự, ngày 13/9, một cặp vợ chồng đưa con trai (khoảng năm tuổi) cũng đến khu vui chơi ở công viên này. Cặp vợ chồng và cậu con trai lập tức cùng leo lên xích đu. Sau đó, thấy xích đu hẹp, người vợ chuyển sang một xích đu khác. Một lúc sau, cậu con trai nhờ bố mẹ đưa đi vệ sinh (cách đó chưa đầy 100m), ông bố thản nhiên bảo con… “đi” vào bồn hoa. Mặc dù công viên có bảo vệ trực 24/24, song không thấy ai nhắc nhở, xử phạt những hành vi xấu này.

Chị Huyền, một phụ huynh ở Q.3 thường đưa con đến công viên Tao Đàn vào Chủ nhật, băn khoăn: “Nhiều phụ huynh không có ý thức cộng đồng. Tuy nhiên, ngoài bảo vệ, không ai có thể ngăn cản được hành vi xấu xí của họ vì đây là khu vui chơi công cộng. Tôi thường đưa con đến chơi, nhân tiện lồng vào những bài học về phép lịch sự nơi công cộng. Nhưng những hành động thiếu văn hóa nhan nhản như vậy, làm sao tôi dạy con đây?”.

Ga Sài Gòn một ngày giữa tháng Chín, có chị trạc 30 tuổi bế con, tay xách một túi hành lý khá nặng. Chị đến dãy ghế chờ tìm một chỗ trống để ngồi nhưng loay hoay mãi vẫn không tìm ra bởi người đông nghẹt. Chị chợt thấy một người đàn ông ngồi cạnh đó với ba túi hành lý choán hết ba chỗ ngồi trên băng ghế. Chị đề nghị ông này sắp xếp các hành lý gọn gàng lại, để chị và em bé có chỗ ngồi. Ông ta lạnh lùng đáp: “Không được, để xuống đất, dơ hết đồ thì sao”, đoạn quay mặt đi, vờ móc điện thoại ra nói chuyện.

Chị đi quanh thêm một vòng tiếp tục tìm kiếm, lại thấy có hai chiếc ghế chất hành lý cạnh một thanh niên. Chị nhờ anh ta sắp xếp để mình có một chỗ ngồi, nhưng anh trả lời cộc lốc: “Có người rồi!”. Có lẽ bồng con lâu quá nên mỏi tay, chị đành ngồi bệt xuống sàn chung với rất nhiều người đang la liệt trước cổng vào ga lên tàu.

Hanh vi xau - tam guong mo

Cha ngồi trên xích đu của trẻ con và “cổ động” con “tè” vào bồn hoa ở công viên Tao Đàn - Ảnh: Tuyết Dân

Hanh vi xau - tam guong mo

Một người mẹ chiếm trò chơi của trẻ ở công viên Tao Đàn

Tuân thủ luật giao thông chỉ vì sợ công an!

Nhiều phụ huynh tham gia giao thông với tâm thế sợ công an giao thông phạt, chứ không ngại với người khác hoặc sợ tai nạn khi vi phạm luật. Chị Nguyễn Thị Phượng (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) kể: “Tại ngã tư đường Phạm Văn Chiêu - Quang Trung (Q.Gò Vấp) vào buổi trưa vắng người qua lại. Đèn đỏ. Có ba người trờ tới, không một ai trong số họ dừng trước vạch trắng quy định. Một người cho xe đứng giữa vạch, người khác vượt quá vạch một đoạn, còn một người thì ở trong tư thế gần như muốn vượt đèn đỏ.

Lúc đó, tôi đang chở con gái mới học lớp 1 ở phía sau. Thoạt đầu tôi không để ý đến vị trí đứng của ba người kia. Có lẽ cảnh tượng này đã quá quen thuộc. Bỗng nhiên con gái thỏ thẻ từ phía sau: “Mẹ, mình đứng trước vạch trắng vậy là đúng luật nè. Mấy chú kia đứng quá vạch là sai, cô con nói như vậy đó mẹ!”. Câu nói của con làm tôi giật mình nhìn lại. Hành vi vượt đèn đỏ, vượt vạch trắng, chiếm vạch của người đi bộ… đã trở thành thói quen đến nỗi nó diễn ra hằng ngày, có thể gặp ở bất cứ ngã tư nào trong thành phố”.

Giờ tan trường, tại vòng xoay Cộng Hòa (Q.Tân Bình), có người dúi vào tay những người đang dừng chờ đèn đỏ những tờ rơi quảng cáo. Ngay trước mắt chúng tôi, một người đàn ông chở con nhỏ phía trước, với tay xin một tờ, đọc lướt xong ném thẳng vào bồn hoa cạnh đó. Nhiều người khác đọc xong cũng ném tờ rơi xuống đường. Lát sau, bồn hoa và mặt đường toàn rác. Những đứa trẻ ngồi trên xe sẽ nghĩ gì khi thấy bài học nhãn tiền như vậy?

Giờ tan tầm mỗi chiều, người tham gia giao thông không khó để bắt gặp những phụ huynh chở trẻ chạy ngược chiều, leo lên lề, vượt đèn đỏ. Vô tình, cách tham gia giao thông của người lớn đã khiến trẻ con cảm nhận rằng, chỉ nên giữ đúng luật giao thông khi có công an, còn những lúc khác thì mạnh ai nấy đi. Nếu hôm đó trẻ được học bài về tuân thủ luật giao thông, ra đường lại được chính cha mẹ mình “tặng” hình ảnh vi phạm luật như vậy, trẻ sẽ nghĩ gì?

TRANG ĐẮC 

ĐỪNG VẼ NHỮNG NÉT XẤU VÀO TÂM HỒN TRẺ

Trẻ con không dễ dàng làm theo lời người lớn khuyên bảo, nhưng dễ dàng bắt chước theo cách người lớn đang làm.

Rất tiếc, vì muốn nhanh và tiện, nhiều phụ huynh đã vô tình nêu gương xấu cho trẻ. Để nhanh hơn vài giây, phụ huynh sẵn sàng vượt đèn đỏ; để tiện, phụ huynh không ngại chạy ngược chiều. Có thể phụ huynh được chút lợi trước mắt nhưng không biết mình đã gây ra cái hại lâu dài. Vì gương xấu của phụ huynh, trẻ có thể trở thành người coi thường luật pháp.

Một ông bố vì không muốn tiếp khách, đã nhờ con nhỏ ra bảo với khách là “bố cháu không có ở nhà”. Chuyện tưởng nhỏ, rồi sẽ qua đi, nhưng trong cháu bé sẽ hình thành tính không trung thực với kiểu bố dặn như vậy. Vài lần đầu trẻ áy náy khi nói dối, những lần sau trẻ bớt và mất luôn sự áy náy, bởi việc nói dối đã được bố dạy!

“Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Những hành vi xấu của cha mẹ không chỉ tạo thói quen xấu cho bản thân, mà còn tạo cả thói quen xấu cho trẻ. Tâm hồn con trẻ như tờ giấy trắng, phụ huynh “vẽ” những “nét vẽ” đầu tiên sẽ in hình mãi mãi trong tâm hồn trẻ. Phụ huynh thường chủ quan kiểu “bọn trẻ còn nhỏ, biết gì đâu mà lo”, nhưng họ đâu biết, trẻ đã bị thẩm thấu trọn hành vi xấu mỗi khi người lớn thể hiện trước mặt các em. Hãy cân nhắc trước khi nói và cẩn trọng trong mọi hành vi, dù là nhỏ nhất. Đứa bé trở nên con người như thế nào trong ngày mai là tùy thuộc cách người lớn ứng xử với trẻ hôm nay.

TS VÕ VĂN NAM (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Hanh vi xau - tam guong mo

Vô tư dừng sai vạch tại ngã tư Phạm Văn Chiêu - Quang Trung (Q.Gò Vấp) - Ảnh: Xuân Phượng

50% PHỤ HUYNH TỪNG VƯỢT ĐÈN ĐỎ

Phóng viên Báo Phụ Nữ đã thực hiện cuộc “khảo sát bỏ túi” đối với 200 phụ huynh (PH) (là trí thức, công chức) đang có con nhỏ. Kết quả khá bất ngờ, khi nhiều PH tự nhận mình đã làm gương xấu trước mặt con. Cụ thể:

- 30% PH đã từng xả rác không đúng chỗ trước mắt con.

- 50% PH vượt đèn đỏ, dừng sai vạch khi chở con trên xe.

- 20% PH từng một vài lần to tiếng ở đám đông khi đi cùng con.

- 30% PH đã từng xi cho con “đi” bậy nơi công cộng.

- 20% PH từng chửi thề trước mặt con.

- 10% PH cho rằng trẻ sẽ bắt chước y khuôn những hành động xấu, 90% còn lại cho rằng còn tùy.

- 100% cho rằng việc ứng xử văn minh, lịch sự trước mặt con là rất quan trọng, vì đó là cách dạy con hiệu quả nhất để con trở thành một công dân văn minh và lịch sự.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI